Giữ quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Thẩm tra Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị giữ quy định mang tính nguyên tắc của Luật Thanh tra hiện hành về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Sáng 26/4, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra để thể chế hóa các nội dung về: sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 02 cấp ở Trung ương và địa phương; làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp, giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Dự thảo Luật lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...

Đồng thời, lược bỏ nội dung ở Luật để phân quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; hồ sơ thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo...

Sửa đổi, hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra, Dự thảo quy định gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; quy định cụ thể về Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo cũng bổ sung 11 điều, trong đó bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí: Các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ vì tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra bộ; Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.

Gần như không có sự chng chéo về đối tượng trong thanh tra, kiểm toán

Dự thảo Luật dành 1 chương (Chương VII) quy định về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước (KTNN), điều tra, gồm 03 điều (từ Điều 56 đến Điều 58).

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, quan điểm như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc giao Chính phủ quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị giữ quy định mang tính nguyên tắc của Luật Thanh tra hiện hành về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động KTNN vì KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và giám sát để tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Giải trình vấn đề này tại Phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Dự thảo luật đã quy định tại Điều 57, Điều 58 về sự phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán, trong đó có xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán và để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

“Qua ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu, kế thừa khoản 1 Điều 55 của Luật Thanh tra để chỉnh sửa vào Dự thảo này cho phù hợp” - Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết thêm, Luật Thanh tra năm 2022 đã có một điều khoản về xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra, kiểm toán. Thực tế, khi áp dụng Luật này trong những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ với KTNN phối hợp rất chặt chẽ và gần như không bị chồng chéo trong cùng một đối tượng. “Ngoài việc quy định thì tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật cũng là một khâu rất quan trọng, chúng tôi đã làm rất tốt việc này” - Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin.

Liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, Dự thảo Luật quy định thống nhất một hoạt động “thanh tra”, không phân biệt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

Theo quy định của Dự thảo luật thì không còn thanh tra chuyên ngành, mà chỉ có kiểm tra chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo trình tự, thủ tục và phương thức cơ bản giống như hiện nay.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung trong Dự thảo Luật rõ hơn nguyên tắc về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu có quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành và giám sát để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, không gây phiền hà cho đối tượng được thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/giu-quy-dinh-ve-nguyen-tac-xu-ly-chong-cheo-trung-lap-trong-hoat-dong-thanh-tra-kiem-toan-39814.html