Giữ ổn định SGK, cập nhật ứng dụng hỗ trợ để sách tiếng Anh 'mở ra' một thế giới
Tính đến thời điểm này, đã hoàn thành chu trình chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, rất cần sự đột phá, tăng cường ứng dụng, tích hợp công nghệ trong cách dạy và học tiếng Anh.
Tuy nhiên, bên cạnh những đổi mới về phương pháp dạy học, có nhiều ý kiến cho rằng, các cơ sở giáo dục nên giữ ổn định bộ sách giáo khoa mà nhà trường đã và đang sử dụng, để tạo thuận lợi cho công tác dạy và học.

Giáo viên dạy Tiếng Anh ở Hải Phòng tham dự một buổi giới thiệu về chương trình tiếng Anh tiểu học.
Giữ ổn định sách giáo khoa đặc biệt với Tiếng Anh giúp học sinh phát triển năng lực bền vững
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thị Kim Anh - nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Trước khi quyết định lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa nào để sử dụng trong nhà trường, thì giáo viên và nhà trường đã tìm hiểu kỹ từng bộ sách. Tuy mỗi bộ sách khác nhau về cách tiếp cận, về trình bày nội dung và hình thức, nhưng đều đảm bảo chuẩn yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong quá trình sử dụng sách, nếu cả giáo viên và học sinh thấy không phù hợp hoặc có những bất cập thì có thể lựa chọn bộ sách giáo khoa khác phù hợp với việc giảng dạy và học tập của học sinh.
Tuy nhiên, để tạo sự ổn định và tránh sự xáo trộn thì không nên thay đổi bộ sách giáo khoa quá nhiều trong cùng một cấp học hoặc lớp học, vì nó liên quan tới rất nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng về tập huấn lại giáo viên khi thay đổi bộ sách giáo khoa mới.
Trong giáo dục, tính ổn định là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng việc dạy và học. Khi đã dạy theo bộ sách giáo khoa này thì giáo viên vẫn đồng thời tham khảo nhiều bộ sách giáo khoa khác để thiết kế bài giảng sao cho tốt hơn. Do đó, việc thay đổi trong lựa chọn sách giáo khoa cần cân nhắc để đảm bảo sự ổn định cho giáo viên, học sinh...”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô giáo Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên (Hà Giang) cũng chia sẻ: “Việc lựa chọn sách giáo khoa mới luôn là một bước đi quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dạy và học của cả giáo viên, học sinh.
Cá nhân tôi cho rằng, trong bối cảnh năm học 2024-2025 là thời điểm vừa hoàn tất một chu trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc giữ ổn định sách giáo khoa là rất cần thiết.
Mỗi bộ sách đều mang theo triết lý giáo dục, hệ thống ngữ liệu và phương pháp tiếp cận riêng, vì vậy việc thay đổi liên tục sẽ gây ra nhiều xáo trộn. Giáo viên phải tập huấn lại, học sinh cần thời gian thích nghi, và phụ huynh cũng khó khăn trong việc hỗ trợ con em học tập. Đặc biệt, với môn Tiếng Anh - một môn học đòi hỏi tính hệ thống và tính liên kết giữa các kỹ năng - thì sự ổn định càng quan trọng để học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ bền vững.
Tôi ủng hộ đổi mới, nhưng đổi mới phải có lộ trình và sự cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên thực tiễn giảng dạy tại địa phương, năng lực giáo viên và điều kiện học tập của học sinh. Tính ổn định và lâu dài trong việc chọn sách sẽ tạo điều kiện để giáo viên đầu tư chiều sâu vào bài giảng, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhật - Trưởng khoa Tiếng Anh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cũng chỉ ra: “Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu chương trình, yêu cầu cần đạt, nội dung dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá... được thống nhất và đây là cơ sở để các nhóm tác giả viết sách giáo khoa.
Thầy cô khi sử dụng sách giáo khoa vẫn cần phải hiểu rõ chương trình để nắm rõ định hướng và từ đó có những bổ sung cần thiết cho sách giáo khoa khi sử dụng trực tiếp với đối tượng người học cụ thể của mình.
Bàn luận về thực tiễn sử dụng sách giáo khoa trên thế giới, tôi thấy chúng ta đang có những thay đổi đúng hướng theo quá trình phát triển chương trình và sách giáo khoa. Ở mức một, sẽ là một chương trình và một bộ sách, đây là mức mà trước năm 2018, Việt Nam đã triển khai. Mức hai đang ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đang thực hiện là một chương trình và nhiều bộ sách. Và mức ba là một chương trình và không có sách giáo khoa, ở mức này người giáo viên sẽ hoàn toàn chủ động phát triển học liệu để phù hợp với chương trình giảng dạy với đối tượng người học của mình tại bối cảnh giảng dạy của mình.
