Giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa

Di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH) đóng vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính vì thế, huyện Cần Đước, tỉnh Long An luôn chú trọng gìn giữ, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

Đình Vạn Phước là nơi “hội ngộ” của giới tài tử các tỉnh, thành phố nhân dịp lễ húy kỵ Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại hàng năm

Đình Vạn Phước là nơi “hội ngộ” của giới tài tử các tỉnh, thành phố nhân dịp lễ húy kỵ Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại hàng năm

Huyện Cần Đước là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời, được biết đến qua câu Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai hay Đờn nhất xứ, võ vô địch. Hiện trên địa bàn huyện có 12 DTLS-VH (trong đó, có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh). Tồn tại qua nhiều thế kỷ, dưới tác động của thiên nhiên, nhiều DTLS-VH trên địa bàn bị xuống cấp, cần trùng tu, tôn tạo, phục dựng.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, những năm qua, huyện Cần Đước đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại. Qua đó, thể hiện sự trân trọng, kế thừa của thế hệ hôm nay đối với truyền thống lịch sử - văn hóa do tiền nhân dày công sáng tạo và lưu truyền lại, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Nhằm giữ gìn nguyên vẹn, không để di tích xuống cấp, thời gian qua, huyện tích cực triển khai công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo DTLS-VH trên địa bàn. Nổi bật là công trình trùng tu, tôn tạo đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ) năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng. Đình Vạn Phước là nơi thờ Thành hoàng và ông Bùi Quang Diệu, còn gọi là Quản Là, một người yêu nước và tham gia khởi nghĩa vũ trang chống Pháp ở Cần Đước, cùng thời với Trương Định. Đến năm 1996, đình Vạn Phước thờ thêm bài vị của nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại, người được xem là ông tổ của Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây cũng là nơi “hội ngộ” của giới tài tử các tỉnh, thành phố nhân dịp lễ húy kỵ Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại hàng năm.

Bà Nguyễn Thị Bảy (ấp Vạn Phước, xã Mỹ Lệ) chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi đình Vạn Phước được các cấp chính quyền quan tâm trùng tu khang trang. Đình Vạn Phước là nơi hội tụ, lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian, niềm tự hào của người dân địa phương”.

Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn (xã Tân Chánh) được UBND huyện Cần Đước đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí gần 6 tỉ đồng

Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn (xã Tân Chánh) được UBND huyện Cần Đước đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí gần 6 tỉ đồng

Công trình trùng tu, tôn tạo đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn (xã Tân Chánh) được UBND huyện đầu tư kinh phí gần 6 tỉ đồng. Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn là vị quan triều Nguyễn. Ông sinh năm 1767, tại xã Tân Chánh, là võ quan dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, có nhiều công lao với đất nước. Đình Tân Chánh là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh và Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị.

Việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích thời gian qua góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân cũng như thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương./.

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-gin-ton-tao-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-a190277.html