Giữ hồn rừng bằng dấu chân khoa học
Khi mặt trời vừa ló rạng trên những tán cây rừng nguyên sinh Đakrông (Quảng Trị), một đoàn người lặng lẽ xuất phát từ phía Trạm Kiểm lâm Triệu Nguyên, mang trên vai là những ba lô đựng máy định vị GPS, bẫy ảnh, vỉ bắt côn trùng, sổ tay ghi chép, ống nhòm và bộ thiết bị phân tích ADN dã chiến. Tất cả đi sâu vào rừng…
Đoạn, một thành viên trong đoàn quay lại nói với các thành viên còn lại như khẳng định: “Còn một hang đá gần suối Pung hôm trước chưa kiểm tra, hôm nay đi vòng lại đó. Mấy bẫy ảnh có dấu vết lạ”. Người nói câu đó là ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị.

Ông Trần Văn Hùng (trái) đang cùng cán bộ kỹ thuật Trần Đăng gỡ bẫy ảnh.
Ông Hùng không lạ với rừng. Suốt nhiều năm qua, ông cùng các đồng nghiệp đi dọc ngang khắp các vùng lõi của rừng Đakrông, Bắc Hướng Hóa và khu vực nối dài sang hành lang rừng biên giới Việt – Lào, những nơi từng một thời là “vành đai lửa”, giờ là “vành đai xanh”.
Tại hiện trường, đoàn người kiểm tra bẫy ảnh đặt cách đây một tháng. “Dấu chân này… không phải chó rừng”, một thành viên của đoàn là nhà sinh vật học trẻ thì thầm. “Cái bẫy phía hốc đá có mùi, có thể là sói đỏ”, một người khác nói. Sói đỏ, hay còn gọi là Cuon alpinus, từng được cho là đã tuyệt chủng cục bộ ở miền Trung. Nếu đúng, đây sẽ là phát hiện khoa học lớn.
Không xa đó, 3 cán bộ, chuyên gia tổ chức WWF Việt Nam đang thu mẫu lá và vỏ cây. Họ là những chuyên gia thực vật học. Họ lặng lẽ bóc tách từng lớp thực vật như đọc một cuốn sách xanh cổ xưa. “Chúng tôi từng phát hiện lại loài lan Paphiopedilum callosum tưởng chừng tuyệt chủng”, ông Đặng Công Viên, một chuyên gia của đơn vị này kể. “Có những sáng mai mù sương, chúng tôi đi trong rừng mà nước mắt cứ rơi. Không phải vì cực, mà vì thấy mình chạm vào một mạch sống tinh tế mà rừng đã âm thầm gìn giữ”.
Ở rừng đặc dụng Đakrông và Bắc Hướng Hóa, hiện các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xác định được 1.327 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 157 họ; 432 loài động vật rừng, trong đó khu hệ thú có 110 loài thuộc 30 họ, khu hệ chim 208 loài thuộc 49 họ; bò sát ếch nhái có 81 loài thuộc 18 họ; khu hệ cá có 33 loài thuộc 17 họ. Đặc biệt, đối với động vật có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Mỗi một loài tìm lại được là thêm một phần hồn vía của rừng được giữ lại…
Ngồi trong căn lán dựng tạm ở rìa rừng Tà Long, ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Ban Quản lý rừng đặc dụng Quảng Trị, kể chuyện bằng giọng trầm đục: “Ngày trước, chống “lâm tặc” là bằng các công cụ hỗ trợ, giờ giữ rừng là bằng tri thức”. Ông Hùng là một trong những người “đặt những viên gạch đầu tiên” cho việc giám sát rừng bằng bẫy ảnh tại Quảng Trị. Những chiếc bẫy ảnh đầu tiên đặt trong rừng đã vô tình ghi lại hình ảnh voọc chà vá chân nâu, một biểu tượng sinh học quý hiếm của dãy Trường Sơn. Sau đó là lợn lòi rừng, khỉ đuôi lợn, báo gấm và cả những cặp cầy hương đi săn đêm.