Như vậy, tôi cho rằng, việc thay đổi sách cần có sự ổn định và thầy cô cần được bồi dưỡng để hiểu thật sâu về chương trình, phương pháp giảng dạy, điều chỉnh học liệu và từ đó để vận dụng sử dụng sách giáo khoa thật hiệu quả. Với năng lực điều chỉnh/phát triển học liệu tốt, thì dù trong tình trạng bất khả kháng như trong trận bão Yagi vừa qua, thầy cô vẫn hoàn toàn có thể làm chủ chương trình và khai thác nguồn sách giáo khoa được hỗ trợ từ nhiều nơi cho các em học sinh”.

Là người từng tham gia trong vai trò quản lý, cô Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh (khóa XIV) cũng đề cập: “Trong 5 năm qua, quy trình lựa chọn sách giáo khoa cũng đã được hướng dẫn và tổ chức khá chặt chẽ, với sự kiểm tra, giám sát đưa vào “quỹ đạo chung”. Tính đến thời điểm này, đã hoàn thành chu trình chọn sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Có thể ở mỗi cơ sở giáo dục sẽ có nhiều bộ sách khác nhau trong thư viện để giáo viên và học sinh tham khảo, nhưng vẫn sẽ có một bộ sách được sử dụng chính trong công tác dạy học. Theo tôi, một bộ sách khi đã lựa chọn, phải được sử dụng ít nhất từ 3-5 năm thì mới khai thác được hiệu quả một cách triệt để. Bên cạnh đó, giáo viên cũng hoàn toàn có thể tham khảo thêm các bộ sách khác để chắt lọc những điểm hay, điểm sáng và đưa vào giảng dạy. Còn việc thay đổi từ bộ sách này sang bộ sách khác một cách liên tục sẽ gây tốn kém cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh”.
“Đặc biệt, đối với môn Tiếng Anh, cũng cần có sự đánh giá về sự tương thích, về mức độ đáp ứng đối với nhu cầu hiện nay. Có thể, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông sẽ chọn một sách khác nhau, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo nên tính toán xem chọn sách giáo khoa nào mang lại hiệu quả nhất. Một bộ sách hay, phù hợp nhưng cũng rất cần giáo viên, học sinh tận dụng được ưu thế thì chất lượng giáo dục mới nâng lên. Vì vậy, nên giữ ổn định sách và trong quá trình sử dụng, cũng có thể góp ý với nhà xuất bản về những điểm chưa phù hợp, để có sự điều chỉnh, cải thiện cập nhật” - cô Ngọc Mai chia sẻ thêm.

Tiết dạy mẫu tiếng Anh lớp 8 do giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở Nam Hà thực hiện (Ảnh: LT)
Ứng dụng công nghệ giúp học sinh tiếp cận tiếng Anh như một “công cụ sống”, chứ không chỉ là một môn học
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhật cũng phân tích: “Trong việc giảng dạy, có rất nhiều thành tố tham gia tác động và quyết định đến chất lượng giảng dạy... Trong đó, đối với hai thành tố là sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, về lý thuyết, cả hai đều cần được cập nhật, bổ sung, cải tiến để phù hợp với bối cảnh thực hiện cụ thể, với đối tượng người học và điều kiện thực hiện chương trình.
Thầy cô cần luôn hiểu thật chắc chương trình giảng dạy để từ đó, có những điều chỉnh trong nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Vậy nên, sách giáo khoa dù đã được thiết kế rất chỉn chu nhưng mang tính đại chúng, cụ thể trong các bài học sẽ vẫn cần có điều chỉnh để phù hợp nếu cần thiết. Yếu tố này một lần nữa nêu cao vai trò của thầy cô là người điều chỉnh/phát triển học liệu “materials designers” và việc trau dồi phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin có thể hỗ trợ thầy cô rất hiệu quả.
Vậy, việc lựa chọn, sử dụng và điều chỉnh sách giáo khoa trong quá trình thực hiện giảng dạy trên lớp là cần thiết, tuy nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh thực hiện cụ thể, việc lựa chọn, thay đổi cần có chu trình mang tính ổn định, không gây quá nhiều xáo trộn cho thầy cô và các em”.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cao và trao quyền cho giáo viên để chủ động và sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Với những ứng dụng công nghệ thông tin và các công cụ hỗ trợ việc dạy và học hiện đại, thông minh như hiện nay, người giáo viên cần phải trau dồi năng lực ứng dụng công nghệ và các phương pháp sư phạm tiên tiến vào giảng dạy.
