Giữ hồn rối nước làng Rạch

Một buổi chiều hè, chúng tôi có dịp trở lại làng Rạch, thuộc phường Hồng Quang, tỉnh Ninh Bình (sáp nhập từ các xã Hồng Quang, Nghĩa An của huyện Nam Trực cũ và xã Nam Vân, thành phố Nam Định). Đây là một trong những cái nôi lâu đời của nghệ thuật múa rối nước truyền thống miền Bắc, nơi vẫn ngày ngày vang vọng tiếng trống chầu, tiếng cười trẻ thơ dưới tán cổ thụ bên ao làng. Trong làn nước trong veo, những con rối gỗ sinh động tung tăng nhảy múa, kể lại những câu chuyện dân gian mộc mạc mà đầy cuốn hút, như chính nhịp sống quê hương nơi đây.

Nghệ nhân cao tuổi của phường múa rối nước giới thiệu chú Tễu nhân vật biểu tượng trong múa rối nước.

Nghệ nhân cao tuổi của phường múa rối nước giới thiệu chú Tễu nhân vật biểu tượng trong múa rối nước.

Làng Rạch hay còn được gọi là Bàn Thạch thuộc Nam Chấn xưa, là vùng đất trầm tích văn hóa, nổi tiếng với nghề múa rối nước có lịch sử hơn 250 năm. Theo lời kể của các bậc cao niên, phường rối nước làng Rạch được thành lập vào năm 1755 do cụ tổ nghề Mai Văn Kha khai sáng. Từ đó, rối nước trở thành “của để dành” trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, gắn bó mật thiết với các lễ hội làng và sinh hoạt nông nghiệp đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ.

Hiện nay, phường rối nước làng Rạch quy tụ hơn 20 nghệ nhân ở nhiều lứa tuổi, trong đó có cả phụ nữ và học sinh trung học. Nhiều gia đình đã ba thế hệ cùng gắn bó với nghề: ông làm đầu trò, con tạc rối, cháu học biểu diễn. Nghệ thuật múa rối ở đây mang đậm bản sắc truyền thống, nổi bật với hệ thống tiết mục phong phú, phản ánh chân thực đời sống lao động, tín ngưỡng và lịch sử dân tộc.

Phường rối nước làng Rạch đang bảo tồn và biểu diễn thường xuyên 18 trò rối cổ truyền, chia thành các nhóm chủ đề: trò mở màn và giới thiệu, trò sinh hoạt nông nghiệp - đời sống làng quê, trò huyền thoại - tích cổ dân gian, trò lễ hội - tín ngưỡng... Hầu hết tiết mục không có lời thoại mà truyền tải nội dung bằng động tác biểu cảm, âm thanh dân gian kết hợp nhạc cụ truyền thống như trống chầu, nhị, sáo, đàn nguyệt, mõ... Mỗi trò chỉ kéo dài từ 3 đến 7 phút nhưng đủ kể trọn vẹn một câu chuyện, tạo nhịp diễn hấp dẫn, sinh động.

Không chỉ là những nghệ sĩ biểu diễn, các nghệ nhân rối nước làng Rạch còn là những người thợ thủ công tài hoa. Mỗi con rối - chỉ cao khoảng 30-40cm, là kết tinh của hàng chục giờ lao động miệt mài, tỉ mỉ. Nguyên liệu chế tác là gỗ sung - loại gỗ nhẹ, dễ đục đẽo và bền khi ngâm nước lâu ngày.

Anh Phan Duy Triển, nghệ nhân biểu diễn kiêm chế tác rối nước, chia sẻ: “Chọn được khúc gỗ đẹp cũng như chọn bạn diễn, gỗ có hồn thì rối mới có thần”. Gỗ sau khi tuyển chọn được phơi khô, tẩm mùi chống cong vênh, mối mọt. Các công đoạn chế tác bao gồm: đục tạo hình thô, chạm khắc tinh xảo, bào nhẵn, sơn phủ nhiều lớp và vẽ nét tạo thần thái. Đặc biệt, công đoạn cuối cùng là vẽ mặt rối, đòi hỏi nghệ nhân phải có óc thẩm mỹ cao và khả năng cảm thụ nghệ thuật để “thổi hồn” vào từng nhân vật.

Để hoàn thiện một bộ rối nước thường mất từ 4 đến 5 tháng, chưa kể thời tiết ẩm kéo dài quá trình sấy, sơn. Hình dáng rối được cách điệu tươi tắn, sinh động, mang tính hài hước và tượng trưng cao, đồng thời vẫn giữ nét chuẩn mực trong phục trang theo vùng miền: miền Bắc là áo tứ thân, miền Nam là áo bà ba...

Hiện cơ sở sản xuất của anh Triển có diện tích hơn 200m², tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, gia đình anh sản xuất khoảng 2.000 con rối phục vụ biểu diễn hoặc làm quà tặng. Các sản phẩm của cơ sở anh đã hiện diện ở nhiều nhà hát lớn như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Trung ương và các đoàn nghệ thuật trong cả nước.

Nghệ nhân kiểm tra và điều chỉnh con rối trước khi đưa ra biểu diễn.

Nghệ nhân kiểm tra và điều chỉnh con rối trước khi đưa ra biểu diễn.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và thị hiếu xã hội, nghệ thuật múa rối nước ở làng Rạch vẫn được gìn giữ như một phần máu thịt của cộng đồng. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2023, “Thủy đình” là nơi biểu diễn chính của phường rối, đã được tu sửa với kinh phí 200 triệu đồng, giúp đoàn rối biểu diễn thường xuyên hơn, nhất là trong các dịp lễ hội.

Hàng năm, phường rối tổ chức hàng chục buổi biểu diễn lưu động tại các trường học, lễ hội trong và ngoài tỉnh, không chỉ quảng bá văn hóa quê hương mà còn góp phần giáo dục thẩm mỹ, nuôi dưỡng lòng yêu nghệ thuật dân gian trong thế hệ trẻ. Nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước cũng tìm đến làng Rạch để chiêm ngưỡng, tìm hiểu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Múa rối nước làng Rạch không chỉ là một trò diễn, mà là linh hồn của đất và người nơi đây. Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, tiếng trống chầu, tiếng nước xao động và dáng rối nhún nhảy như những lát cắt sâu lắng, đánh thức ký ức văn hóa truyền đời. Giữ nghề không chỉ là bảo tồn hình thức, mà còn là sự tiếp lửa đam mê, là hành trình bền bỉ của đổi mới và thích nghi.

Những buổi biểu diễn kết hợp ánh sáng hiện đại, phối khí điện tử, tương tác với khán giả trẻ đang là hướng đi mới được các nghệ nhân trẻ trong phường rối thử nghiệm. Đó là cách họ “kể lại” chuyện xưa bằng ngôn ngữ của hôm nay mà vẫn giữ hồn cốt dân tộc, nhưng sống động, hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn với công chúng đương đại.

Để rồi, trong một chiều hè, khi khách phương xa ghé qua ao làng nhỏ ấy, thấy chú Tễu lại toe toét cười trên mặt nước, người ta bỗng nhận ra: Di sản vẫn đang sống, vẫn đang kể chuyện bằng chính nhịp đập của trái tim quê hương.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giu-hon-roi-nuoc-lang-rach-198512.htm