Ra mắt sách chuyên khảo về sân khấu cải lương TP HCM 50 năm qua

Trước đây, tại thành phố đã tồn tại Viện Nghiên cứu sân khấu cải lương nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân khách quan mà cơ quan này đã không còn hoạt động

Sáng 8-7, Hội Sân khấu TP HCM đã ra mắt tập sách chuyên khảo "Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975 - 2025" nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đã kiến nghị xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Sân khấu Cải lương tại TP HCM. Đó là ý tưởng mà ông trăn trở suốt nhiều năm qua. Trước đây, tại thành phố đã tồn tại Viện Nghiên cứu sân khấu cải lương nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân khách quan mà cơ quan này đã không còn hoạt động.

"Nếu được xây dựng, trung tâm sẽ là nơi bảo tồn và phát triển cải lương, bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc và mang tính đặc thù của miền Nam. Việc thành lập trung tâm sẽ giúp nghiên cứu sâu hơn về lịch sử, kỹ thuật và các giá trị văn hóa của cải lương, đồng thời tạo ra không gian để các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng cùng nhau trao đổi, học hỏi và sáng tạo" - NSND Trần Ngọc Giàu kiến nghị.

Trong buổi ra mắt sách, khán giả và bạn đọc đã được tiếp cận tập sách gồm 81 bài viết của hơn 50 tác giả là các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, đạo diễn, nhà phê bình - những người đã sống và sáng tạo cùng cải lương qua nhiều giai đoạn. Sách do Hội Sân khấu TP HCM chủ trì thực hiện, NSND Trần Minh Ngọc và NSND Trần Ngọc Giàu đồng chủ biên.

Các thành viên Ban Biên tập sách chuyên khảo “Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975 - 2025” nhận hoa chúc mừng từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM. Ảnh: HOÀNG THUẬN

Các thành viên Ban Biên tập sách chuyên khảo “Sân khấu cải lương TP HCM giai đoạn 1975 - 2025” nhận hoa chúc mừng từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM. Ảnh: HOÀNG THUẬN

Phát biểu tại sự kiện, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: "Đây là một công trình tập thể, là tâm huyết của cả một đời nghệ sĩ, của những người làm nghề và yêu nghề. Chúng tôi mong muốn ghi lại một cách kịp thời những dấu mốc, những đóng góp thầm lặng lẫn vang dội của nghệ sĩ cải lương TP HCM, để thế hệ mai sau có thể kế thừa và phát triển".

Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM, đã bày tỏ niềm phấn khởi khi công trình của Hội Sân khấu TP HCM không chỉ là tư liệu quý, mà còn là đời sống của nghệ thuật cải lương, được kể bằng cảm xúc, sự gắn bó của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ. Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP HCM ghi nhận kiến nghị tâm huyết của Hội Sân khấu TP HCM nhằm có kế hoạch, chiến lược cụ thể với mục đích giữ gìn những giá trị cao đẹp của cải lương cho mai sau.

Bên cạnh đó, các khách mời như: PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, đạo diễn Tôn Thất Cần, NSƯT Ca Lê Hồng, TS Mai Mỹ Duyên, TS Lê Hồng Phước, NSƯT Lê Thiện, ThS Châu Hoài Phương… đã có những chia sẻ giàu cảm xúc và chiều sâu chuyên môn, làm nổi bật tính kế thừa, sáng tạo và tiềm năng của cải lương trong không gian văn hóa đương đại.

Tập sách được chia thành 4 phần, gồm: Sân khấu cải lương TP HCM nhìn lại một chặng đường; Nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn; Thành phần sáng tạo trong sân khấu cải lương; Nghệ sĩ và bài học quý trong diễn xuất.

Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ra-mat-sach-chuyen-khao-ve-san-khau-cai-luong-tp-hcm-50-nam-qua-196250708202908151.htm