Giữ hồn văn hóa trong từng cổ vật

Bảo tàng tỉnh Bình Phước (nay là Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước, thuộc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai mới) tại đường Hồ Xuân Hương, phường Bình Phước, Đồng Nai đang là điểm đến hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vùng đất này.

Với 528 hiện vật đang được trưng bày, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những di vật khảo cổ độc đáo, minh chứng cho một thời kỳ lịch sử rực rỡ của vùng đất này.

Nhiều cổ vật mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử

Người dân tham quan khu trưng bày khảo cổ học.

Người dân tham quan khu trưng bày khảo cổ học.

Trong không gian trưng bày khảo cổ học nổi bật, du khách sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến hàng loạt hiện vật quý giá như trống đồng, đàn đá, rìu đá, bàn mài, trang sức, mảnh gốm.., các di tích quan trọng như hệ thống Thành đất hình tròn, di chỉ Bãi Tiên... Đặc biệt, mỗi cổ vật đều được gắn mã QR, giúp người dân và du khách dễ dàng tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và lịch sử của mỗi hiện vật.

Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất là bộ đàn đá Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũ), được phát hiện vào tháng 10/1996 bởi một người dân khi canh tác vườn nhà. Bộ đàn đá này được trưng bày trang trọng trên kệ gỗ với tủ kính bảo vệ. Bảo tàng còn bổ sung thêm hình ảnh và tài liệu về quá trình khai quật, các hội thảo khoa học, quyết định công nhận bảo vật quốc gia, cùng biểu đồ chi tiết về âm thanh, chiều dài và trọng lượng của từng viên đá, giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị đặc biệt của di vật này.

Bộ đàn đá để phục vụ khách tham quan thưởng thức âm nhạc.

Bộ đàn đá để phục vụ khách tham quan thưởng thức âm nhạc.

Bên cạnh đàn đá, dấu ấn thời tiền sử ở Bình Phước còn được thể hiện rõ qua các trống đồng tiêu biểu của văn hóa Bình Phước như: Lộc Tấn, Thọ Sơn, Long Hưng. Trong đó, trống đồng Long Hưng được các chuyên gia nhận định thuộc dòng trống HEGER I Đông Sơn muộn, có niên đại khoảng 1900 – 2000 năm trước. Trống đồng Thọ Sơn, được ông Lùn Xỉ Pón (người Hoa) phát hiện vào năm 1998 tại ấp Sơn Thành, xã Thọ Sơn (cũ) (nay thuộc xã Thọ Sơn, tỉnh Đồng Nai mới) cũng là một điển hình cho sự phát triển của nền văn hóa cổ đại trên vùng đất này.

Hệ thống Thành đất đắp hình tròn cũng là một điểm thu hút sự chú ý của du khách. Được nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret phát hiện và công bố nghiên cứu ban đầu vào năm 1959. Tỉnh Bình Phước (cũ) đã tìm thấy hơn 70 thành đất loại này, phân bố ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trong không gian trưng bày khảo cổ học, hệ thống di tích này được tái hiện công phu, chi tiết bằng các hình ảnh, hiện vật và tài liệu phong phú, đa dạng.

Trống đồng Thọ Sơn, được phát hiện vào năm 1998 tại ấp Sơn Thành, xã Thọ Sơn.

Trống đồng Thọ Sơn, được phát hiện vào năm 1998 tại ấp Sơn Thành, xã Thọ Sơn.

Ngoài ra, khu trưng bày còn giới thiệu nhiều hình ảnh về quá trình khai quật, các hố đào, và các hiện vật được phát hiện như: rìu đá, mảnh gốm, đồ trang sức, cục dọi, mảnh tước, bàn mài… được sắp xếp trong tủ kính và tủ âm đai mang đến cái nhìn toàn diện về đời sống của cư dân cổ.

Ấn tượng từ du khách và nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng

Về tham quan tại Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh không khỏi bất ngờ về các phòng trưng bày với nhiều cổ vật quý báu. Bà Quách Thị Liên, du khách đến từ tỉnh Thanh Hóa, bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt với không gian trưng bày khảo cổ học của địa điểm này.

