Giữ 'hồn cốt' dân tộc xứ Thanh

Nếu ví văn hóa xứ Thanh như 'mạch nguồn' của văn hóa Việt thì văn hóa của các dân tộc tỉnh Thanh chính là những nhánh phù sa màu mỡ, tươi mát, bồi đắp nên sự phong phú, đa dạng, đa sắc màu mà cũng rất riêng khác của văn hóa xứ Thanh. Sự hài hòa trong sự riêng biệt ấy trở thành nền tảng và động lực cho 'miền di sản' hiện thực hóa khát vọng đưa văn hóa xứ Thanh vươn xa.

Độc đáo Lễ hội rước nước tại hang Bàn Bù (Ngọc Lặc). Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Độc đáo Lễ hội rước nước tại hang Bàn Bù (Ngọc Lặc). Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đưa ra một quan niệm vừa cụ thể, vừa khái quát song cũng hết sức tinh tế về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa, văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Đúng như nhận định của Người, văn hóa chính là thành quả từ lao động, sáng tạo, đấu tranh của cả dân tộc. Văn hóa được hình thành từ những điều bình dị, giản đơn ấy, song sức mạnh của văn hóa thì vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao biến động của thời gian, không ít giá trị văn hóa từng đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng, trong khó khăn thì mới thấy sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ của văn hóa. Chỉ cần một “cơn gió” là “ngọn lửa” ấy lại bùng cháy, minh chứng vẻ đẹp trường tồn, bất biến của mình.

Tự thân chuyên chở vô vàn giá trị quý báu cùng sức sống mạnh mẽ nên văn hóa được xem như “hồn cốt của dân tộc” và “soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước xác định là một mặt trận quan trọng. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển, việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành “sức mạnh” để hội nhập văn hóa theo xu hướng hòa nhập nhưng không hòa tan đang trở thành một nhiệm vụ cũng là một thách thức cho mỗi địa phương, mỗi dân tộc. Điều này đã được thể hiện rõ trong tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi vậy, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được các địa phương, dân tộc quan tâm triển khai. Đặc biệt, vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được phát huy hiệu quả.

Xứ Thanh là nơi tập trung sinh sống của 7 dân tộc anh em từ bao đời nay. Trải qua bao biến đổi, mảnh đất xứ Thanh đã kết tụ và chắt lọc nên một kho tàng văn hóa giàu giá trị từ những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc như: nghi thức dân gian, loại hình nghệ thuật truyền thống, trang phục, trò chơi, trò diễn dân gian... Để rồi, ngày nay, thế hệ trẻ được thừa hưởng, tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi vùng đất. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã “vươn mình” ra khỏi không gian sinh hoạt cộng đồng và giới hạn địa lý trở thành những di sản văn hóa. Và, càng vinh dự hơn khi trở thành di sản văn hóa quốc gia - tài sản chung của quốc gia, nhân loại. Tiêu biểu như các trò chơi, trò diễn đặc sắc: Hát chầu văn, trò Xuân Phả, ngũ trò Viên Khê, múa Pôồn Pông, hát ru Mường, múa đèn xếp chữ, cồng chiêng...

Khua luống mừng cơm mới của dân tộc Thái huyện Bá Thước. Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Khua luống mừng cơm mới của dân tộc Thái huyện Bá Thước. Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Việc ngày càng nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy và vươn tầm quốc gia, cho thấy sự quan tâm của Đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, kế hoạch góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 7/6/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai Đề án bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; “Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”... Đồng thời, công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, việc tổ chức các hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản được quan tâm triển khai bài bản, quy mô.

Một trong những chương trình đã góp phần hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời gian qua chính là Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Liên hoan được tổ chức hai năm/lần với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ nhân, nhạc công, diễn viên của 27 đoàn nghệ thuật quần chúng của các huyện, thị xã, thành phố, các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, văn nghệ dân gian. Trải qua 20 kỳ tổ chức, với sự đầu tư công phu, hoành tráng, Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã trở thành điểm hẹn văn hóa xứ Thanh; từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung. Từ đó, góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tạo sợi dây gắn kết các dân tộc, các địa phương, tạo nên khối đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp để cùng nhau xây dựng tỉnh Thanh ngày càng phát triển toàn diện. Đến với liên hoan, mọi người được “đắm mình” trong những bản nhạc, điệu nhảy trong không gian văn hóa truyền thống độc đáo, ấn tượng; hay được chiêm ngưỡng những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của mỗi dân tộc. Để từ đó, cảm nhận rõ hơn về sự đa dạng thống nhất của văn hóa xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa Việt; nhìn nhận ra sự riêng khác làm nên điều độc đáo, đặc biệt của văn hóa xứ Thanh - một nền văn hóa đa sắc màu.

Người dân tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Người dân tham gia Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Lê Công Bình (CTV)

Có thể khẳng định, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi địa phương là sức mạnh mềm; là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Để văn hóa các dân tộc thực sự trở thành những nhân tố quý báu kết chặt nên văn hóa xứ Thanh thì việc tổ chức các hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ để tạo “đất sống” cho văn hóa dân tộc là không thể thiếu. Đồng thời, cần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Qua đó, khẳng định sức sống trường tồn của văn hóa xứ Thanh; từng bước đưa văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” để tỉnh Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/giu-hon-cot-dan-toc-xu-thanh/208536.htm