Nghề làm nón lá ở xã Xuân Lộc chẳng biết xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhiều đời nay, những người phụ nữ ở đây đã miệt mài đan nên những sản phẩm để bảo tồn nghề truyền thống của làng. Ảnh: Đình Minh.
Quá trình làm ra chiếc nón lá phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Làm lá, tạo khung, dán lá, khâu vành, trang trí họa tiết... Ảnh: Đình Minh.
Nguyên liệu chủ yếu làm nón là các loại lá như: Lá cọ, lá buông, rơm, tre, lá hồ, lá dứa, lá dừa nước... Ảnh: Đình Minh.
Bà Lê Thị Thúy (60 tuổi, trú thôn Thủy Tú, xã Xuân Lộc) có thâm niên gần 50 năm làm nón lá. Từ khi 10 tuổi, bà đã đan nên chiếc nón đầu tiên. Từ đôi bàn tay thoăn thoát, tỉ mỉ, hàng nghìn chiếc nón đã ra đời trên đôi bàn tay bà. Ảnh: Đình Minh
Theo bà Thúy, công việc làm nón rất vất vả, thu nhập lại thấp nên người dân chỉ làm lúc nông nhàn, rảnh rỗi. 'Hiện nay, giá mỗi chiếc nón ở đây chỉ bán được khoảng 30.000 đồng. Mỗi ngày, tôi làm khoảng 3 chiếc, trừ hết chi phí thì thu nhập cũng có 60.000 đồng, chưa đủ tiền để đi chợ', bà Thúy nói. Ảnh: Đình Minh.
Theo những người phụ nữ còn làm nghề, hiện nay, do thế hệ trẻ trong làng không mặn mà với nghề nên trong tương lai gần, việc làm nón có thể biến mất hoàn toàn. Ảnh: Đình Minh
Để giữ làng nghề truyền thống, xã Xuân Lộc đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Xuân Lộc. Hiện tại, có 12 thành viên của HTX tham gia sản xuất, làm nón lá. Ảnh: Đình Minh.
Bà Lê Thị Linh (Giám đốc HTX Xuân Lộc - ngoài cùng bên phải) cho biết: Mỗi năm, đơn vị xuất bán ra thị trường khoảng 35.000 chiếc nón lá. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và trong tỉnh Thanh Hóa.
Để tạo thu nhập cho các thành viên và giữ gìn nghề truyền thống, HTX Xuân Lộc đang cố gắng ứng dụng công nghệ số trên nền tảng thương mại điện tử, từ đó tạo thêm nhiều kênh bán hàng, gia tăng đầu ra cho sản phẩm.
Số phận nghề làm nón lá ở Xuân Lộc sẽ rất khó có thể duy trì khi hiệu quả kinh tế ở mức rất thấp, thế hệ trẻ không mặn mà giữ nghề. Ảnh: Đình Minh
Đình Minh