Giữ vững mục tiêu tăng trưởng thương mại

(Báo Quảng Ngãi)- Theo đánh giá của Sở Công thương, trong 3 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng thương mại đảm bảo kế hoạch nhưng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn. Hiện tại, các doanh nghiệp (DN) đang tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường và giữ vững mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Thị trường thiếu ổn định

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch năm và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 16,8 nghìn tỷ đồng (tăng 9%); dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt khoảng 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 16%); du lịch đạt khoảng 10,7 tỷ đồng (tăng 9%); dịch vụ tiêu dùng khác đạt khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng gần 14%).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng ở một số sản phẩm chủ lực thiếu ổn định. Cụ thể, bia giảm xuống còn khoảng 47 triệu lít (giảm 19%); thép dự kiến đạt khoảng 1,2 triệu tấn (giảm 8,8%); bánh kẹo các loại giảm xuống còn khoảng 2.588 tấn (giảm 2,2%); sản phẩm may mặc giảm xuống còn khoảng 3,6 triệu cái (giảm 2,6%). Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường giảm; riêng sản phẩm thép chịu tác động lớn từ nhu cầu tiêu thụ của các thị trường trên toàn thế giới.

Sản phẩm thép cuộn chất lượng cao tại Nhà máy sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất). Ảnh: TN

Sản phẩm thép cuộn chất lượng cao tại Nhà máy sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất). Ảnh: TN

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong quý I/2025 phản ánh những khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa của DN tại tỉnh. Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 dự kiến đạt khoảng 233 triệu USD (giảm 4,4% so với tháng 2 và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 3 tháng đầu năm, dự kiến đạt khoảng 675 triệu USD (giảm 2,8%), đạt 24,6% kế hoạch năm. Một số sản phẩm cụ thể sụt giảm như tinh bột mì ước đạt 32 triệu USD, giảm 36%; đồ gỗ ước đạt 1,6 triệu USD, giảm gần 21%; dăm gỗ nguyên liệu giấy ước đạt 23 triệu USD, giảm gần 18%; may mặc ước đạt 22 triệu USD, giảm 21%; hàng thực phẩm chế biến ước đạt 0,8 triệu USD, giảm gần 44%; sản phẩm cơ khí ước đạt 7,3 triệu USD, giảm 68,7%. Đặc biệt, sản phẩm dầu FO ước đạt 14,3 triệu USD, giảm 12%; thép ước đạt 200 triệu USD, giảm 30%...

Theo phân tích của Sở Công thương, sản phẩm thép có kim ngạch xuất khẩu giảm là do ảnh hưởng chung của tình hình xuất nhập khẩu của thép Việt Nam. Sản phẩm này hiện đang đối mặt với lượng lớn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ra thị trường, đã và đang gây áp lực giảm giá thép, ảnh hưởng đến giá và sản lượng xuất khẩu thép của tỉnh. Còn về sản phẩm tinh bột mì, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ năm 2024 là do ảnh hưởng của việc cạnh tranh về giá đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Nỗ lực trụ vững trước khó khăn

Theo Sở Công thương, trong 3 tháng qua, tiêu thụ của sản phẩm cơ khí đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là giảm gần 69%. Nguyên nhân là do DN sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng hiện chưa xuất hàng; tinh bột mì giảm 36% do ảnh hưởng của việc cạnh tranh về giá khốc liệt kéo dài từ những tháng cuối năm 2024 đến nay và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiện nay, Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực triển khai các giải pháp để giúp các DN ngành thép, tinh bột mì, may mặc thoát khỏi khó khăn, trụ vững trước những thách thức mới từ thị trường thế giới. Hàng loạt các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là chống bán phá giá để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hoạt động sản xuất trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang được triển khai. Chính phủ cũng đang nghiên cứu, ban hành một khung pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi phòng vệ thương mại hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giúp DN vượt qua cơn sóng bất ổn từ thị trường.

Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng và giúp DN đứng vững trước khó khăn thì Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời, cần kích cầu tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm chất lượng do DN trong tỉnh sản xuất để giúp họ trụ vững ngay trên “sân nhà”. Về phía DN cũng cần kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng cạnh tranh về giá không có lợi cho mình.

Điều quan trọng là DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa sản xuất theo quy trình khép kín; chủ động tái cơ cấu và tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm giảm giá thành tạo năng lực cạnh tranh tốt nhất trên thị trường.

THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202504/giu-vung-muc-tieu-tang-truong-thuong-mai-d884938/