Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng

Kỷ luật, kỷ cương của Đảng là một trong những chủ trương lớn của Đảng ta trong suốt các chặng đường cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi đất nước đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và lãnh đạo các đơn vị, địa phương về dự sinh hoạt với đảng viên Chi bộ ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành. Ảnh: P.HẰNG

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và lãnh đạo các đơn vị, địa phương về dự sinh hoạt với đảng viên Chi bộ ấp Phước Hòa, xã Long Phước, huyện Long Thành. Ảnh: P.HẰNG

Để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, thời gian qua, Đảng ta đã xử lý nhiều trường hợp sai phạm, trong đó có cả một số trường hợp là cán bộ cấp chiến lược.

Sai thì phải xử lý

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay có khoảng 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật nghiêm minh. Việc kiên quyết xử lý những trường hợp mắc khuyết điểm nghiêm trọng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước đều được thực hiện đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng là nhiệm vụ của tất cả đảng viên, tổ chức Đảng đã được xác định trong Điều lệ Đảng. Suốt chặng đường dài cách mạng từ khi thành lập Đảng cho đến nay, việc tăng cường kỷ luật kỷ cương là việc làm thường xuyên, là hoạt động lãnh đạo quan trọng của Đảng.

Thượng tá Vũ Thành Long, nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, 53 tuổi Đảng, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ khu phố Đồng Nai, trực thuộc Đảng bộ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa chia sẻ: “Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ và đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để loại bỏ những cán bộ suy thoái về chính trị, đạo đức ra khỏi bộ máy. Việc xử lý cán bộ dù rất đau xót nhưng tất yếu phải làm, nếu muốn Đảng ta vững mạnh, trường tồn. Trong công việc và cuộc sống, không có chiến thắng nào vẻ vang bằng chiến thắng bản thân trước những “viên đạn bọc đường”. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên lúc này phải tự giữ lấy mình, không được vượt “lằn ranh”. Vi phạm là phải xử lý nghiêm, chỉ khi đó sức mạnh của Đảng mới được củng cố, tăng cường, bởi lẽ Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài mang lại lợi ích cho nhân dân”.

Trước những băn khoăn, lo lắng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân cho rằng, nếu quá tập trung chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm nản lòng chùn bước, sợ sai của cán bộ, đảng viên mà chỉ làm trong sạch nội bộ Đảng để làm nên sức mạnh của Đảng. Bởi Đảng yếu thì không bảo vệ được nhân dân, vì Đảng ta chỉ có mục đích duy nhất là bảo vệ nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Dù có một bộ phận cán bộ tham nhũng, tiêu cực bị xử lý như vừa qua nhưng tuyệt đại đa số những người cộng sản là đứng đắn, đạo đức, cách mạng nên đất nước ta mới có cơ đồ, vị thế như ngày nay.

Nâng tầm công tác cán bộ

Bên cạnh việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản để chỉnh đốn Đảng và Đảng đã nhiều lần điều chỉnh bổ sung các quy định liên quan đến công tác cán bộ nhằm nỗ lực vun xới cái gốc đạo đức không ngừng nghỉ.

Mới đây, ngày 23-4-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142-QĐ/TW quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Theo đó, Quy định 142 cho phép thí điểm người đứng đầu giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời cũng nêu rõ người đứng đầu phải có trách nhiệm trong bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống, năng lực công tác đối với nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Tiếp đó, ngày 9-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Quy định 144-QĐ/TW quy định 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, gồm: yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Quy định 144-QĐ/TW thể hiện tầm tư duy mới, đánh dấu bước phát triển cao trong nhận thức và hành động của Đảng. Quy định này không đơn thuần là sự cập nhật quan điểm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, mà còn là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây cũng sẽ là căn cứ chính trị để chuẩn bị tốt công tác nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bồi đắp đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết. Quy định 144 được ban hành vào thời điểm này gửi thông điệp tới hơn 5,3 triệu đảng viên một sự cảnh tỉnh: nếu như không còn sự trong sáng cách mạng thì không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/giu-nghiem-ky-luat-ky-cuong-cua-dang-b0638ba/