Giữ vững mặt trận thông tin đối ngoại, đẩy lùi thông tin xấu, độc

Việc 'mượn' những sự kiện ngoại giao nổi bật để làm cớ xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta là thủ đoạn không mới nhưng hết sức thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến trưng bày các văn kiện hợp tác giữa 2 nước ngày 14-4. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến trưng bày các văn kiện hợp tác giữa 2 nước ngày 14-4. Ảnh: TTXVN

Gần đây, trên lĩnh vực ngoại giao, các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của các chuyến thăm, làm việc của các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam; cũng như các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tại các nước; những hoạt động đối ngoại liên quan đến kinh tế, thương mại, văn hóa...

Xuyên tạc các hoạt động ngoại giao nổi bật

Mới đây, báo chí trong nước đăng tải nhiều thông tin về Quốc tang của đồng chí Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào trong 2 ngày 4 và 5-4. Trên nhiều nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị “mượn” dịp này để xuyên tạc rằng “đây là một cách ngoại giao của Đảng - ngoại giao quốc tang”, “bắt nhân dân để quốc tang mà chẳng người dân nào biết là ai”… Bên dưới những bài viết này có nhiều tài khoản mạng xã hội thả biểu tượng đồng tình (like), hoặc cợt nhã (haha).

Đồng chí Khamtay Siphandone là người bạn vô cùng gần gũi, thân thiết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, luôn quan tâm và có nhiều công lao to lớn, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong suốt thời gian qua. Đồng chí mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn đối với đất nước Lào và quan hệ Việt Nam - Lào. Các thông tin xuyên tạc về sự kiện đau buồn - quốc tang một người có đóng góp to lớn cho mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam - Lào, không chỉ thể hiện nhận thức kém cỏi của các thế lực thù địch, mà còn cho thấy mưu đồ ra sức chống phá đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Trên lĩnh vực kinh tế, dư luận trong nước cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm đến chính sách áp thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ. Trước động thái chưa từng có tiền lệ cả trong và ngoài Hoa Kỳ, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam, lại có không ít thông tin trên mạng xã hội xuyên tạc với giọng điệu hả hê như: “Việt Nam đáng bị trừng phạt” hay ví von đây là “đòn đánh mượt như lụa”...

Hay trước thông tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 14 đến 15-4, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại ra sức tung ra những thông tin xuyên tạc, sai sự thật nhằm lèo lái dư luận.

Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều biến động, khó lường, các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu cuối cùng của những “chiến dịch” truyền thông xấu, độc trên mặt trận ngoại giao không gì khác là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại

Có thể khẳng định, trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Từ các nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng đến thực tiễn hoạt động đối ngoại sinh động, hiệu quả, được dư luận quốc tế đánh giá cao, đã và đang khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới, Thường trực Chính phủ đã triệu tập cuộc họp khẩn để đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp thích ứng. Đặc biệt, nhiều cuộc họp, làm việc, điện đàm đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thực hiện, để trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ rào cản thuế quan mà chính quyền Hoa Kỳ đặt ra, đảm bảo hài hòa lợi ích 2 phía. Cụ thể, ngay tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump, với kết quả tích cực. Cụ thể hóa kết quả cuộc điện đàm, đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam do Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 10-4 đã có các cuộc làm việc tốt đẹp với Chính phủ Hoa Kỳ để đi đến thống nhất sẽ tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại song phương giữa 2 quốc gia. Tiếp đó, ngày 12-4, Chính phủ thành lập đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.

Đối với Trung Quốc - quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cách đây đúng 75 năm, mối quan hệ song phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, trong bài viết Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên trì, nhất quán ưu tiên hàng đầu, quyết tâm cùng Đảng và Nhà nước Trung Quốc phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hạnh phúc của nhân dân 2 nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của toàn nhân loại”.

Tích cực, chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng xã hội, các thông tin sai trái, tin giả, độc hại xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội thì công tác thông tin đối ngoại đã được Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh nhằm để nhân dân ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng đắn nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đối ngoại.

Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 15-6-2023 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới đã xác định quan điểm: công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng thời động viên sự tham gia tích cực của nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế...

Tại Đồng Nai, trong Hội nghị Sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình Phối hợp giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh với Đài Phát thanh và truyền hình Đồng Nai và Báo Đồng Nai vào cuối năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực đã, đang và dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn, xung đột, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh thông tin, thậm chí chiến tranh thông tin ngày càng gay gắt. Bối cảnh đó, Đảng ta cũng đã xác định “Phát huy vai trò tiên phong… xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Kết luận số 57 là cơ sở vững chắc để chúng ta cụ thể hóa thực hiện; đồng thời, cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề cho lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân, thông tin đối ngoại. Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, thông tin đối ngoại để gửi gắm, truyền tải thông tin, góp phần tạo được sự đồng thuận, từ đó mới nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế phục vụ cho mục tiêu phát triển…

Lâm Viên - Nhật Hạ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/giu-vung-mat-tran-thong-tin-doi-ngoai-day-lui-thong-tin-xau-doc-2472bdc/