'Giữ lửa' Đờn ca tài tử trên mảnh đất Sen hồng - Đồng Tháp
Đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong thành phố Cao Lãnh.
Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đờn ca tài tử đã phát triển khá mạnh tại miền Tây Nam bộ, trong đó có tỉnh Đồng Tháp, mà đặc biệt là tại thành phố Cao Lãnh. Đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong thành phố phát triển mạnh mẽ và đều khắp, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa - văn nghệ của nhân dân.
Cứ đều đặn tối ngày 15 và 30 hàng tháng, tại nhà sinh hoạt cộng đồng phường 2 hoặc công viên Hai Bà Trưng – thành phố Cao Lãnh, lại vang tiếng đờn ca rộn ràng. Đó là thời gian sinh hoạt định kỳ của CLB đờn ca tài tử phường 2. Là “món ăn tinh thần” không thể thiếu, 12 thành viên (3 thầy đờn, 9 nghệ nhân chuyên, không chuyên) không ai bảo ai, đến rất đúng giờ để góp vui bằng chất giọng mượt mà, độc lạ của mình.
Ông Huỳnh Thiện Trung, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử phường 2 chia sẻ: Thành lập gần 15 năm, thời gian đầu CLB chỉ có vài thành viên, sinh hoạt luân phiên ở nhà mỗi người nhưng không đều do kinh phí khó khăn. Đến nay, lực lượng đông hơn, vượt qua chuyện kinh phí, mọi người ai có gì thì góp nấy trong mỗi lần sinh hoạt: người góp bánh, người góp nước, người dư dả hơn thì mời dùng cơm, có lúc cả CLB chỉ uống trà đá, vậy mà vẫn vui. Chỉ có thể gọi đó là tinh thần đoàn kết và sự đam mê cháy bỏng với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử.
"CLB đờn ca tài tử là phải như vậy, lành mạnh, rất lành mạnh, vui vẻ, mà nhiều tầng lớp trẻ trẻ như bên đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn rất thích, xin vô nhưng mà nói chung từ từ mới uốn nắn được, bên CLB đờn ca tài tử này nếu mà vào hát được phải có năng khiếu một chút, phải có nhiệt huyết và sắp xếp được công việc, thời gian, sinh hoạt thường xuyên được.", ông Trung chia sẻ.
Hiện thành phố Cao Lãnh có 47 CLB Đờn ca tài tử, với 530 thành viên, nghệ nhân tham gia hoạt động. Các CLB duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý. CLB sẽ sinh hoạt nhiều hơn, tập tuyện nhiều hơn vào dịp có lễ kỷ niệm hay trong chương trình sinh hoạt CLB gia đình phát triển bền vững, giao lưu giữa các CLB xã, phường và những buổi tuyên truyền An toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội… Từ đó, đã góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhiều tầng lớp công chúng.
Là hạt nhân kỳ cựu trong phong trào đờn ca tài tử tại địa phương, hiện sinh hoạt tại CLB đờn ca tài tử Cao Lãnh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hân chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh, phong trào Đờn ca tài tử đang phát triển khá mạnh từ nông thôn đến thành thị. Hầu như mỗi ấp, khóm đều có từ một đến ba CLB đờn ca tài tử. Tuy nhiên, các CLB đờn ca tài tử vẫn còn hạn chế là sinh hoạt tập trung trong nhà, chưa mạnh dạn mở rộng ra ngoài trời, để mang lại không gian lớn tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này.
"Thay vì mỗi tháng mình sinh hoạt trong trung tâm, chỉ có bấy nhiêu người mình biết thôi, còn nếu như ở ngoài, đợt sinh hoạt dưới công viên Hai Bà Trưng mạnh lắm, nhiều người dân biết đến, đi qua đi lại, người ta thấy và xin vào tham gia, thì CLB mình có thể phát triển mạnh nữa.", nghệ nhân Nguyễn Thị Hân cho biết thêm.
Thấy được thực tế đó, những năm gần đây, Sở VH – TT & DL tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn như: mở các lớp tập huấn, truyền dạy và thực hành đờn ca tài tử trong cộng đồng, địa phương; tổ chức định kỳ “Liên hoan không gian nghệ thuật đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp” cấp tỉnh, cấp huyện; phát động các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 Bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ… Tuy vậy, vẫn tồn tại sinh hoạt đờn ca tài tử theo kiểu “chắp vá” và chuyện “hợp tan” của các CLB đờn ca tài tử vẫn thường xuyên xảy ra.
Ông Ngô Hoàng Việt – Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh thành phố Cao Lãnh, cho biết: Để các CLB đờn ca tài tử “sống” được, cần hội tụ rất nhiều yếu tố: duy trì sinh hoạt đều đặn, giao lưu học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác. Đặc biệt nhất là sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là về vấn đề kinh phí.
"Đề nghị UBND thành phố xem xét, có thể là tạo điều kiện, hỗ trợ thêm cơ sở vật chất. Hiện nay, CLB nhiều nhưng về nhạc cụ vẫn còn thiếu, cũng có thể nếu không bổ sung kinh phí được thì kêu gọi xã hội hóa ở các doanh nghiệp hỗ trợ cho các đơn vị xã, phường, cũng như tiếp sức thêm cho các Câu lạc bộ.",ông Ngô Hoàng Việt cho biết.
Với những thành viên dày dặn kinh nghiệm của các CLB, việc làm thế nào để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ là băn khoăn nhất hiện nay. Bởi, đa phần các thành viên tham gia CLB đều ở độ tuổi trung niên trở lên. Theo ông Huỳnh Thiện Trung, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử phường 2: "Để môn nghệ thuật đờn ca tài tử không bị mai một, các CLB cần nỗ lực vun bồi tình yêu với các bạn trẻ, không chỉ nói mà phải truyền dạy qua bài bản cụ thể. Phải tổ chức thường xuyên những buổi giao lưu, những buổi sinh hoạt, rồi những tổ chức lành mạnh để tuổi trẻ tiếp thu, cùng nhau đến xem, thích thú, thì bộ môn này sẽ duy trì được lâu dài, bền vững và hay nữa."
Với những kế hoạch phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc lâu dài của tỉnh Đồng Tháp, cùng sự nhiệt tâm của từng nghệ nhân chuyên và không chuyên, chắc chắn bộ môn đờn ca tài tử tại mảnh đất sen hồng sẽ được duy trì, ngày càng được nhiều người yêu thích, tìm tòi, nhất là thế hệ trẻ - những người tiếp nối nghệ thuật truyền thống lâu đời của ông cha./.