Giữ nền nếp tết
Má bày tết ra từ giữa tháng Chạp. Đầu tiên là lựa buồng chuối xiêm ngon nhất trong vườn, đốn vào giú chín, ép phơi khô để làm chuối ngào đường, tết cúng ông bà. Đến tầm 24 tháng Chạp thì má bắt đầu làm không ngơi tay cho đến tận Giao thừa mới xong. Rồi má nhổ luống cải bẹ xanh vào để làm dưa, rồi mua củ kiệu về để làm dưa kiệu, gọt trái bí đao bung ba cất để dành từ mấy tháng trước để làm mứt bí.
Mấy ngày giáp tết thì chùi lư, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ, cửa nẻo. Chiều cuối năm thì từ trong nhà ra đến ngoài ngõ phải sạch bon, không còn cọng rác nào mới được. Trên bàn thờ thì phải hoàn thành việc chưng bông và trái cây, ly tách trên bàn thờ cũng phải sạch bon, không được đóng bợn trà.
Cận tết một chút, má xách rổ ra vườn, lựa những trái chùm ruột to, mọng nước hái vào để làm mứt. Rồi má kêu thằng Út trèo hái mấy trái dừa rám cho má làm mứt. Hồi đó, tầm 26, 27 tháng Chạp, má còn kêu ba tát mương bắt cá lóc rọng để 30 Tết má kho với thịt. Má nói thịt kho tàu mà cho cá lóc vào kho chung thì ngon khỏi phải bàn, hột vịt sao bằng. Sau này Nhà nước làm cống ngăn lũ, cá mắm ít hẳn đi nên tết má không còn kêu ba tát mương nữa. Trưa ngày cuối năm má bày ra gói bánh tét, đến chiều thì gói xong, bắt bếp lên nấu cho đến gần Giao thừa, bánh chín, vớt ra sắp lên bàn thờ. Thấy má làm không ngơi tay, thằng Út cằn nhằn:
- Giờ cái gì cũng có bán ngoài chợ, má mua cho khỏe, mắc gì phải làm chi cho cực vậy?
Má đang lột mấy trái dừa rám, dừng tay lại nhìn thằng Út, giọng tắt nghẹn:
- Hồi đó nhà nghèo, tết làm gì có tiền mà mua bánh mứt. Một tay má làm không đó. Nhờ vậy mà tụi bây mới có tết, mới lớn lên đến chừng này đó!
Biết má không vui, thằng Út gãi đầu, sà xuống giành lấy con dao trong tay má, cười xuề xòa:
- Má! Để con lột dừa phụ má hén!
Từ đó, mỗi lần đến tết là mấy anh em chúng tôi xúm lại lo làm phụ má chứ không còn dám kêu má mua cái này, cái kia cho khỏe nữa.
Còn chuyện phong tục, tập quán thì mấy anh em tôi đi đâu, làm gì, ngày tảo mộ phải về đầy đủ. Má dậy đâu từ 3, 4 giờ sáng lụi hụi làm gà, vịt, nấu nướng, đến tầm 6, 7 giờ sáng là mâm cơm cúng tảo mộ đã dọn sẵn trên bàn thờ, chỉ chờ ba thắp hương. Cúng xong, anh em chúng tôi theo ba ra vườn tảo mộ ông bà.
Rồi đêm cuối năm, anh em chúng tôi đi đâu thì đi, miễn sao tới Giao thừa phải về nhà đầy đủ là được. Sáng Mùng 1 Tết, sau khi cúng kiếng xong, mấy anh em chúng tôi phải thay quần áo mới tươm tất để cùng ba má đi qua hai bên nội ngoại thắp hương ông bà, sang ngày Mùng 2 thì muốn đi chơi đâu đó mới được đi. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của má, không có ngoại lệ.
Rồi cái chuyện nghi lễ cúng kiếng cuối năm của má, cao điểm là bắt đầu từ 23 tháng Chạp. Hàng loạt phong tục, tập quán cúng kiếng, lễ nghĩa mà anh em chúng tôi cũng không biết bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng lớn lên là thấy má làm như vậy.
Mở đầu cho các phong tục cúng kiếng là cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, tiếp theo, đến ngày 25 tháng Chạp là phong tục cúng tảo mộ, đến ngày cuối năm thì cúng rước ông bà và cúng Giao thừa. Sang ngày Mùng 1, Mùng 2 thì cúng cơm ông bà ngày 2 lần sáng và chiều. Sáng Mùng 3 thì cúng gà luộc, bánh tét, gọi là cúng Mùng 3; sang ngày Mùng 4 thì cúng tất. Má nói mình đã rước ông bà về ăn tết với gia đình thì phải cúng kiếng đầy đủ, ăn ở vậy mới phải.
Cứ tết là như thế, đâu thể để má lo chuyện cúng kiếng một mình, nên anh em chúng tôi phải phụ. Mà lo phụ chuyện cúng kiếng thì không đi chơi tết được, nên thằng Út càm ràm:
- Con thấy nhà người ta tết đâu có cúng kiếng quá trời quá đất như mình! Tết là để sum họp, vui chơi, cứ lo cúng kiếng riết chẳng còn đi đâu được, chán hết sức!
Cái tính thằng Út mắc nói là nói, nhiều khi nói mà không suy nghĩ trước sau, bụm miệng nó không kịp. Từ khi nó có bạn gái thì hay đi chơi hơn, tết mà bó chân ở nhà thì đâu có chịu nổi. Khỏi nói là khi nghe nó nói vậy, má giận đến cỡ nào. Giọng má nghẹn lại:
- Má phải giữ nền nếp tết cho nhà mình! Nếu không giữ, để đứa nào muốn làm gì thì làm, mai mốt nhà mình chắc gì còn tết!?
Giờ má đã ngoài tuổi “xưa nay hiếm”, mấy anh em chúng tôi mỗi người một nơi, ai cũng có gia đình tư riêng, nhưng nền nếp tết thì không thay đổi…
TÂM
TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giu-nen-nep-tet-post729253.html