Giữ nghề nón lá trăm năm
Bằng đôi bàn tay khéo léo, những 'nghệ nhân' ở thôn Thống Nhất (xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã tạo ra chiếc nón lá thanh tao, mộc mạc tỏa đi khắp mọi miền để làm đẹp cho đời.
Trải qua bao thăng trầm, mặc dù nghề này không còn hưng thịnh như xưa nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn âm thầm lưu giữ hồn quê hương qua chiếc nón lá.
Những “nghệ nhân” làng nón
Trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Lưu (94 tuổi, trú tại thôn Thống Nhất) vừa miệt mài theo từng đường khâu để hoàn thiện chiếc nón lá vừa chia sẻ, không ai còn nhớ nghề nón lá du nhập vào làng từ khi nào, họ chỉ nhớ đây là nghề truyền thống của địa phương lưu truyền cả trăm năm. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dễ tìm, nên nghề nón thu hút hầu hết người dân trong làng tham gia.
Cũng theo bà Lưu, khi sinh ra bà đã thấy các mẹ, các chị tay kim, tay lá thoăn thoắt ngồi đan nón. Đây cũng là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân.
“Tôi được mẹ dạy làm nón từ lúc 5-6 tuổi, lúc đầu làm chưa đẹp nhưng sau dần rồi cũng thành quen. Ngày đó nhà nào cũng nghèo đói, để có tiền mua sách vở, khi đi chăn trâu, tôi cùng các bạn trong làng vẫn thường mang theo đồ nghề để tranh thủ làm nón kiếm thêm thu nhập”, bà Lưu nhớ lại.
Chia sẻ về các công đoạn làm nón, bà Lưu cho hay, để làm được những chiếc nón lá đẹp, bền là cả một nghệ thuật đòi hỏi người làm cần có sự tỉ mỉ, công phu. Lá tơi dùng để làm nón được phơi khô, sau đó sẽ hơ trên nồi than nóng, kéo đi kéo lại, rồi dùng khăn ướt vuốt cho phẳng. Công việc này khá cầu kỳ và cũng là khâu quan trọng, quyết định đến độ bền và tính thẩm mỹ của chiếc nón.
Sau đó sẽ đến công đoạn làm vành nón. Vành nón làm bằng cật tre, nứa vót nhỏ và đều khi nối bắt buộc phải tròn và không chắp, không gợn. Mỗi chiếc nón thường có khoảng từ 15 đến 20 vành với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Sau khi chuẩn bị xong các vật liệu, người thợ sẽ cho các vành nón vào chiếc khung hình tháp để định hình. Tiếp đến là công đoạn xếp, xâu lá tơi, lá cọ vào vành nón, rồi dùng sợi cước nhỏ để khâu cố định lại.
Nghề làm nón không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ, chính vì thế, lao động của nghề nón cũng đa dạng về độ tuổi, từ người già đến trẻ con.
Cách nhà bà Lưu không xa, bà Nguyễn Thị Cúc cũng đang miệt mài bên khung nón. Năm nay 70 tuổi nhưng bà đã có thâm niên theo nghề làm nón được 55 năm. Dù đã có kinh nghiệm hàng chục năm cùng với đôi tay khéo léo và làm nón khá nhanh nhưng mỗi ngày bà Cúc cũng chỉ làm ra được 2 chiếc nón hoàn chỉnh. Mỗi chiếc nón làm ra được thương lái thu mua trung bình khoảng 40.000 - 60.000 đồng/chiếc.
Với bà Cúc, nghề làm nón không khó, nhưng đòi hỏi phải có sự cẩn thận, khéo léo. Đây cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Trung bình một tháng, mỗi người thu nhập khoảng 1-3 triệu đồng từ công việc này. “So với trước đây, thì nguồn thu từ nghề làm nón có giảm do nhu cầu ít lại. Nhưng đây là công việc khá tốt, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là những người lớn tuổi như chúng tôi", bà Cúc cho hay.
Nón lá được người dùng ưa chuộng vào những dịp nắng nóng, đặc biệt là nghề làm nông “dầm mưa dãi nắng”.
Mỗi lúc ra đồng, nhờ có những chiếc nón lá giúp người dân chống chịu với thời tiết oi bức. Ngày nay, nón vẫn được ưa dùng nhưng nhu cầu cũng đã giảm mạnh bởi tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng cao. Hơn nữa, số lao động nông thôn cũng đã giảm đáng kể theo xu hướng chuyển đổi ngành nghề. Do đó, việc sử dụng nón lá trong lao động sản xuất cũng vì thế mà giảm dần.
Đau đáu giữ nghề truyền thống
Với mong muốn giữ nghề truyền thống, dù đã gần 90 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Niên (trú tại thôn Thống Nhất) vẫn ngày ngày miệt mài làm nón. Theo bà Niên, thời làm nón hưng thịnh của làng vào khoảng vài chục năm về trước, ở làng nhà nhà làm nón, người già, người trẻ thi nhau đan nón. Ngày ấy, đan nón truyền thống là nghề chính của người dân trong làng. Người già chỉ dạy lớp trẻ học nghề, cả làng khi nào cũng đông vui tấp nập.
Với xu thế phát triển hiện nay, do điều kiện nghề làm nón chỉ còn là nghề phụ, thu nhập không cao, lực lượng lao động trẻ không mặn mà với nghề mà có xu hướng đi làm ăn xa, làm công nhân để phát triển kinh tế gia đình nên làng nghề chỉ còn tồn tại nhỏ lẻ một số hộ gia đình.
“Dù sức khỏe đã dần yếu đi, nhưng tôi vẫn không bỏ được nghề. Tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ trong thôn có thể duy trì nghề truyền thống của cha ông bằng việc làm nghề vào những ngày nghỉ hay các buổi tối rảnh rỗi. Điều này cũng góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của quê hương”, bà Niên nói.
Tâm huyết, trăn trở của bà Niên với nghề truyền thống đã “truyền lửa” cho nhiều người dân trên địa bàn. Theo đó, thời gian qua, ngôi nhà nhỏ của bà đã trở thành nơi quây quần, tụ họp của những người dân trong thôn. Họ tập trung về đây để được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm nón.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hướng - Chủ tịch UBND xã Việt Tiến cho biết, làng nghề nón lá ở địa bàn đã có từ hơn 100 năm trước và được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện, xã có hơn 54 hộ dân với khoảng 130 lao động duy trì nghề này.
“Để giữ gìn nghề truyền thống, xã đã thành lập mô hình Câu lạc bộ Làng nghề làm nón và xúc tiến xây dựng tổ hợp tác sản xuất nón lá. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với ngành giáo dục để đưa nghề làm nón lá vào chương trình cho các em học sinh trải nghiệm và học hỏi để lưu giữ nét đẹp của làng nghề truyền thống”, ông Hướng nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giu-nghe-non-la-tram-nam-10276512.html