Giữ nếp nhà trong nhịp sống đương đại - Bài 1: Những gia đình Tứ đại đồng đường

Nếp nhà truyền thống đang gặp nhiều thách thức trong guồng quay của sự phát triển. Những nền nếp gia phong, nếp ăn, nếp mặc, cốt cách thanh lịch hào hoa dường như đang dần mai một. Nhiều gia đình thiếu vắng sự quây quần, đầm ấm, đoàn viên. Vẫn biết đây là câu chuyện tất yếu trong thời đại 4.0, chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi, nhưng thay đổi ở cấp độ nào? Hài hòa giữa nếp xưa và nhịp sống hôm nay như thế nào? Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết đăng tải loạt bài: Giữ nếp nhà trong nhịp sống đương đại.

Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên, là nơi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người. Ảnh: Quang Vinh.

Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên, là nơi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người. Ảnh: Quang Vinh.

Gia đình cụ Tề ở phố cổ; cụ Thành ở làng Phú Thứ, hay là ông Ngọc ở phố Nguyễn Khoái... - những gia đình “Ngũ đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường” mà ở đó, họ vừa giữ được nếp nhà đầm ấm, hạnh phúc nhưng cũng rất hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Một nếp nhà đẹp trong phố cổ

Ẩn sau một Hà Nội tấp nập, ngay trên phố Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ngôi biệt thự cổ hơn trăm năm tuổi của gia đình cụ Phạm Thị Tề xanh mát, bình yên vô cùng. Ông Phạm Ngọc Giao, con trai cụ Tề, cũng là chủ nhân đời thứ 2 của căn biệt thự cổ kể lại, trước kia, gia đình ông từ Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương lên Hà Nội an cư lập nghiệp và mang theo nghề lọc vàng truyền thống, nhãn hiệu Sư Tử gia truyền. Nhờ kinh doanh buôn bán phát đạt, bố ông là Phạm Văn Thanh và mẹ là bà Phạm Thị Tề đã tích góp được số tiền lớn để mua mảnh đất rộng gần 600m2, xuyên 2 mặt phố Đinh Liệt, Hàng Bạc, thuê kiến trúc sư xây căn biệt thự.

Trải qua bao biến đổi thời gian, hiện căn biệt thự vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính, gắn liền với 5 thế hệ nhà họ Phạm. Đáng mừng là đến hôm nay, nếp sinh hoạt người Tràng An trong ngôi nhà vẫn được gia đình gìn giữ. Mặc dù chủ nhân của ngôi biệt thự - cụ bà Phạm Thị Tề mất cách đây đã 7 năm, nhưng các con, cháu của cụ vẫn nối tiếp truyền thống gia đình, sống thuận hòa, hạnh phúc.

Hỏi về cách giữ gìn nền nếp gia phong, giữ cho nếp nhà luôn thuận hòa, yên ấm, ông Giao bảo, có được điều đó là do ngày còn sống, mẹ ông là cụ Tề luôn giữ được cách “quản trị” theo hướng công bằng và kiên nhẫn. “Bà cụ chưa bao giờ to tiếng, lúc nào cũng mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Đặc biệt là cụ luôn răn dạy các con bằng sự công bằng, công tâm trong mọi việc nên anh chị em luôn biết nhường nhịn, yêu thương nhau” - ông Giao kể.

Một gia đình “Tứ đại đồng đường” theo ông Giao giờ cũng khác rất nhiều, thay đổi để phù hợp với cuộc sống hôm nay. Vào mỗi dịp ngày giỗ chạp, con cháu mang hoa quả, hương hoa dâng cúng trên ban thờ gia tiên, sau đó cả nhà chọn một nhà hàng nào đó phù hợp để cùng ngồi ăn với nhau bữa cơm sum họp.

“Không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ lắm. Anh chị em, các con cháu ai cũng thấy thoải mái” - ông Giao nói và bảo, nếp nhà cần phải gìn giữ, nhưng cũng cần tạo ra một không gian đầm ấm, vui vẻ và sự thoải mái cho các thành viên.

