Giữ 'nét quê' nơi chợ phiên ngày tết
Hình ảnh các bà, các mẹ, các chị trong trang phục dân tộc tươi cười đi chợ phiên; những sạp hàng với các sản phẩm thủ công truyền thống hay đơn giản chỉ là vài chiếc thúng, chiếc mẹt bày bán chút quà quê, sản vật núi rừng… đã trở thành hình ảnh hết sức thân thuộc, in hằn trong tâm thức của mỗi người khi nhớ về chợ phiên, đặc biệt là chợ phiên ngày tết.
Hiện nay, Lạng Sơn có 67 chợ họp theo phiên, chủ yếu là các chợ xã hạng 3, thường họp 5 ngày một phiên, tập trung đông vào buổi sáng. Chợ phiên ở Lạng Sơn đã tồn tại từ rất lâu đời, mỗi phiên có sự tham gia của đa dạng lứa tuổi, dân tộc đến từ nhiều thôn, bản. Chợ phiên mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của Xứ Lạng, một vùng dân tộc, miền núi biên giới. Người dân đến chợ ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, còn lấy chợ làm nơi giao lưu, gặp gỡ, thăm hỏi người thân, trao đổi công việc... Chính vì vậy, chợ phiên không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, chứa đựng một phần bản sắc dân tộc đặc trưng...
Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, nơi có chợ phiên Pác Khuông họp vào ngày ngày 5, ngày 10 (âm lịch) hằng tháng. Đây là một trong những chợ phiên có lượng người tham gia họp chợ rất đông của Lạng Sơn.
Những sạp hàng ở chợ phiên đơn giản lắm, có khi chỉ là 2 chiếc sọt được người dân gánh ra chợ, hay thồ bằng xe đạp, xe máy… hoặc chỉ là những chiếc mẹt, tấm bạt trải ra nền chợ, nơi nào tốt hơn chút thì là những lán nhỏ được làm bằng tre, nứa hoặc gian hàng xây cấp 4 lợp đơn giản. Tuy đơn sơ là vậy nhưng chợ phiên không thiếu một mặt hàng thiết yếu gì, đặc biệt vào chợ phiên ngày tết, sự đủ đầy, đa dạng của các mặt hàng lại được thể hiện rõ ràng hơn.
Trở về thăm nhà sau bao tháng ngày học tập và làm việc ở thành phố, đúng vào ngày họp chợ phiên giáp tết, tôi như được sống lại với ký ức tuổi thơ và cảm nhận rõ không khí xuân đang đến rất gần. Dạo một vòng quanh chợ Pác Khuông, tấp nập kẻ mua, người bán, từ những sản phẩm đơn giản như nải chuối xanh, mấy mớ rau mùi, gạo nếp, lá dong, vài bó lạt buộc... đến những sạp hàng bày sản phẩm thủ công truyền thống; những quán ăn rộn rã tiếng cười nói, điểm đến không thể thiếu của những người đi “chơi chợ” tranh thủ thưởng thức ẩm thực và gặp gỡ bạn bè. Đặc biệt, có những mặt hàng mà chỉ chợ phiên miền núi mới có như: vải chàm, trang phục dân tộc, sản vật núi rừng…
Dừng lại bên một sạp hàng bán trang phục dân tộc Nùng đang được các bà, các mẹ tham quan, lựa chọn, mua sắm, tôi đã bị thu hút bởi những chiếc áo chàm, những chiếc xà tích bằng bạc lấp lánh. Chia sẻ với tôi về sạp hàng độc đáo của mình, bà Hoàng Thị Yến, thôn Khuổi Y, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia cho biết: Nhuộm vải chàm là nghề truyền thống của gia đình tôi, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Giờ đây, ít người tự cắt, tự may trang phục cho mình nên nhiều năm nay, tôi nhận may và bán các loại sản phẩm như: áo chàm, quần sa tanh, thắt lưng, khăn đội đầu, trang sức... ở chợ phiên. Thời điểm gần đến tết, khoảng tháng 10 âm lịch trở đi, lượng khách đến mua sắm vào các buổi họp chợ tăng gấp 2 đến 3 lần so với các tháng trước. Đặc biệt, vào chợ phiên ngày tết, lượng khách có thể tăng 4 đến 5 lần.
Không riêng chợ Pác Khuông, nhiều năm nay các chợ phiên trên địa bàn tỉnh vẫn luôn tập nập người dân đến mua, bán, là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống xã hội ở vùng nông thôn Lạng Sơn. Như tại chợ Ba Xã (huyện Văn Quan), không phiên nào vắng vẻ. Chị Hoàng Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đoàn, Trưởng Ban Quản lý chợ Ba Xã chia sẻ: Những phiên chợ ngày thường, chợ Ba Xã có khoảng 150 – 200 người tham gia buôn bán, với gần 100 sạp hàng cố định với đủ các mặt hàng thiết yếu. Vào các phiên chợ trong tháng giáp tết cổ truyền, lượng người đến chợ buôn bán tăng rất nhiều, có phiên đến 300 người bán hàng và hàng nghìn người đến chợ. Ngoài những người đã kinh doanh lâu năm, ở phiên chợ ngày tết còn có rất nhiều những gánh hàng nhỏ bày bán đa dạng các loại nông sản, mặt hàng phục vụ nhu cầu ngày tết do bà con tự sản xuất ra. Người mua, kẻ bán tập nập tạo nên một không khí nhộn nhịp, tươi vui mà chỉ ở chợ phiên ngày tết mới có.
