Giữ lửa
Với triết lý 'vạn vật hữu linh' (mọi vật đều có linh hồn), đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc S'tiêng có rất nhiều vị thần. Một trong những vị thần được tôn kính là thần Lửa. Đời sống kinh tế - xã hội phát triển, sự tác động toàn diện của nền văn minh công nghiệp khiến nhiều tập tục sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của đồng bào đã bị mai một, biến mất nhưng lửa thì chưa bao giờ tắt trong mỗi nếp nhà. Phong tục giữ lửa của đồng bào cũng chính là thông điệp của động lực, khát vọng đưa quê hương Bình Phước tiến nhanh, tiến chắc lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi có chuyến công tác đáng nhớ với các đồng nghiệp Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước. Chúng tôi tìm về vùng quê của đồng bào các dân tộc thiểu số ở những địa phương kinh tế còn khó khăn. Về đặc điểm dân số học, Bình Phước được ví như một Việt Nam thu nhỏ, với sự đa dạng về văn hóa, phong phú về các phong tục tập quán, tín ngưỡng. Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm tỷ lệ dân số cao nhất. S’tiêng là dân tộc bản địa, có truyền thống văn hóa ở mảnh đất Bình Phước từ lâu đời. Cách đây 25 năm về trước, từ khi Bình Phước và Bình Dương còn chung mái nhà Sông Bé, đường đến các cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. Từ trung tâm tỉnh, huyện đến các sóc, thôn ở vùng sâu, vùng xa phải mất cả ngày đường băng rừng, trèo đèo, lội suối. Hậu quả chiến tranh, hoạt động của tàn quân Fulro và những tập tục lạc hậu kéo dài khiến đời sống đồng bào chậm đổi mới, phát triển. Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, một trong những vấn đề được Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ quan tâm hàng đầu, đó là tập trung các giải pháp lãnh đạo, huy động nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nâng cao đời sống nhân dân. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã khởi sắc toàn diện. Những năm gần đây, Bình Phước trở thành một hiện tượng về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giữ vai trò động lực, kết nối kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tốc độ phát triển nhanh, mạnh của kinh tế công nghiệp đã tác động, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất khu vực nông thôn, miền núi. Bộ mặt nông nghiệp nông thôn, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, khởi sắc. Với sự phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông, đường bê tông khang trang đã được mở về tận các sóc, thôn, xóa đi khái niệm “vùng sâu”, “vùng xa” ở nhiều khu vực. Đồng bào từ chỗ chỉ quen canh tác thủ công, đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất, chế biến các mặt hàng xuất khẩu. Cộng đồng người dân tộc thiểu số ở các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, tỷ phú, mở ra nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp cho lớp trẻ. Nhiều khu vực kinh tế đã từng bước chuyên nghiệp hóa. Sản phẩm của bà con thông qua cầu nối của các nhà khoa học, doanh nghiệp, đã có mặt ở những thị trường khó tính tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Hai tiếng Bình Phước đã vươn tầm quốc tế. Năm 2021, trên công cụ Google, Bình Phước là một trong những từ khóa địa phương được tìm kiếm nhiều nhất...
Đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông ở Bình Phước trong hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống do tỉnh Bình Phước tổ chức - Ảnh: M.L
Già làng Điểu Đố ở sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng là bậc cao niên đáng kính của đồng bào dân tộc S’tiêng. Trong khu vườn của già có một ngôi nhà dài truyền thống, được dựng bằng tranh, tre, gỗ, lồ ô… Cái bếp ở gian nhà chính lúc nào cũng đỏ lửa. Từ mái nhà đến các vật dụng đều nhuốm màu bồ hóng nâu quạch. Thời trai trẻ, già tham gia lực lượng du kích, dân công hỏa tuyến, sát cánh cùng bộ đội Việt Minh và quân giải phóng kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Hòa bình lập lại, già là nhân tố tích cực vận động các đối tượng của tàn quân Fulro ẩn náu trong dân ra trình diện chính quyền, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Nay đã 101 tuổi, sức khỏe có phần sa sút nhưng trí óc già vẫn còn mẫn tiệp. Cuộc đời của già làng Điểu Đố là một “pho tư liệu sống” về đất và người Bình Phước. Già tâm sự rằng, ngày nay, nếp sống, sinh hoạt của đồng bào đã thay đổi rất nhiều. Những nếp nhà sàn xưa đã thay bằng chất liệu bê tông, nhưng giữa gian chính ngôi nhà, gia đình nào cũng có một cái bếp, đỏ lửa quanh năm. Việc giữ lửa của bà con không chỉ là phong tục tín ngưỡng thờ thần Lửa mà còn mang ý nghĩa lưu giữ những giá trị tốt đẹp, truyền cho con cháu nghĩa khí, nhiệt huyết của ông cha và bản sắc văn hóa dân tộc. Lửa giúp con người nhìn rõ màn đêm, xua tan nỗi sợ. Lửa giúp đồng bào mình nuôi dưỡng nhiệt huyết, bản lĩnh và khát vọng. Còn lửa là còn cuộc sống. Giữ được lửa là giữ được giống nòi, quê hương, đất nước…
Năm Tân Sửu 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành gây thiệt hại nặng nề về tính mạng đồng bào và nền kinh tế đất nước, Bình Phước vẫn là điểm sáng về công tác phòng, chống dịch, giữ vững thành quả “vùng xanh” trong những thời điểm dịch bệnh diễn biến cam go, phức tạp nhất. Đó là tiền đề giúp chúng ta thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, trở thành địa phương điển hình của vùng Đông Nam Bộ về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 tăng gấp 2 lần về số dự án so với năm 2020, với 70 dự án, số vốn 600 triệu USD, vượt 1,5 lần so với kế hoạch đề ra. Tính lũy kế, đến nay, Bình Phước có tổng cộng 346 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 3,579 tỷ USD. Trong năm 2021, tỉnh cũng thu hút được hơn 100 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 12.700 tỷ đồng. Bình Phước là một trong những địa phương có bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc về chuyển đổi số.
Đến nay, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước từ một địa phương khó khăn, đã vươn lên mạnh mẽ. Thu ngân sách năm 2021 tăng gần 79 lần so với năm 1997, thu nhập bình quân đầu người tăng 29 lần. Với vị trí chiến lược trọng điểm, là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh Nam Bộ với Tây Nguyên và nước bạn Campuchia, Bình Phước đã mở ra cơ hội rất lớn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội...
Năm Nhâm Dần 2022, đất nước ta quyết tâm vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn với Covid-19 để khôi phục, phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường. Bình Phước, sau một phần tư thế kỷ tái lập, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, chuyển mình từ vị trí “dự trữ phát triển” thành “một động lực phát triển” của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá mới để Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Phước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng ấy.
Từ ngàn xưa, mỗi khi đối mặt với thử thách, gian nguy, ông cha ta luôn lấy niềm tin, tinh thần lạc quan, hy vọng để kết nối muôn dân thành một khối. Đó là truyền thống quý báu, là bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Bình Phước, nơi hội tụ của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, sự phong phú, giàu bản sắc của nền văn hóa đa vùng miền hội tụ ở Bình Phước chính là động lực to lớn để chúng ta vững niềm tin và khát vọng vươn tới.
Trong bài thơ Cáo tật thị chúng, Mãn Giác Thiền Sư đã viết: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai). Niềm lạc quan trước thử thách, khó khăn là như vậy! Đường chúng ta đi chắc chắn sẽ gặp nhiều chông gai, gian khó, thử thách. Niềm lạc quan, hy vọng chính là ngọn lửa trong trái tim mỗi người. Ngọn lửa ấy đã được nhen lên từ bề dày truyền thống ông cha.
Lửa trong mỗi nếp nhà, lửa trong tim mỗi người và lửa từ linh khí non sông, lửa từ hào khí của quê hương Bình Phước thân yêu!
Chúng ta có bổn phận phải giữ lửa và thổi bùng lên thành sức mạnh thời đại, sức mạnh của quê hương...
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/130355/giu-lua