Một buổi sum họp của gia đình ông Vũ Văn Ngọc. Ảnh: NVCC.

Một buổi sum họp của gia đình ông Vũ Văn Ngọc. Ảnh: NVCC.

Bí kíp hạnh phúc của một gia đình

Đến làng Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) hỏi gia đình cụ Nguyễn Phú Thành hầu như ai cũng biết. Người ta biết không phải vì gia đình cụ đã có 12 đời sinh sống trên mảnh đất này, mà vì đó là một gia đình tiêu biểu với những nét đẹp của lề lối gia phong, con cháu thuận hòa, đoàn kết, yêu thương nhau.

Cụ Thành năm nay 91 tuổi, mặc dù đi lại có đôi chút khó khăn nhưng giọng nói của cụ vẫn rõ ràng, mạch lạc. Đặc biệt, trong câu chuyện dễ dàng nhận ra một con người của làng, mộc mạc và rất đỗi nhân từ.

Mời khách chén trà xanh, cụ bảo gia đình tôi cũng giống như bao gia đình trong làng, ông bà cha mẹ gương mẫu, nhân từ, sống có đạo đức thì con cháu ắt nên người. Là ông nói giản dị vậy, nhưng chúng tôi hiểu, để giữ được nếp nhà hơn 30 thành viên chung sống vui vẻ hạnh phúc, trở thành một điển hình tiêu biểu cho nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam thì cũng không phải là chuyện nhỏ.

Tuy không cùng sống chung dưới một mái nhà, nhưng các thành viên cùng sống trên một mảnh đất của gia đình tổ tiên. Cụ Thành có 7 anh em ruột, đến nay người em út đã mất, còn lại mọi người vẫn sống khỏe mạnh và hiện đều ở gần nhau.

Điều mà chúng tôi ấn tượng khi đến nhà cụ Thành là một căn nhà ngói 3 gian, rêu phong, có dấu ấn của thời gian, nằm lọt giữa những ngôi nhà cao tầng. Cảnh vật xung quanh như cây cảnh, ao cá… khiến cho con người ta có cảm giác tách khỏi cuộc sống ồn ào phố thị đang diễn ra ngoài kia. Đây cũng là không gian sinh hoạt chung, là nơi gặp gỡ và trò chuyện của các thành viên trong đại gia đình mỗi dịp sum họp.

Cụ Thành là trưởng họ, bởi vậy cụ bảo, mình phải luôn gương mẫu, chỉn chu trong việc giữ nếp nhà truyền thống. “Vào các ngày lễ, ngày Tết, tất cả con cháu đều tập trung về dưới mái nhà này. Trong năm, thỉnh thoảng các gia đình lại quây quần ăn cùng nhau bữa cơm. Có chuyện vui, chuyện buồn đều chia sẻ, cứ nhìn thấy không khí đầm ấm, vui vầy đó mà thấy hạnh phúc đôi khi thật giản dị” - cụ Thành chia sẻ.

Nhìn lên những tấm ảnh treo tường chụp chung cùng các con cháu trong ngày tổ chức lễ mừng thọ và những dịp đoàn tụ khác, cụ Thành vô cùng vui vẻ và tự hào về một truyền thống gia đình đoàn kết, gắn bó như keo sơn. Ở cái tuổi ngoài 90, cụ mong con cháu tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống của gia đình, mãi yêu thương và đùm bọc nhau. Đó cũng là bí kíp để cụ sống vui, sống khỏe.

Không nên gượng ép và hình thức

Tết Đoan Ngọ năm nay, ông Vũ Văn Ngọc, ở phố Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cùng vợ dậy từ rất sớm. Bao năm qua, dù bận rộn đến đâu thì những ngày lễ, Tết ông bà vẫn rất chu đáo, tỉ mỉ biện lễ cùng hương hoa dâng cúng tổ tiên. Ông Ngọc chia sẻ, cũng là để răn dạy con cháu phải luôn biết nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ. Ngày này, không cần mâm cao cỗ đầy nhưng phải đủ thức quả đầu mùa, rồi rượu nếp, bánh gio, thêm chùm hoa cau thơm ngát như tấm lòng thảo thơm của con cháu dâng lên ông bà.

