Giữ rừng thêm xanh
Tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ che phủ rừng 68%, đứng thứ hai cả nước, trữ lượng và chất lượng rừng khá cao trở thành lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế. Tỉnh này vừa được chi trả hàng chục tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững nhờ rừng tự nhiên trong thời điểm 'đóng cửa rừng'.
Những cơn gió bấc lạnh buốt của mùa đông lùa vào từng mái nhà vùng cao. Gió lạnh không thể ngăn được bước chân của ông Nguyễn Đức Sự, ở thôn Tấn Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa đang đi thăm rừng. Hàng chục năm qua, ông Sự luôn dành nhiều thời gian vào chăm sóc khu rừng của mình. 5 năm trước, ông Sự thực hiện mục tiêu trả lại màu xanh cho những ngọn đồi ở xã Cao Quảng bằng việc trồng giống cây bản địa như lim, sưa, táu, gõ.. 5 năm sau, rừng cây lớn lên khỏe mạnh, hơn 5000 cây gỗ lớn đã bao phủ hơn 3ha đất trống, đồi núi trọc. Ông Nguyễn Đức Sự cho biết, trước đây những ngọn đồi này chủ yếu trồng cây keo, chỉ trong vòng 10 năm trồng keo, sự khô cằn của đất ngày càng lớn. Cây keo dễ gãy đổ, ảnh hưởng môi trường đất và không bền vững. Ông Nguyễn Đức Sự tâm sự, nhờ trồng cây bản địa đã phủ xanh những ngọn đồi, cây ngày càng lớn, rừng ngày càng xanh thì cuộc sống cũng tốt hơn trước.
“Xác định khi trồng cây bản địa thì có thể 20 năm, 30 năm, nhưng sau này con cháu chúng ta lớn lên sẽ có được cánh rừng, giữ được những giống cây quý trên địa bàn. Khi trồng cây bản địa liên quan nhiều vấn đề cải tạo cây dược liệu dưới tán rừng, trồng được đa dạng sinh học giữa rừng nhiều hơn. Thấy cây càng ngày càng lớn, rừng càng ngày càng khôi phục, độ ẩm ngày càng cao, nước đầu nguồn càng phát triển thêm. Chúng ta cần nước sạch để uống, cần không khí sạch để thở thì nên chịu khó 1 thời gian chăm sóc rừng tự nhiên, cây bản địa, sau này rừng sẽ cho chúng ta những hưởng thụ”, ông Nguyễn Đức Sự chia sẻ.
Thời gian qua, huyện Tuyên Hóa khuyến khích người dân bảo vệ và trồng rừng gỗ lớn bằng những giống cây bản địa, góp phần phát triển rừng bền vững. Chính quyền địa phương và các tổ chức khác hỗ trợ 100% giống cây bản địa như lim, dổi, sưa…
Những cánh rừng cây bản địa không phải trồng để bán gỗ rừng mà nhiều gia đình đã có thu nhập nhờ trồng cây ngắn ngày, cây dược liệu dưới tán rừng. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, xã đặt mục tiêu hết năm nay độ che phủ rừng đạt 90%, nâng dần diện tích rừng tự nhiên và giảm bớt diện tích rừng trồng. Địa phương cũng vận động bà con tích cực bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây bản địa mang tính bền vững để lâu dài tạo ra các tín chỉ carbon đưa ra thị trường.
“Cây gỗ rừng tự nhiên sẽ tạo giá trị tín chỉ carbon nhiều nhất, khi Nhà nước thực hiện Nghị định về tín chỉ carbon rừng thì những vùng rừng tự nhiên mới có thể đánh giá được tín chỉ carbon, còn các loại rừng trồng keo 5 năm thu hoạch 1 lần sẽ trở thành vùng đất trắng. Bà con hiện nay có ý thức, đưa ra các ý tưởng muốn được hỗ trợ từ chương trình bảo vệ và phát triển rừng. Nếu sau này Nhà nước thực hiện chi trả tín chỉ carbon rừng thì đem lại nguồn kinh phí lớn cho bà con, những người có ý thức trong quản lý và bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Quang Huy cho hay.
Rừng phòng hộ ở huyện Quảng Trạch có hơn 12.600 ha với nhiều loại cây bản địa quý giá. Hơn 20 năm trước, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người dân vào rừng chặt gỗ to đem bán, củi nhỏ dùng để đun nấu, cây rừng thưa dần, nhiều nơi rừng bị cạo trọc. Thiên tai, hạn hán tàn phá, cuộc sống người dân quanh vùng lại càng khó khăn bội phần. Từ ngày rừng dẻ tái sinh, tình trạng hạn hán vào mùa khô, lũ lụt, ngập úng vào mùa mưa giảm đáng kể. Ông Lê Ngọc Duẩn, Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ Quảng Trạch cho biết, bảo vệ những cánh rừng cây bản địa tạo hành lang xanh, môi trường xanh và cũng là nguồn tạo tín chỉ carbon rừng đáng kể.
“Rừng phòng hộ đầu nguồn Quảng Trạch cây chủ yếu là dẻ tái sinh. Những năm 1990 trở về trước, bà con lên phát rẫy trồng lúa nên toàn bộ đều đất trống đồi trọc. Khi có chủ trương bảo vệ khu vực rừng này, hiện nay khu rừng dẻ đã dần hồi sinh”, ông Lê Ngọc Duẩn cho hay.
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình trồng mới 9.000 ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán nhằm tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng tại Quảng Bình đạt 68%, đứng thứ 2 cả nước. Trồng rừng và bảo vệ rừng là 2 nhiệm vụ quan trọng đễ giữ gìn độ che phủ, giữ màu xanh của rừng. Theo lộ trình, đến năm 2025, vùng rừng trồng nguyên liệu của tỉnh Quảng Bình có hơn 100.000 ha, trong đó, diện tích rừng gỗ lớn trên 16.200 ha. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và được chi trả khoảng 235 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tỉnh Quảng Bình được chi trả hơn 82,4 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Các nội dung chi trả bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; Hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên; Các biện pháp lâm sinh; Hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; Hoạt động quản lý.
Ông Mai Văn Minh cho biết thêm, tham gia thị trường tín chỉ carbon rừng giúp các chủ rừng nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ, mở ra cơ hội mới để người dân phát triển kinh tế bằng cách giữ rừng: “Rừng tự nhiên mà bảo vệ tốt thì vẫn kinh doanh được, ngoài việc thu nguồn lợi dưới tán rừng thì vẫn kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đây là vấn đề mà ngành nông nghiệp rất quan tâm. Để hướng tới thị trường carbon năm 2025, chúng tôi điều tra, đánh giá trữ lượng để có số liệu tương đối chính xác, sau đó thương lượng với các tập đoàn, tổ chức mua bán tín chỉ này để bán, nếu bán được giá có thể đưa về nguồn thu rất tốt”.
Một số hình ảnh tại cánh rừng:
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giu-rung-them-xanh-post1068098.vov