Giữ không gian văn hóa nông thôn trong dòng chảy hiện đại Bài 2: Khi làng 'lên' phố
Đô thị hóa là một tiến trình tất yếu, mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nông thôn Hà Nội. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã nảy sinh không ít vấn đề. Nhiều làng quê ven đô mất dần bản sắc truyền thống. Những đổi thay về không gian kiến trúc nông thôn đến sự mai một phong tục, tập quán đã để lại nhiều nuối tiếc.
Giữ hồn làng để “lên” phố
Về xã Cổ Loa, huyện Đông Anh lúc bóng chiều đã xuống, ngắm hình ảnh người dân thôn Thượng tập thể dục, trò chuyện rôm rả bên ao làng mới thấy cuộc sống êm đềm, bình yên, hiện hữu ở một góc quê xưa. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho hay, lộ trình làng “lên” phố đã giúp Cổ Loa có nhiều nguồn lực để xây dựng quê hương. Không chỉ riêng kinh tế, công tác an sinh xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân chưa khi nào được nâng cao như vậy. Nhờ chủ trương và nguồn lực của huyện, đến nay toàn xã đã có 19 ao, hồ đều được kè cứng, cải tạo. Không chỉ điều hòa không khí, nơi đây còn trở thành không gian xanh với nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng…
Không riêng Cổ Loa, ao hồ đang được huyện Đông Anh bảo tồn, cải tạo, nhất là khi xã lên phường, huyện lên quận chỉ là câu chuyện sớm mai. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận. Đây là niềm vui chung của chính quyền và người dân Đông Anh.
Trước khi đón nhận niềm vui đó, chuyện bảo tồn văn hóa làng quê được huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Kế thừa, phát triển, hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại, Đông Anh đã ban hành bộ Tiêu chí hợp nhất là bộ Tiêu chí xã thành phường với xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến hết năm 2023, huyện có 8 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ở mỗi xã, những tiêu chí về thiết chế văn hóa đều được xem trọng. Đông Anh đã và đang hình thành một hệ sinh thái xanh với gần 300 ao, hồ bảo tồn, tôn tạo để giữ hồn quê trong lòng đô thị mai sau.
Đặc biệt, trong 3 năm (2020 đến 2022), huyện Đông Anh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản, tu sửa cấp thiết 24 di tích lịch sử, văn hóa và đang tiếp tục nghiên cứu, lập dự án hoặc giao nhiệm vụ đề xuất chuẩn bị đầu tư đối với 44 dự án tu bổ tôn tạo di tích, với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Huyện cũng kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật đối với 200 di tích trên địa bàn; điều tra thống kê, rà soát 98 lễ hội truyền thống, 2 lễ hội ngành nghề; lập hồ sơ và được công nhận Lễ hội Cổ Loa, Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề xuất và được xét tặng danh hiệu với 17 Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể…
Huyện Đan Phượng - lá cờ đầu của thành phố trong xây dựng nông thôn mới, với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hệ thống hạ tầng cũng đã tiệm cận với các tiêu chí của đô thị. Cùng với việc cải tạo, kè bờ hơn 100 ao hồ, tạo không gian xanh, các thôn, làng ở Đan Phượng đã khôi phục lại hàng chục cổng làng, đồng thời bảo tồn kiến trúc, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
“Những đổi thay của cuộc sống mang đến hạnh phúc rất lớn cho người dân chúng tôi. Điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khang trang, nhà được đánh số, đường thôn xóm có tên. Đồng ruộng khi xưa chia nhỏ, vụn vặt, nay dồn điền đổi thửa đã đủ lớn để phát triển nông nghiệp đô thị, công nghệ cao...”, ông Nguyễn Đăng Liễu, ở làng Yên Sở (huyện Hoài Đức) khoe với phóng viên Báo Hànôịmới.
Hòa vào xu thế phát triển, nhiều phong tục, tập quán cũ đã được thay đổi, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nhà giáo Nguyễn Tọa (làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) nhận định, trước đây việc tang ở làng rườm rà, lạc hậu. Trong đó có tục ăn cỗ đám ma lên tới hàng chục, hàng trăm mâm, trong nhiều ngày. Giờ đây, các đám tang đều được tổ chức văn minh. Tục ăn cỗ trong đám tang cũng được loại bỏ. Nhiều gia đình chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố, thay vì địa táng như xưa.