Là người làng nghề giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), ra thành phố sinh sống bao năm nhưng ông bà vẫn giữ được nếp của người làng, hồn hậu, chất phác, luôn thương yêu và giúp đỡ mọi người. Cái cách ông bà răn dạy con cháu cũng chủ yếu lấy cái đức, sự yêu thương để cảm hóa, vừa tôn ti trật tự nhưng cũng thật gần gũi, yêu thương. 5 người con với 9 đứa cháu, 6 chắt, là gia đình “tứ đại đồng đường”, quan điểm sống của mỗi thế hệ khác nhau, nhưng lúc khó khăn hay khi dư dả, cả gia đình lúc nào thuận hòa hạnh phúc.

Chia sẻ về việc gìn giữ nếp nhà trong nhịp sống hiện đại, ông Ngọc bảo, tôi là người truyền thống, nhưng không cổ hủ. Giờ là thời đại 4.0, không thể ôm khư khư tất cả nếp xưa để áp vào cuộc sống, sẽ bị gượng ép, hình thức và khó bền vững. Người già thích sum họp, quây quần nhưng con cháu còn bận rộn đi làm, đi học, bọn trẻ cũng thích những không gian riêng tư. Ngoài ra, Hà Nội “đất chật, người đông”, sống nhiều thế hệ trong một mái nhà cũng sẽ tạo ra những áp lực. Vì vậy, vợ chồng tôi tạo điều kiện cho các con sớm ra ở riêng, cả nhà chỉ tập trung vào những dịp cuối tuần hay ngày giỗ chạp, lễ tết.

Mặc dù hiện không sống cùng con cháu, nhưng gia đình ông Ngọc vẫn giữ một nếp truyền thống, như “luật bất thành văn”, đó là hàng tháng dâu rể, gái trai, các con cháu đều tập trung đông đủ tại nhà để ăn với nhau một bữa cơm gia đình hoặc luân phiên nhau tổ chức các bữa cơm gia đình.

“Không cần phải hàng ngày, đôi khi chỉ một bữa ăn, một buổi gặp mặt cũng thêm gắn kết, yêu thương nhau. Chuyện vui, chuyện buồn đều được sẻ chia trong bữa cơm. Bà xã tôi cứ đùa rằng, mình phải biết biến thể cho phù hợp với cuộc sống hôm nay. Mặc dù các con, cháu ở riêng nhưng vẫn có quan hệ gắn bó với nhau, vẫn có thể hỗ trợ nhau. Mỗi lần cùng nhau ăn uống, sum vầy ai nấy đều cảm thấy vui và hạnh phúc” - ông Ngọc bày tỏ.

TS Nguyễn Thị Phượng - Nguyên Trưởng Ban nghiên cứu văn hóa gia đình (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam):

Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra những con người biết yêu thương

Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên, là nơi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi con người. Một gia đình tốt - hạnh phúc sẽ tạo ra những con người biết yêu thương và có trách nhiệm. Nhiều gia đình tốt - hạnh phúc sẽ tạo ra các thế hệ con người Việt Nam mới văn hóa, văn minh, tiến bộ.

Để giữ được một gia đình hạnh phúc, nhất là những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống thì cần có những khuôn mẫu ứng xử mang tính phổ quát như sự yêu thương, chia sẻ, hòa hợp, đoàn kết... Giữa ông bà và con cháu đó là sự mẫu mực, kính trọng. Ngược lại con cháu đối với ông bà phải có sự tôn trọng, hiếu kính và lễ phép. Còn giữa cha mẹ với con cái là sự gương mẫu, hy sinh, hết lòng chăm lo cho con; cũng như sự hiếu thuận, giúp đỡ, sẻ chia với cha mẹ của con cái.

(Còn nữa)

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-nep-nha-trong-nhip-song-duong-dai-bai-1-nhung-gia-dinh-tu-dai-dong-duong-10283078.html