Bảo vật quốc gia bộ đàn đá Lộc Hòa được phát hiện vào năm 1996 bởi một người dân khi canh tác vườn nhà.

Bảo vật quốc gia bộ đàn đá Lộc Hòa được phát hiện vào năm 1996 bởi một người dân khi canh tác vườn nhà.

Bà Liên chia sẻ: “Vào Bảo tàng tham quan, tôi đặc biệt thích thú với không gian trưng bày khảo cổ học. Những cổ vật ở đây rất đa dạng, từ trống đồng, đàn đá đến các dụng cụ sinh hoạt. Tôi rất ấn tượng với cách bảo tàng trưng bày, giúp khách tham quan dễ dàng tìm hiểu và cảm nhận được chiều sâu lịch sử của vùng đất này. Ngoài khu vực khảo cổ học, tôi còn ấn tượng với những đồ dùng, trang phục phong phú của các dân tộc thiểu số được trưng bày tại đây, qua đó thể hiện những nét văn hóa bản địa đặc sắc".

Còn anh Hùng Lộc, trú tại phường Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) cho biết: "Tới tham quan tại đây tôi được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật lịch sử, hình ảnh trong các cuộc kháng chiến, quá trình phát triển của tỉnh, ngoài ra còn có nhiều đồ vật truyền thống rất đặc sắc liên quan đến các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bảo tàng là không gian rất ý nghĩa để người dân nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng đến tham quan để hiểu hơn về lịch sử văn hóa của dân tộc".

Theo bà Tô Thị Huê, Phó trưởng Phòng Quản lý và Khai thác di tích của Bảo tàng, không gian trưng bày văn hóa Bình Phước luôn được tiếp đón lượng khách rất đông đảo đến tham quan, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết… Đối tượng đến tham quan rất đa dạng, từ học sinh mầm non đến cấp Trung học Phổ thông từ khắp các nơi trên địa bàn tỉnh. Ngày cao điểm, nơi đây đón hơn một ngàn lượt khách.

Một số công cụ bằng đá phát hiện tại các di chỉ khảo cổ được trưng bày tại Bảo tàng.

Một số công cụ bằng đá phát hiện tại các di chỉ khảo cổ được trưng bày tại Bảo tàng.

Để đảm bảo công tác tuyên truyền và giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, con người Bình Phước, lãnh đạo và nhân viên của đơn vị đều được huy động để giới thiệu các phòng trưng bày đến các em, truyền tải nội dung một cách khái quát, đầy đủ và chi tiết nhất.

“Có thời điểm các em đến đông, lực lượng thuyết minh chưa thể đảm bảo, nên tập thể lãnh đạo của đơn vị đã trực tiếp thực hiện công tác hướng dẫn, điều phối để mà chuyển tải đến cho các em những cái kiến thức bổ ích nhất về lịch sử, văn hóa của con người”, bà Huê cho hay.

Cũng theo bà Tô Thị Huê, để làm phong phú nội dung trưng bày và phục vụ công chúng tốt hơn, hàng năm đơn vị đều tổ chức sưu tầm thêm hình ảnh, tư liệu. Nhiều cá nhân cũng đã phát hiện và hiến tặng những di vật, cổ vật hoặc hiện vật liên quan đến văn hóa, con người cho đơn vị, để từ đó làm cơ sở lập hồ sơ và đưa các hiện vật này vào trưng bày. Đơn vị cũng có nhiều hình thức cảm ơn, khích lệ những người đã có công đóng góp, như tặng giấy khen, giấy chứng nhận...

Việc phát hiện những di chỉ khảo cổ học cùng các hiện vật, mẫu vật đã khẳng định vùng đất Bình Phước (cũ) từ xa xưa đã là nơi cư trú của cộng đồng các cư dân cổ với nền văn hóa đa dạng và phong phú. Không gian trưng bày văn hóa Bình Phước không chỉ là nơi lưu giữ mà còn là cầu nối giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Bài và ảnh: K GƯỈH (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/giu-hon-van-hoa-trong-tung-co-vat-20250708212456461.htm