Vẫn mất cân bằng giới tính rõ rệt trong STEM

PGS.TS Anyanee Kamkaew, Khoa Hóa học, Đại học Công nghệ Suranaree (Thái Lan), vẫn nhớ như in khoảnh khắc khi còn là nữ sinh trung học, lần đầu tiên chứng kiến một phản ứng hóa học diễn ra. 'Việc nhìn thấy những điều tưởng không thể thấy bằng mắt thường khiến tôi rất thích thú. Khi đó, tôi nhận ra thế giới có biết bao điều để khám phá', cô chia sẻ.

 Từ trái sang, các nhà khoa học: Waleeporn Donphai, Anyanee Kamkaew và Pongkarn Chakthranont

Từ trái sang, các nhà khoa học: Waleeporn Donphai, Anyanee Kamkaew và Pongkarn Chakthranont

Chính điều đó đã đưa Anyanee đến với con đường nghiên cứu. Hiện là Phó Giáo sư tại khoa Hóa học, Đại học Công nghệ Suranaree, cô đang nghiên cứu các phân tử hữu cơ nhạy sáng và hệ thống phân phối nano với mục tiêu mở rộng lựa chọn điều trị ung thư cho bệnh nhân. Cùng với Pongkarn Chakthranont và Waleeporn Donphai, cô trở thành nhà khoa học nhận tài trợ từ Chương trình quốc gia L'Oreál-UNESCO dành cho phụ nữ trong khoa học năm 2024.

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) với hơn 700 nhà khoa học nữ trên thế giới đã đặt ra câu hỏi: "Điều gì sẽ thay đổi nếu có nhiều phụ nữ tham gia khoa học hơn?" Câu trả lời của họ nhấn mạnh 5 lợi ích quan trọng: Tăng cường sáng tạo và đổi mới, nghiên cứu toàn diện hơn, nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, cải thiện môi trường làm việc và tạo ra nhiều hình mẫu truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.

"Trải nghiệm của những nhà khoa học được trao giải L'Oreál-UNESCO phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn mà cuộc khảo sát toàn cầu của UNESCO đã ghi nhận", bà Marina Patrier, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Giáo dục UNESCO tại Bangkok, chia sẻ. "Những nhà khoa học cho thấy điều gì có thể xảy ra khi phụ nữ vượt qua rào cản để phát triển trong lĩnh vực STEM. Nhưng đáng tiếc, vẫn còn quá nhiều người chưa có cơ hội ấy. Khi họ bị loại trừ, chúng ta mất đi những góc nhìn đa dạng, những nghiên cứu toàn diện và những đổi mới quan trọng có thể thúc đẩy tiến bộ chung".

So với nhiều quốc gia khác, Thái Lan có tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) cao hơn. Theo dữ liệu mới nhất từ Viện Thống kê UNESCO, phụ nữ chiếm 45,9% trong tổng số nhà nghiên cứu tại Thái Lan, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, với Tiến sĩ Pongkarn Chakthranont, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ Nano Quốc gia Thái Lan và cũng là một trong những người nhận giải thưởng nghiên cứu L'Oreál-UNESCO năm 2024, việc tiếp xúc với các môi trường học thuật khác nhau đã giúp cô nhận ra một thực tế rất khác.

"Tôi ủng hộ việc thành lập các câu lạc bộ và trại khoa học dành cho trẻ em gái, xây dựng chương trình cố vấn giúp học sinh kết nối với nhà khoa học nữ, đồng thời khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện cho con tiếp cận STEM thông qua đồ chơi và tài liệu học tập. Các em hãy tin vào khả năng của mình và hiểu rằng sự kiên trì luôn mang lại kết quả. Hãy nuôi dưỡng đam mê và không ngừng đặt câu hỏi, tìm kiếm kiến thức trong lĩnh vực bạn quan tâm. Cách tiếp cận chủ động này không chỉ giúp bạn hiểu sâu hơn về những chủ đề phức tạp mà còn mở ra nhiều cơ hội mới. Quan trọng nhất, sự phát triển không ngừng và quyết tâm bền bỉ chính là chìa khóa dẫn đến những thành tựu lớn hơn".

PGS.TS Waleeporn Donphai, ngành Kỹ thuật Hóa học, Đại học Kasetsart

Lớn lên ở Bangkok, Tiến sĩ Pongkarn nhận thấy, giới tính không phải là rào cản đối với con đường sự nghiệp của mình. Sự đa dạng trong đội ngũ giáo viên ở mọi môn học, bao gồm cả khoa học, đã giúp cô có niềm tin rằng bất kỳ ai cũng có thể theo đuổi đam mê của mình. "Tuy nhiên, trong thời gian học đại học và sau đại học ở nước ngoài, tôi nhận thấy sự mất cân bằng giới tính rõ rệt trong STEM, với số lượng nhà khoa học nữ trong các viện nghiên cứu ít hơn hẳn", cô chia sẻ.

Nghiên cứu cho thấy, khi trẻ em gái không có hình mẫu trong khoa học, các em sẽ ít có xu hướng coi đây là một lựa chọn nghề nghiệp khả thi. Thực tế còn cấp bách hơn khi 122 triệu bé gái trên thế giới vẫn chưa được đến trường, hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục STEM và thu hẹp cơ hội nghề nghiệp sau này. Khoảng cách giới không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nếu số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động công nghệ tăng gấp đôi vào năm 2027, nền kinh tế toàn cầu có thể được bổ sung thêm 600 tỷ euro.

Để thu hẹp bất bình đẳng giới, cần những thay đổi mang tính cấu trúc. Báo cáo năm 2024 của UNESCO có tựa đề "Lời kêu gọi hành động: Thu hẹp khoảng cách giới trong khoa học" đã đề xuất các chiến lược trọng tâm, bao gồm đầu tư vào chương trình STEM ngoại khóa cho trẻ em gái, tăng cường quan hệ hợp tác với doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và nâng cao tiếng nói của nhà khoa học nữ trên phương tiện truyền thông.

Nguồn: UNESCO

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/van-mat-can-bang-gioi-tinh-ro-ret-trong-stem-20250404103903077.htm