Giữ vững niềm tin
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, lớn mạnh cùng đất nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, đặc biệt là uy tín đối với đơn vị được kiểm toán. Không còn tâm lý e ngại như trước đây, nhiều đơn vị đã dần thay đổi tư duy, chủ động 'đặt hàng' kiểm toán và coi đây là một cơ hội để rà soát, chấn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị trực thuộc giữ vững phương châm “An toàn - Uy tín” để thực hiện yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ảnh: TL
Tính đến tháng 01/2025, đã có 86,5% kiến nghị xử lý tài chính của KTNN trong giai đoạn 2021-2025 được thực hiện. Con số này thể hiện rõ tính khả thi, sát thực tiễn của các kiến nghị và uy tín của KTNN trong việc tăng cường kỷ luật tài chính, sử dụng tài sản công.
Những “đơn đặt hàng” với Kiểm toán nhà nước
Tháng 02/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hải Phòng đã có Công văn đề nghị KTNN kiểm toán Dự án Goldenland 5 và việc xác định giá đất của một số dự án trên địa bàn. Văn bản nêu rõ, đây là dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao và thủ tục pháp lý phức tạp. Mặc dù các dự án này đã được kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định nhưng Thành phố vẫn mong muốn KTNN “vào cuộc” nhằm bảo đảm hiệu quả, minh bạch trong quản lý chi phí đầu tư.
Tiếp đó, tháng 7/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị KTNN kiểm toán các dự án đầu tư công trên địa bàn; đồng thời nhấn mạnh vai trò của kiểm toán trong việc đánh giá tình hình sử dụng ngân sách và tài sản công.
Cũng trong năm 2024, UBND TP. Hà Nội đề nghị KTNN kiểm toán 27 dự án liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. “Trong số này, có nhiều dự án trọng điểm như Thành phố thông minh hay Khu đô thị Đông Anh. Những thông tin kiểm toán sẽ là căn cứ để Thành phố đánh giá lại nguồn lực, kịp thời khắc phục thiếu sót, giải quyết tồn đọng các dự án chậm triển khai và tránh lãng phí nguồn lực đất đai” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kỳ vọng.
Liên quan đến đề xuất này, ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - chia sẻ: “Lần đầu tiên Hà Nội chủ động đề nghị kiểm toán nội dung liên quan đến đất đai trong bối cảnh Thành phố đang thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Vì vậy, chúng tôi rất cần những thông tin khách quan từ KTNN để rà soát, điều chỉnh lại công tác quản lý, điều hành cho phù hợp”.
Không chỉ năm 2024, nhiều năm trước đó, KTNN cũng đã nhận được văn bản đề nghị kiểm toán từ các Bộ, ngành, địa phương. Các chuyên gia cho rằng, việc ngày càng nhiều Bộ, ngành, địa phương chủ động gửi văn bản đề nghị KTNN vào cuộc cho thấy không ít đơn vị được kiểm toán đã thực sự tin tưởng và đánh giá cao vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Giá trị thiết thực từ những phát hiện và kiến nghị
Không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của các Bộ, ngành, địa phương, trước những đề nghị kiểm toán, lãnh đạo KTNN đều đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm toán và tổ chức triển khai đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực chuyên môn. Đơn cử, năm 2025, thực hiện đề nghị của UBND TP. Hà Nội, KTNN đã lựa chọn kiểm toán 12 dự án tại các địa bàn trọng điểm về bất động sản dựa trên mức độ phức tạp, quy mô đầu tư cũng như tiềm ẩn rủi ro trong quản lý đất đai.
Không chỉ tổ chức các cuộc kiểm toán để hỗ trợ Bộ, ngành, địa phương giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, với vai trò, chức năng theo luật định, hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và hằng năm đảm bảo khoa học, chất lượng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập cho đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính khoảng 763.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đối với trên 2.300 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý do không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Ông Lê Đình Thăng - Trưởng Ban Dân vận và Tuyên giáo Đảng ủy KTNN, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho rằng: Kết quả kiểm toán của KTNN không chỉ cung cấp thông tin phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mà còn mang lại giá trị thiết thực cho đơn vị được kiểm toán. Những phát hiện kịp thời, đúng đắn từ KTNN giúp các đơn vị tự điều chỉnh và hoàn thiện quy trình quản lý tài chính, kế toán một cách nền nếp và hiệu quả hơn.
Từ phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng đánh giá: Việc kiểm toán, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng, trong đó có KTNN giúp công tác quản lý của Bộ ngày càng nền nếp, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao hơn. Theo ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, KTNN đã giúp Thành phố kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý tài chính, ngân sách; đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả trong sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. KTNN đã và đang trở thành “người bạn đồng hành” với các địa phương, các đơn vị trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Giữ vững phương châm “An toàn - Uy tín”
Đất nước đang đứng trước bộn bề nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các địa phương, Bộ, ngành, trong đó có các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tại cuộc họp vào cuối tháng 3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm toán các địa phương có dự án sử dụng ngân sách lớn nhưng chậm tiến độ, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát cao. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã đề nghị KTNN kiểm toán Ngân hàng Phát triển Việt Nam để có thông tin phục vụ việc báo cáo Bộ Chính trị trong giai đoạn tái cơ cấu Ngân hàng này. Những chỉ đạo, đề nghị trên một lần nữa khẳng định KTNN là kênh thông tin tin cậy, có giá trị tham chiếu cao trong hoạch định chính sách kinh tế - tài chính và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Để thực hiện những yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị trực thuộc giữ vững phương châm “An toàn - Uy tín”, lưu ý một số nội dung trọng tâm năm 2025, trong đó tiếp tục không kiểm toán các dự án nhóm A có khối lượng thực hiện dưới 30%; dự án nhóm B và C có khối lượng thực hiện dưới 50% tổng mức đầu tư tại thời điểm lập, trình kế hoạch kiểm toán tổng quát. Yêu cầu này thể hiện rõ quyết tâm đổi mới cách thức triển khai kiểm toán theo hướng chọn lọc, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có tác động lớn đến tài chính công.
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử đầy tự hào của toàn dân tộc, quyết tâm đổi mới đó và nguyên tắc khách quan, chuyên nghiệp thôi thúc toàn Ngành thực hiện “chất lượng, chất lượng và chất lượng hơn nữa” các cuộc kiểm toán. Đây là cơ sở để KTNN giữ vững niềm tin, “chữ tín” với các Bộ, ngành, địa phương, viết tiếp truyền thống hơn 30 năm vì nền tài chính quốc gia kỷ luật, kỷ cương, minh bạch và bền vững, góp sức cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/giu-vung-niem-tin-39776.html