Giữ lõi xanh rừng phòng hộ Cấm Sơn

Rừng phòng hộ Cấm Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) có vai trò lớn giúp tăng khả năng duy trì và điều tiết nguồn nước hồ Cấm Sơn, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, thiên tai và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển cây ăn quả, trồng rừng sản xuất của người dân, nguy cơ rừng bị xâm lấn luôn hiện hữu, nhiều diện tích thuộc địa bàn giáp ranh, gần với đất của dân gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ.

Dựa vào dân để bảo vệ rừng

Từ Trạm bảo vệ rừng xã Sơn Hải (cách thị trấn Chũ gần 20 km), để đi tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng chủ yếu phải dùng thuyền máy. Ông Trần Văn Lượng, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Sơn Hải đã gần 20 năm gắn bó với rừng và thuộc nằm lòng từng lâm phận tại khu vực này.

Rừng phòng hộ Cấm Sơn thuộc khu vực Tam Chẽ, xã Sơn Hải.

Rừng phòng hộ Cấm Sơn thuộc khu vực Tam Chẽ, xã Sơn Hải.

Ông Lượng kể: “Trạm Sơn Hải trước đây chỉ có một mình tôi phụ trách, mới được bổ sung thêm một người và một thuyền máy nhưng quản lý gần 900 ha rừng. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền xã và các “chân rết” thông tin từ 3 tổ bảo vệ rừng cộng đồng (mỗi tổ từ 4 đến 8 người) thì nhiệm vụ của chúng tôi khó hoàn thành”.

So với một số nơi khác, rừng thuộc địa bàn xã Sơn Hải được bảo vệ tương đối tốt. Công tác phối hợp của lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cấm Sơn với chính quyền khá chặt chẽ, cộng thêm người dân được tuyên truyền nên nhận thức dần thay đổi.

Trong số các tổ bảo vệ rừng cộng đồng, tổ Đồng Mậm quản lý 120 ha, tổ Đấp 205 ha và tổ Tam Chẽ 150 ha. Ngoài việc nắm chắc địa bàn, đối tượng, mỗi khi địa bàn xảy ra sự việc liên quan chặt phá, lấn chiếm rừng, thành viên trong tổ có trách nhiệm báo cáo về Trạm để kịp thời xin tăng cường lực lượng và phối hợp với chính quyền xử lý. Thế nên việc phát huy vai trò của các tổ bảo vệ rừng cộng đồng luôn được lực lượng kiểm lâm quan tâm.

Nhờ giữ được rừng phòng hộ nên nước hồ Cấm Sơn luôn trong xanh. Có hôm đi tuần, anh em kiểm lâm uống trực tiếp nước hồ. Theo kinh nghiệm cứ nhìn rừng ít lối mòn chứng tỏ được bảo vệ tốt".

Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn.

Công tác tuyên truyền, vận động dần phát huy hiệu quả, cộng thêm một số đối tượng phá rừng đã bị xử lý nghiêm minh nên tạo sức răn đe. Cùng đó hiện nhiều gia đình trong vùng đã chuyển sang dùng bếp gas thay bếp củi nên hiện tượng vào rừng lấy củi giảm. Dù vậy không vì thế mà công tác bảo vệ rừng được lơ là, bởi thực tế đâu đó vẫn xảy ra các vụ người dân phát vén, lấn chiếm rừng để trồng cây ăn quả, rừng sản xuất hay phá rừng lấy gỗ. Năm 2022, lực lượng chức năng đã phối hợp tuần tra, phát hiện một vụ phá rừng phòng hộ, đối tượng sau đó đã bị khởi tố và nhận án tù.

Ông Phạm Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn cho biết: “Bảo vệ rừng nói chung đã khó, ở khu vực lòng hồ Cấm Sơn còn khó hơn nhiều. Thực tế, lực lượng kiểm lâm nhận được tin báo các đối tượng chặt phá rừng, tập kết gỗ sát bờ hồ đưa đi tẩu tán nhưng khi chúng tôi đi thuyền ra đến nơi các đối tượng đã kịp chạy đến vùng giáp ranh, sang bên địa phận tỉnh Lạng Sơn nên rất khó để xử lý”.

Tại khu vực Sơn Hải còn rừng lim rộng hơn 38 ha ở thôn Tam Chẽ với nhiều cây to quá vòng ôm. “Nhờ giữ được rừng phòng hộ nên nước hồ Cấm Sơn luôn trong xanh. Có hôm đi tuần, anh em kiểm lâm uống trực tiếp nước hồ. Theo kinh nghiệm, cứ nhìn rừng ít lối mòn chứng tỏ được bảo vệ tốt. Còn khi nào rừng có nhiều vết chân người, hình thành các lối mòn khi đó nỗi lo của những người làm công tác bảo vệ càng lớn”, ông Phạm Văn Cường thông tin.

Khắc phục khó khăn

Nhằm xây dựng, phát triển rừng phòng hộ theo hướng bền vững, năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực hồ Cấm Sơn giai đoạn 2021-2025”.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cấm Sơn dùng thuyền tuần tra.

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cấm Sơn dùng thuyền tuần tra.

Ông Lý Văn Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cấm Sơn cho biết: “Ban được giao quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 10,3 nghìn ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp (trong đó có hơn 9,7 nghìn ha rừng phòng hộ) nằm trên địa bàn các xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý, Sơn Hải và Kiên Lao. Mặc dù lực lượng mỏng (18 viên chức) song đơn vị thường xuyên phối hợp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ lấn chiếm, khai thác rừng trái pháp luật”.

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển cây ăn quả, rừng sản xuất của người dân cao dẫn đến nguy cơ xảy ra lấn chiếm rừng và đất rừng phòng hộ luôn hiện hữu. Xã Phong Vân, ranh giới rừng và đất rừng phòng hộ tại một số khu vực nằm sát với nhà ở và vườn cây ăn quả của nhân dân nên công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và cắm mốc gặp rất nhiều trở ngại.

Nhiều địa bàn giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, trong khi phía tỉnh bạn là đất rừng sản xuất, bên Bắc Giang là đất phòng hộ nên công tác tuần tra, xử lý vi phạm khá phức tạp, nguy cơ bị lấn chiếm rất cao và thực tế những năm trước đều xảy ra tình trạng này. Ngày 8/5 vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá 1,3 ha rừng tại xã Phong Vân, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Xác định dựa vào dân để bảo vệ rừng, năm nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cấm Sơn đã ký hợp đồng và giao nhận hiện trường khoán bảo vệ hơn 7 nghìn ha đối với các hộ gia đình và cộng dân dân cư. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức cắm 100 mốc ranh giới lâm phận và phấn đấu sẽ hoàn thành cắm 876 mốc giới lâm phận tại xã Kiên Lao, Sơn Hải và Phong Vân trong năm nay để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng.

Hoàn thành thi công công trình hạ cấp thực bì rừng trồng theo băng để phòng, chống cháy rừng và triển khai mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên. Cùng đó, tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu vai trò, ý nghĩa của rừng phòng hộ đối với đời sống, KT-XH và thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/408447/giu-loi-xanh-rung-phong-ho-cam-son.html