Theo số liệu khảo sát của ngành công thương, các chợ phiên trên địa bàn tỉnh vào những tháng trong năm có từ 50 đến 200 điểm kinh doanh cố định và một số sạp hàng đơn sơ phát sinh không thường xuyên của người dân tranh thủ bán những nông sản, đặc sản tự sản xuất. Riêng phiên chợ trong tháng giáp tết cổ truyền, các điểm kinh doanh hàng hóa có thể tăng gấp đôi, gấp ba lần. Như chợ Pác Khuông, Văn Mịch (huyện Bình Gia), chợ Ba Xã (huyện Văn Quan), chợ Vạn Linh (huyện Chi Lăng)… có từ 500 đến 700 người kinh doanh và hàng nghìn người đi “chơi chợ”, mua sắm.
Những sạp hàng “quê” bình dị đã tạo nên nét đặc trưng của chợ phiên ngày tết. Và có lẽ với những người con của Xứ Lạng, nhất là những người xa quê, thì đi chợ phiên ngày tết là điều thôi thúc họ mong ngóng trở về quê nhà. Bởi với mỗi người, đi chợ không hẳn chỉ với mục đích mua sắm mà còn để tận thưởng không khí nhộn nhịp, vui tươi chuẩn bị đón chào một năm mới.
Đầu tư hạ tầng gắn với phát huy văn hóa truyền thống
Theo thời gian và sự phát triển của kinh tế - xã hội, giờ đây các chợ nông thôn cũng đã dần đổi thay, nhiều chợ được đầu tư khang trang, hiện đại hơn, người buôn bán ở chợ cũng đa dạng hơn, không chỉ là người bản địa nữa mà có cả những người từ khắp các vùng miền. Tuy nhiên, tại Lạng Sơn, nét văn hóa đặc trưng vẫn được duy trì tại mỗi chợ phiên.
Theo đó, với sự quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, các cấp chính quyền của tỉnh đã luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng chợ, thay đổi mô hình quản lý chợ. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh có 82 chợ (có 34 chợ kiên cố, 34 chợ bán kiên cố và chỉ còn 14 chợ lán tạm), trong đó có 35/82 chợ đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại; các chợ còn lại đều đã có lộ trình đầu tư nâng cấp, xây mới. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng và mô hình quản lý đã mang đến một diện mạo mới cho chợ truyền thống, đặc biệt là chợ phiên ở các xã.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Chợ phiên phần nào phản ánh đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa và phong tục tập quán của cư dân địa phương. Yếu tố văn hóa của chợ được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau như: văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp, thông tin cộng đồng… Đặc biệt, nét sinh hoạt văn hóa ở chợ phiên miền núi, biên giới đang là yếu tố thu hút khách du lịch. Do vậy, cùng với việc thu hút phát triển các cơ sở hạ tầng thường mại hiện đại, việc phát triển hạ tầng các chợ nông thôn truyền thống họp theo phiên vẫn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và được tỉnh quan tâm đầu tư trong thời qua cũng như tới đây.
Song song với việc đầu tư về hạ tầng, các cấp, ngành liên quan cũng quan tâm, triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của chợ phiên. Điển hình như từ năm 2018 đến nay, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và truyền thông của các huyện tổ chức được trên 20 chương trình giao lưu dân ca tại các chợ phiên. Tại chương trình, các nghệ nhân, người dân trong và ngoài xã được tham gia trình diễn, giao lưu các tiết mục hát sli, lượn, then… đặc sắc của người Tày, Nùng với nội dung về tình yêu quê hương, đất nước; tình cảm lứa đôi; ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu…
Nghệ sĩ ưu tú Phùng Văn Muộn, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Chợ phiên là nơi phản ánh đậm nét sự đa dạng trong văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của các dân tộc Lạng Sơn. Chính vì vậy, việc tổ chức chương trình giao lưu dân ca tại các phiên chợ là một hoạt động rất thiết thực, nhằm tạo ra không gian giao lưu văn hóa, văn nghệ cho các nghệ nhân và người dân; đồng thời góp phần tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Với ý nghĩa đó, trong năm 2025, dự kiến hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 10 chương trình giao lưu dân ca tại chợ phiên ở 8 huyện trên địa bàn tỉnh.
Đến với chợ phiên ngày tết, chúng ta không chỉ được nghe những điệu Sli, câu lượn mà còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh đồng bào mặc trên mình trang phục truyền thống để đi “chơi chợ”; được tham gia các trò chơi dân gian bản sắc như: lảy cỏ, ném còn, nhảy bao… Rõ ràng, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các nét văn hóa đặc trưng ở chợ phiên Lạng Sơn đã và đang được bảo tồn, phát huy, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những nét văn hóa đó đã góp phần quan trọng giúp mỗi người con Lạng Sơn thêm yêu, thêm gắn bó và thấy có trách nhiệm hơn trong việc học tập, lao động và cống hiến xây dựng tỉnh ngày một phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giu-net-que-noi-cho-phien-ngay-tet-5030046.html