Giữ vững mối liên kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng Việt Nam
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt cho thấy sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.
Chia sẻ tại Hội nghị "Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.
“Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, với tinh thần đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp vượt khó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp phát triển thị trường trong nước lồng ghép với Cuộc vận động của ngành Công Thương đã mang lại hiệu quả tích cực trong tình hình mới, không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn, kiểm soát được giá cả trên thị trường. Những giải pháp này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường, ngay cả trong tình huống có nhiều địa phương cùng lúc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế, rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất trong thời gian trước đây là do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước do các quy định về phòng dịch, hạn chế lưu thông và tiêu dùng hàng hóa.
Sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng và các hoạt động lưu thông, do đó sản xuất dần được phục hồi và ổn định trở lại. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã kiểm soát tương đối hiệu quả tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 và tháng 11/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi so với tháng trước cũng như tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn. Một số ngành công nghiệp như ô tô, cơ khí, thép… được dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ các chính sách tích cực của Nhà nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Công nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước tại địa phương để tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh. Kịp thời phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các hướng dẫn, quy định này nhằm tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.