Giữ hồn cho phố thị
Trong tiết trời chuyển sang xuân, khi những mầm cây cựa mình bung tỏa khoe sức sống dạt dào, tôi chợt nhận ra nét đẹp của Hà Nội không hẳn nằm ở những công trình đồ sộ, mà chính ở góc phố, ngõ nhỏ bình yên, mang những nét hoài cổ nhưng đầy lãng mạn để đắm chìm trong không gian của một Hà Nội hào hoa, thanh lịch…
Tôi vẫn hay ngang qua phố Hàng Khoai, bởi ở đó có một mảnh trầm tích Tràng An còn sót lại. Nơi góc phố ấy có một bà cụ chuyên bán những loài hoa vốn thân thuộc với người Hà thành xưa. Mùa nào thức ấy, hễ muốn tìm kiếm những hoàng lan, ngọc lan, hoa nhài, hoa bưởi... cứ ghé cửa hàng bà là có. Nhiều lúc không lưu tâm, chỉ đến khi cửa hàng bà đóng cửa, trong tôi mới chợt dâng trào cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối.
Cũng có lần tôi tần ngần đứng cả giờ đồng hồ bên gánh hàng của cô bán hoa nơi đầu phố Yết Kiêu. Tôi nghiệm ra rằng, hoa mùa nào cũng có. Tết, những cô những chị hàng rong chở hoa bưởi trắng ngần trên phố. Cuối hạ, đầu thu, có người bê nguyên mẹt hoàng lan, ngọc lan đi bán rong. Đôi khi tôi còn gặp cả những chùm hoa cau trắng muốt tinh khôi. Phải chăng người Hà Nội vốn ưa chơi hoa?
Tôi cũng không ít lần thoáng qua, quán trà nhỏ nơi góc đường Bà Triệu - Tô Hiến Thành hay ngồi thẩn thơ ở góc đường Yết Kiêu nơi còn sót lại những quán cóc liêu xiêu rất Hà Nội. Ở đó, tôi thấy tâm hồn mình được lắng dịu lại. Tôi được nghe tiếng ríu ran của bầy chim sẻ. Lũ chim sẻ dạn người. Với những cánh chim trên phố ấy, nhiều lúc tôi thấy chúng thực lạ. Có người đi đến, chúng chẳng buồn ào bay. Chúng lại sà xuống rồi bay vút lên từng chập.
…Một người bạn thân gốc Hà Nội hay than thở với tôi. Bạn bảo Tết xưa vui, ý nghĩa hơn Tết nay. Bởi ngày đó Tết luôn được coi trọng không chỉ vì những quan niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà vì đó là cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ gia đình, dòng họ, quê hương. Giờ thì Tết kém vui. Đôi lúc ở ngay giữa Hà Nội mà người ta thấy bơ vơ. Giữa Hà Nội phồn hoa nhưng chỉ đón Tết với riêng mình.
Bạn nói vậy nhưng riêng tôi chẳng cho là đúng. Có chăng nó chỉ đúng ở một phần rất nhỏ. Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm. Hiện nay Hà Nội vẫn đang vận động, đang vươn mình và đang tinh lọc những điều tốt đẹp. Có lẽ bạn tôi và một số người thấy hoang hoải trong cả một tập thể rộng lớn là bởi lẽ Hà Nội ngày nay có nhiều người nơi khác đến sinh sống, làm việc. Nếp sống thay đổi, mọi người hối hả chạy theo guồng quay nhanh hơn, mua - bán những đồ dùng sang - đẹp - hiện đại hơn, mọi người ứng xử với nhau cũng dễ nóng giận hơn…
Vậy nhưng, cứ nhìn Hà Nội như thế thì thực phiến diện. Vì sao ư? Bởi ở quanh đâu đó khắp phố phường Thủ đô chỉ cần lắng chậm lại để cảm nhận thì ta vẫn có thể bắt gặp những nét tinh hoa của văn hóa người Hà Nội hiện về rõ rệt, làm nên nét đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Chiều nay tôi rảo bước đi trên những con phố cũ, phố cổ của Hà Nội. Những hàng cây và những nét đẹp giản dị của thành phố nghìn năm văn hiến vẫn vậy. Hà Nội thực đẹp. Tôi nghiệm ra rằng, cuộc sống vẫn đổi thay nhưng những cái đẹp dường như luôn có một sức mạnh riêng, như một dòng chảy riêng ở mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.
Hẳn không ít người nhìn ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, những làng cổ của Hà Nội đang dần phải thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp xưa cũ dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Dễ thấy, nhiều khu đất trước đây chỉ dành để cấy lúa, trồng hoa… thì nay đã thành khu đô thị sầm uất với các tòa chung cư, biệt thự liền kề. Cách sống của người dân thay đổi, từ cư dân nông nghiệp chuyển sang làm thương mại, dịch vụ, đa số lớp trẻ thì đi làm công nhân, nhân viên văn phòng.
Tôi từng ghé làng Định Công (thuộc quận Hoàng Mai) và các làng Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Mai Động vốn nổi tiếng với các nghề khác nhau, nhưng nay chỉ còn một số ít người giữ nghề. Cùng trong niềm tiếc nuối ấy còn là sự biến mất của những không gian thoáng đãng ngày xưa. Các làng cũng đang chịu sức ép của đô thị hóa và tăng dân số một cách chóng mặt. Tất cả con ngõ của làng đều oằn mình vì quá tải. Song đó là những mặt trái khó cưỡng trong tiến trình đô thị hóa.
Còn với tôi bất luận thế nào vẫn suy nghĩ rằng, đằng sau sự hiện đại, sầm uất, nhiều nơi vẫn giữ được nét văn hóa làng như mạch ngầm chảy mãi.
Làng Cót - hay Kẻ Cót, một trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót) thuở trước thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy là ví dụ. Làng bên cạnh những tòa nhà cao tầng hiện đại, hiện ngôi làng vẫn còn những nếp nhà thấp, cũ do những người yêu nét xưa giữ lại. Dễ thấy hơn, Kẻ Cót là làng khoa bảng. Nếp này vẫn còn. Nơi đây vẫn duy trì những dòng họ hiếu học như họ Nguyễn, Hoàng, Doãn, Quản… Kỳ thực, những địa phương mang danh “làng tiến sĩ” ở Hà Nội không hiếm, nhưng truyền thống ấy nối dài được đến hôm nay mới là chuyện đáng bàn. Các dòng họ lâu đời ở Kẻ Cót hiện nay có tới hơn 30 giáo sư, tiến sĩ, trong số đó nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu.
Lại nói về vẻ đẹp của Hà Nội. Tôi biết một họa sĩ rất Hà Nội. Chị là Trần Thanh Thục - người mải miết đi tìm vẻ đẹp Hà Nội qua tranh vải, thứ chất liệu độc nhất vô nhị cấu thành nên bức tranh bởi sự kết hợp màu sắc và chi tiết. Đến với Hà Nội từ tuổi hoa niên, khi chân ướt chân ráo lên Hà Nội học Trung cấp Mỹ thuật, nên những hình ảnh thân thương và những ký ức về Hà Nội luôn in đậm trong chị rồi truyền tải đến người xem những “linh hồn” của phố thị Hà Nội trong dòng nhộn nhịp của đô thị thời hiện đại.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giu-hon-cho-pho-thi-151245.html