Giữ 'lửa' cho sân khấu
Cũng như du lịch, thể thao và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, hoạt động sân khấu đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 quay trở lại từ cuối tháng 7 đến nay. Do những quy định hạn chế hoạt động đông người và xuất phát từ mong muốn bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ biểu diễn cầm chừng trong giai đoạn này.
Cũng như du lịch, thể thao và nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, hoạt động sân khấu đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 quay trở lại từ cuối tháng 7 đến nay. Do những quy định hạn chế hoạt động đông người và xuất phát từ mong muốn bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ biểu diễn cầm chừng trong giai đoạn này.
Nếu như trước đây, kể cả khi không có dịch, sân khấu kịch nói chung và nhất là các sân khấu kịch dân tộc luôn trong tình trạng loay hoay vượt khó, “kêu cứu” vì thiếu khán giả trước sự cạnh tranh của các loại phương tiện giải trí khác thì ở thời điểm hiện tại, cái khó lại thêm chồng chất. Sau những tín hiệu vui hồi tháng 6, đầu tháng 7 khi dịch bệnh ngỡ đã được kiểm soát, sân khấu lại gần như trở về tình trạng hồi đầu năm với không ít thiệt hại kèm theo. Nhiều đơn vị như Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc đã phải hủy kế hoạch biểu diễn ở các rạp cùng những hợp đồng lưu diễn vừa ký. Bên cạnh việc không có nguồn thu, có những đơn vị còn phải chịu thiệt đơn, thiệt kép vì đã trót đầu tư kinh phí để dàn dựng các chương trình, vở diễn mới và in ấn tờ rơi, thuê quảng cáo ở các địa phương dự định lưu diễn. Thí dụ như Liên đoàn Xiếc Việt Nam phải hủy 38 suất diễn ở các tỉnh, thành phố và mất hơn 100 triệu đồng in ấn tờ rơi, thuê quảng cáo. Gần đây nhất là Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã phải tạm hoãn chuyến lưu diễn xuyên Việt vở ba-lê Hồ Thiên Nga đã được các nghệ sĩ, diễn viên chuẩn bị công phu.
Tuy khó khăn, nhưng ít ra các nghệ sĩ, diễn viên của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật công lập còn được bảo đảm mức lương tối thiểu của Nhà nước, đồng thời cũng được ưu tiên với những gói hỗ trợ biểu diễn, tạo điều kiện qua các chương trình, vở diễn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, tình trạng của các đơn vị sân khấu xã hội hóa khó khăn hơn nhiều khi không có doanh thu biểu diễn, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ, diễn viên, người lao động sẽ không có thu nhập mà tiền thuê rạp, đặt cọc biểu diễn đã phải nộp trước, không thể bỏ. Có lẽ vì thế mà phần lớn các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, nhất là ở TP Hồ Chí Minh vẫn phải tìm cách tồn tại, duy trì hoạt động dù ít, dù nhiều trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Thực ra đây là sự lựa chọn sinh tử. Ngoài chuyện “dao có mài mới sắc” còn là nỗi lo cơm áo gạo tiền, vượt qua thử thách chung. Ngay cả các nghệ sĩ, diễn viên cũng khó có thể tập trung để diễn hay, diễn tốt trên sân khấu trong tâm thế lo lắng về dịch bệnh. Nói như một lãnh đạo nhà hát, việc duy trì biểu diễn đối với họ như một “lối thoát hiểm” giúp các nghệ sĩ, diễn viên có việc làm, giữ “lửa” với nghề trước khó khăn hiện tại.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa biết đến khi nào có thể kiểm soát được hoàn toàn, đã đến lúc nhiều nhà hát, đơn vị sân khấu cần tính đến những phương thức hoạt động phù hợp, từng bước khôi phục hoạt động bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chẳng hạn như triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá vé, quảng bá, đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng, nhất là với giới trẻ, học sinh, sinh viên. Hay ứng dụng công nghệ in-tơ-nét và nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh YouTube, tạo sân khấu biểu diễn trực tuyến. Đây là hướng đi thiết thực và hiệu quả của sân khấu hiện đại bên cạnh hình thức sân khấu truyền thống, nhằm tiếp tục duy trì và phát triển thị trường khán giả, chờ đợi sân khấu sáng đèn trở lại sau dịch bệnh.
Với những nhà hát, đơn vị có điều kiện hơn thì tập trung vào việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật rạp hát, dàn dựng, nâng cao chất lượng các chương trình, vở diễn mới và chuẩn bị cho các kế hoạch dài hơi hậu Covid-19. Đồng thời tích cực tìm việc cho các nghệ sĩ, diễn viên như tham gia các dự án văn hóa, nghệ thuật, tham gia vào các chương trình, vở diễn mang ý nghĩa cộng đồng, tuyên truyền và cổ động cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những gói kích cầu dành cho một vài nhà hát, đơn vị sân khấu kịch thông qua việc xây dựng những chương trình, vở diễn nghệ thuật chất lượng cao, nhưng thật sự thì sự hỗ trợ đó là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế và chỉ mang tính trước mắt. Về lâu dài, đồng thời cũng là xu thế chung, nên có một chiến lược dài hạn với kinh phí từ ngân sách nhà nước để giúp các nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu có khả năng chuyển đổi và xây dựng phương thức biểu diễn trực tuyến, từng bước tạo nguồn thu từ tài trợ và quảng cáo như nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã và đang thực hiện.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/giu-lua-cho-san-khau-614953/