Vai trò của giáo viên không dừng lại ở việc truyền đạt và sẽ là người đồng hành, hướng dẫn, khơi gợi và tạo động lực cho học sinh để việc học được tối đa hóa thời gian trên lớp và ngoài lớp học” - Trưởng khoa Tiếng Anh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ tích hợp công nghệ và đổi mới phương pháp dạy học Tiếng Anh, cô Phạm Thị Liên bày tỏ sự đồng tình với định hướng cần tích hợp yếu tố giáo dục thông minh, công nghệ và đa kỹ năng vào sách giáo khoa cũng như quá trình dạy học. Tuy nhiên, theo cô Liên, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở cuốn sách, mà ở cách giáo viên triển khai bài học.
“Trong thực tế giảng dạy, tôi luôn tích cực khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo để thiết kế bài giảng và kiểm tra đánh giá. Ví dụ: Dùng ChatGPT, Magicschool, Canva, Heyzine để xây dựng và quản lý các hoạt động dạy học theo dạng dự án (project-based learning), học sinh làm video, thiết kế poster hoặc làm sản phẩm sách điện tử bằng tiếng Anh. Sử dụng Quizizz, Blooket, Kahoot, Quizlet để củng cố từ vựng, ngữ pháp theo hình thức trò chơi, tạo động lực học tập rất cao cho học sinh. Padlet giúp tôi và học sinh tương tác ngoài giờ học, chia sẻ ý tưởng, phản hồi nhanh và tạo không gian học tập mở, sáng tạo. CapCut được dùng để học sinh tự dựng clip thuyết trình hoặc kể chuyện, rất phù hợp với phát triển kỹ năng nói và kỹ năng mềm.
Nhờ ứng dụng công nghệ phù hợp, học sinh hào hứng hơn, chủ động hơn và đặc biệt là tiếp cận tiếng Anh như một “công cụ sống” - chứ không chỉ là một môn học”, cô Liên chia sẻ.

Người giáo viên đóng vai trò trung tâm - là cầu nối giữa kiến thức và công nghệ, giữa học sinh và thế giới
Tổ trưởng chuyên môn môn Tiếng Anh (Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên) cũng chia sẻ thêm: “Trong bối cảnh giáo dục ngày càng chuyển mình mạnh mẽ theo hướng số hóa, người giáo viên đóng vai trò trung tâm - là cầu nối giữa kiến thức và công nghệ, giữa học sinh và thế giới.
Giáo viên là nhân tố trung tâm trong quá trình chuyển đổi giáo dục hiện nay. Không ai khác, chính giáo viên là người trực tiếp “kích hoạt” công nghệ, “thổi hồn” vào nội dung bài học để làm sao học sinh vừa học tốt, vừa phát triển toàn diện.
Để khẳng định vai trò ấy, tôi cho rằng, giáo viên cần trang bị 4 yếu tố chính: Một là năng lực số: Thành thạo các công cụ công nghệ như Canva, Padlet, LMS, phần mềm trình chiếu, nền tảng học tập trực tuyến… Hai là, kỹ năng thiết kế hoạt động học tập tích hợp: Biết cách tạo ra những tiết học phát triển đồng thời kỹ năng ngôn ngữ, tư duy, hợp tác và sáng tạo. Ba là, tư duy học tập suốt đời: Luôn cập nhật cái mới, sẵn sàng học hỏi, chia sẻ và cải tiến bản thân. Bốn là, khả năng đánh giá linh hoạt: Không chỉ chấm điểm, mà còn biết phân tích dữ liệu học tập, đưa ra phản hồi kịp thời để hỗ trợ học sinh đúng lúc, đúng cách.
Giáo viên thời đại số cần là người dẫn đường bằng cả trái tim và công nghệ. Khi người thầy đổi mới, học sinh sẽ tự nhiên thay đổi và trưởng thành hơn. Chúng ta không thể đòi hỏi học sinh bước vào thế giới hội nhập với tư duy toàn cầu nếu người thầy vẫn còn “lạc hậu” trong cách tiếp cận. Do đó, đầu tư cho đội ngũ giáo viên chính là đầu tư cho tương lai giáo dục nước nhà”.
Theo cô Tăng Thị Ngọc Mai, để tích hợp sử dụng công nghệ trong các môn học còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, có 4 yếu tố cơ bản: về nội dung chương trình, sách giáo khoa; kỹ năng sư phạm của từng giáo viên; điều kiện phương tiện thiết bị dạy học; tinh thần và khả năng tiếp thu của học sinh; ngoài ra, còn có các yếu tố khác.
Trước thực tế, việc học và sử dụng môn tiếng Anh của học sinh phổ thông hiện nay còn nhiều vấn đề cần quan tâm thì địa phương nên ưu tiên sử dụng một bộ sách liền mạc ở mỗi bậc học (ví dụ tiểu học từ lớp 1-lớp 5) để đảm bảo chuyên môn xuyên suốt, thuận lợi cho học sinh, giáo viên và cả phụ huynh.