“Khi nói đến bảo tồn, người ta thường nghĩ đến rừng. Nhưng thật ra, cái cần bảo tồn là cả một hệ sinh thái, từ nguồn nước, loài cây, tầng vi sinh vật trong đất, đến những người đang sống phụ thuộc vào rừng”, ông Hùng tiếp tục câu chuyện. Họ đã bắt đầu xây dựng bộ dữ liệu số về các loài sinh vật rừng Quảng Trị, mã hóa ADN những cá thể quan trọng và phát triển ứng dụng cảnh báo cháy rừng dựa vào dữ liệu vệ tinh kết hợp AI. Bảo tồn không chỉ là bảo tàng hóa rừng. Đó là thông điệp mà nhóm khoa học của ông Hùng đang cố gắng truyền tải. “Chúng tôi không muốn dựng rào bảo vệ rừng rồi đứng ngoài ngắm. Rừng phải sống, cộng đồng phải sống và phải sống cùng nhau”.

Đàn voọc Hà Tĩnh được giám sát tại rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị.
Tại các xã rẻo cao, biên giới, thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (những nơi chủ yếu đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống), Ban Quản lý rừng đặc dụng Quảng Trị phối hợp xây dựng mô hình “Cộng đồng giám sát rừng”. Người dân được đào tạo kỹ thuật nhận diện loài, cài đặt bẫy ảnh, và báo cáo dữ liệu qua ứng dụng điện thoại. Anh Hồ Văn Lan, một thanh niên Vân Kiều 27 tuổi, ở xã Húc Nghì (Đakrông) là cộng tác viên giám sát rừng. “Trước tui cũng theo bạn đi bắt thú, đốt ong. Giờ tui đặt bẫy ảnh, theo dõi vết chân, báo lại cho các anh nghiên cứu. Tui thấy rừng quý, giống như cha ông mình vậy”, anh Lan bộc bạch. Ở một mô hình khác, họ thử nghiệm trồng dược liệu dưới tán rừng để tạo sinh kế bền vững: sa nhân tím, đẳng sâm, hà thủ ô… “Khi rừng có giá trị kinh tế bền vững, người dân sẽ chọn giữ rừng thay vì phá”, ông Uông Sỹ Hưng, chuyên gia Tổ chức WWF Việt Nam tham gia cùng đoàn của ông Hùng nói.
Giữ hồn rừng không ồn ào. Không có chiến dịch rầm rộ, không có khẩu hiệu, chỉ có những dấu chân dày lên mỗi mùa mưa. Mỗi chuyến đi rừng là một lần khảo sát, mỗi mẫu đất, mẫu lá, tấm ảnh từ camera bẫy là một mảnh ghép cho bản đồ sinh thái sống động của Quảng Trị. Đến cuối năm 2024, Ban Quản lý rừng đặc dụng Quảng Trị cùng các nhà khoa học đã hoàn thiện “Bản đồ phân bố các loài sinh vật nguy cấp” lần đầu tiên tại tỉnh. Đây là cơ sở cho các quy hoạch bảo tồn, cũng là “kim chỉ nam” cho các dự án phát triển có trách nhiệm với môi trường. Và hơn tất cả, công việc của họ mang một giá trị lớn lao: thức tỉnh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, một tình yêu mới với rừng. Không phải bằng những bài học khô khan, mà bằng câu chuyện của chính những người đi rừng, những khám phá kỳ diệu, những bức ảnh hiếm hoi về một con voọc đang đưa con qua tán cây…
Buổi chiều, khi cả nhóm rút về Trạm Kiểm lâm Triệu Nguyên sau 3 ngày cắm trại rừng, trời bất ngờ đổ mưa. Những dấu chân trên đường mòn bị nước xóa nhòa. Nhưng trong dữ liệu mang về, có thêm hai bức ảnh một cặp cu li nhỏ đang săn đêm. Ông Hùng nói như tự nhủ: “Chỉ cần một loài quay lại, là thêm một hy vọng. Rừng sẽ không mất, nếu ta đi tới nó bằng những bước chân hiểu biết”.
Rừng đặc dụng ở Quảng Trị không chỉ là di sản thiên nhiên, mà còn là nơi giữ lại một phần linh hồn Trường Sơn. Và mỗi bước chân các nhà khoa học in lên đất rừng hôm nay, chính là dấu mốc của một cuộc chiến bảo tồn thầm lặng, nhưng đầy bền bỉ và đẹp đẽ!
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/giu-hon-rung-bang-dau-chan-khoa-hoc-i767939/