Dù có tốc độ đô thị hóa nhanh, “làng trong phố, phố trong làng”, nhưng người dân xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) vẫn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Chu Văn Khởi ở thôn Cổ Điển A (xã Tứ Hiệp) bộc bạch: “Nhiều năm qua, thôn đã gìn giữ được điệu múa rồng truyền thống của cha ông để lại. Cùng với việc duy trì đội múa rồng, thôn còn tổ chức một đội múa rồng “nhí”, truyền dạy môn nghệ thuật truyền thống này cho các thế hệ sau…".
Trước “cơn lốc” đô thị hóa, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) đã quyết định xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ các hiện vật lịch sử của địa phương cho thế hệ mai sau. Nhà truyền thống - "Bảo tàng làng" Yên Mỹ trưng bày hơn 300 hiện vật, chủ yếu là vật dụng gắn bó với lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, có hiện vật tuổi đời hơn trăm năm, được đóng góp từ hơn 80 cá nhân. Bà Trần Thị Huệ, người trông nom “bảo tàng làng” cho hay, mục đích của bảo tàng là tái hiện lại cuộc sống lao động, đấu tranh của cha ông để thế hệ trẻ hiểu được đời sống của người dân vùng bãi.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp nông thôn Hà Nội có bước chuyển mình đáng kể. Đọng lại ở đây là câu chuyện về con người văn hóa, lối sống văn hóa đã được hình thành cùng với việc loại bỏ những hủ tục làng quê, nên nông thôn Hà Nội có sự kế thừa bản sắc, có chọn lọc và phát triển.
Những trăn trở của người ven đô
“Dân chúng tôi tiếc nhiều thứ lắm”, ông Nguyễn Đăng Liễu, ở làng Yên Sở (huyện Hoài Đức) bùi ngùi. Ngày xưa tuy nghèo khó, nhưng con người giàu tình cảm, láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Giờ thay đổi ngay trong mỗi gia đình. Các con, các cháu đi làm về ăn cơm, rồi mỗi người mỗi việc, ít trò chuyện với nhau hơn.
Tiếc nuối nhất của người Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) trong quá trình xây dựng nông thôn mới là những con đường cổ lát gạch nghiêng bị thay thế bởi những con đường bê tông, trải nhựa. Công chức văn hóa - xã hội của xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Xuân Việt cho biết, người Hạ Mỗ có tục lệ con gái đi lấy chồng phải góp gạch để lát đường làng. Trải qua hàng trăm năm, những con đường lát gạch cứ thế nối dài. Thế nhưng, khi xây dựng nông thôn mới, để có những con đường thuận lợi cho giao thông đi lại, chúng tôi đã nóng vội, không tìm ra biện pháp tối ưu để bảo tồn. “Làng quê có rất nhiều phong tục, tập quán đẹp. Con cháu hôm nay quên hết thì thật là có tội”, ông Nguyễn Xuân Việt nói.
Còn tại xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), đô thị hóa, dân số tăng nhanh, các xưởng nghề truyền thống liên tục mở rộng, làm biến dạng không gian truyền thống của làng. “Nếu như vài chục năm trước, nhà nào ở Sơn Đồng cũng có vườn cây, ao cá, thì nay nhà cửa san sát. Ao làng, rặng tre, rặng dừa trước đây rất nhiều, nay không còn. Mất ao, hễ mưa là Sơn Đồng ngập úng, chẳng khác nào nội thành…”, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng thông tin.
Nỗi niềm “nhớ quê” cũng phảng phất khắp xóm Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Nay xóm Cầu Bươu đã trở thành "xóm dịch vụ" với hàng quán la liệt, rồi nhà hàng, nhà nghỉ..., chẳng còn dấu tích gì của một làng quê. Ngày trước, nơi đây có một chợ truyền thống, nhưng nay đã nhường chỗ để xây dựng một trường cao đẳng. Giờ bà con bán mua ở các chợ cóc, chợ tạm, gây ra nhiều hệ lụy khác.
Cán bộ văn hóa - xã hội xã Tả Thanh Oai Nguyễn Xuân Mai là người còn lưu giữ nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp với quê hương kể rằng: “Trước đây, nước sông Nhuệ trong và bờ sông đẹp, trẻ em trong làng xuống tắm táp, rồi còn hát đối với người dân xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) bên kia sông. Những cây đa, cây si ngả xuống dòng sông với hình ảnh con đò đưa khách ấn tượng ngày nào đã thành dĩ vãng...”.
Cơn lốc đô thị hóa ập đến, bên cạnh những nguồn lực cho nông thôn chuyển mình, thì những bất cập trong quy hoạch, quản lý… đã khiến không gian truyền thống bị biến dạng. Đây là vấn đề không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Không gian “làng trong phố, phố trong làng” sẽ như thế nào trong tương lai là một câu hỏi khó và cũng là trăn trở của nhiều người ở làng quê hôm nay.
(Còn nữa)