Giữ 'hồn' Sình ca Cao Lan

Sình ca (Sịnh ca) là hình thức hát đối giao duyên truyền thống của dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (Sông Lô). Với giai điệu du dương, trầm bổng, những câu hát Sình ca mang ý nghĩa giáo dục, ca ngợi tình cảm con người, bản làng, quê hương, đất nước. Đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên luôn quan tâm truyền dạy làn điệu dân ca truyền thống cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch.

Vào dịp lễ, Tết hay ngày hội, người Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô) mặc những bộ trang phục đẹp nhất để múa, hát những điệu Sình Ca. Ảnh: Kim Ly

Vào dịp lễ, Tết hay ngày hội, người Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô) mặc những bộ trang phục đẹp nhất để múa, hát những điệu Sình Ca. Ảnh: Kim Ly

Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các chàng trai, cô gái dân tộc Cao Lan lại gặp gỡ, hát đối đáp giao duyên để gửi trao tình cảm và tặng nhau những lời chúc tốt đẹp.

Chàng trai hát: “Mùng một, mùng hai năm mới đến/ Khác gì cây trái nở hoa tươi/ Cây nở hoa tươi rồi kết trái/ Con người trai, gái hát kết duyên”. Cô gái hát đối lại: “Tên em là một loài hoa/ Họ hàng chẳng có cửa nhà thì không/ Sinh thời từ thuở hồng hoang/ Mẹ em là đất cha em trên trời”.

Khi chàng trai dùng nhiều lời hay, ý đẹp để chúc cô gái và gia đình gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới, cô gái hát đáp: “Cảm ơn chàng/ Chàng có ngàn lời hay ý đẹp/ Chúc nàng chúc cả mẹ cha em/ Chúc cả anh trai cùng chị gái/ Chúc chị dâu em xứng dâu tài/ Em gái, em trai đều chúc cả/ Chàng còn chúc cả người chồng em/ Cảm ơn chàng/ Chàng ca lời đẹp chúc chồng em/ Chồng em chính là chàng ngồi đó/ Bao năm em sống trong nhung nhớ/ Mà chàng chẳng biết cõi lòng em”.

Và rồi, họ cùng nhau chúc cho bản làng có cuộc sống ấm no: “Lời ca xin chúc thôn nàng sang/ Đầu thôn có miếu thờ Thành hoàng/ Ngày rằm mùng một đèn nhang sáng/ Cầu thần phù hộ được dân an…”.

Không chỉ hát đối đáp trong dịp Tết, người Cao Lan còn hát Sình ca trong lễ hội, trong đám cưới, lễ mừng nhà mới, hát ngay cả lúc lao động, với nhiều mục đích khác, nội dung khác nhau, như hát chúc tụng, hát ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, con người hoặc hát để so tài, song đặc sắc nhất là hát giao duyên của thanh niên, nam nữ. Nơi hát có thể ở đình làng, ở nhà riêng hoặc có thể hát ngay trên đường đi.

Tương truyền, hát Sình ca của người Cao Lan có nguồn gốc từ bà chúa thơ K’lau Slam. Từ nhỏ, K’lau Slam đã là một cô bé thông minh, tài giỏi. Lớn lên, nàng lại có tài hát hay và sáng tác ra những câu hát để truyền lại cho người Cao Lan. Tài năng của nàng nổi tiếng gần xa, trai bản khắp nơi tìm đến thi hát với nàng. Cuộc thi hát kéo dài nhiều ngày đêm, trai các nơi hát hết 3 thuyền chở đầy những cuốn sách viết các bài hát mà vẫn thua cuộc. Những câu hát của bà chúa thơ K’lau Slam được lưu truyền từ đời này sang đời khác cho tới ngày nay.

Đối với người Cao Lan, K’Lau Slam là nữ thần thơ ca, nghệ thuật độc đáo, là biểu tượng của cái đẹp, cái cao cả và những giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp trong cuộc sống. Bởi vậy, khi hát Sình ca bao giờ các đôi hát, đám hát cũng có lời mời thánh ca K’Lau Slam về nhập cuộc hát: "Đôi ta cùng hát lời cầu thỉnh/ Thỉnh cầu bà thánh hát thi ca/ Bà thánh thi ca K’Lau Slam đến /K’Lau Slam là người sáng tác thi ca".

Câu lạc bộ hát Sình Ca, xã Quang Yên (Sông Lô) thường xuyên luyện tập, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan. Ảnh: Kim Ly

Câu lạc bộ hát Sình Ca, xã Quang Yên (Sông Lô) thường xuyên luyện tập, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan. Ảnh: Kim Ly

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm, người con của dân tộc Cao Lan đã dành nhiều năm để nghiên cứu về văn hóa dân tộc Cao Lan cho biết: “Xét ở bình diện nghệ thuật, Sình ca là một thể loại dân ca trữ tình, đối đáp giao duyên, không có nhạc đệm, chủ yếu là sự linh hoạt ứng đối về giai điệu của người hát trong từng tình huống hát.

Trước khi vào lời hát có phần lên giọng ngân dài lấy nhịp kiểu như trong hò của người Kinh có câu "hò ơ!" hay trong hát Cọi của người Tày có câu "ứ… ơi… ứ… hợi" 3 lần. Phần lời bài hát thường là thơ thất ngôn tứ tuyệt, nếu tách riêng, nó như một bài ca dao dân gian trữ tình”.

Đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung 3 thôn Đồng Dong, Đồng Dạ và Xóm Mới của xã Quang Yên. Để bảo tồn làn điệu Sình ca truyền thống, xã Quang Yên thành lập câu lạc bộ (CLB) hát Sình ca; thôn Đồng Dong và thôn Đồng Dạ đã thành lập các CLB dân ca, dân vũ và duy trì sinh hoạt thường xuyên. Các CLB có sự tham gia của các nghệ nhân, người cao tuổi, trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Ông Sầm Văn Tề, Chủ nhiệm CLB dân ca, dân vũ thôn Đồng Dong cho biết: "CLB dân ca, dân vũ của thôn sinh hoạt vào mỗi dịp cuối tuần. Các cháu nhỏ rất hào hứng khi được học những bài hát Sình ca bằng tiếng dân tộc mình. Nhiều cháu đã hát thành thạo nhiều bài hát Sình ca. Các cháu còn được tuyên truyền, giáo dục về giá trị của di sản văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc".

Vào dịp lễ hội Xuống đồng hằng năm, đồng bào dân tộc Cao Lan đều trình diễn làn điệu Sình ca, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc đến với du khách.

Các CLB hát Sình ca xã Quang Yên, CLB dân ca, dân vũ các thôn Đồng Dong, Đồng Dạ đã tham gia nhiều cuộc thi, hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ ở trong và ngoài tỉnh, góp phần giới thiệu, tôn vinh, quảng bá nét đẹp di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển, nhân rộng các mô hình CLB, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Làn điệu Sình ca cùng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan sẽ còn sống mãi với thời gian, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp và tô đậm thêm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/id/122165/giu-%E2%80%9Chon%E2%80%9D-sinh-ca-cao-lan