Giữa bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu của Thanh Hóa vẫn tăng trưởng hơn 21%
Hiện nay hoạt động xuất khẩu của các nhóm hàng chủ lực của Thanh Hóa vẫn được duy trì tốt, như trong tháng 4, nhiều sản phẩm tiếp tục tăng so với cùng kỳ như: thịt súc sản; chả cá surimi; dăm gỗ; dệt may; giầy dép; xi măng...

Ảnh minh họa
Theo Sở Công thương Thanh Hóa, trong tháng 4/2025, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do chưa bị tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt hơn 603 triệu USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 16,9% so với cùng.
Trong tháng 4, nhiều nhóm hàng xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng so với cùng kỳ như: thịt súc sản; chả cá surimi; dăm gỗ; dệt may; giầy dép; xi măng; nông sản đóng hộp, các sản phẩm sau lọc hóa dầu … Lũy kết 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Hiện nay hoạt động xuất khẩu của các nhóm hàng chủ lực vẫn được duy trì tốt.
Tuy nhiên, những tác động từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng đang khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ có thể giảm xuất khẩu do nhu cầu thị trường yếu đi, xu hướng tăng bảo hộ thương mại, chi phí logistics, rủi ro lãi suất và tỷ giá tăng cũng như khả năng bị áp thuế cao hơn.
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng chủ lực của tỉnh Thanh Hóa như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... đều có xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Do vậy, việc Mỹ giảm mức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam xuống còn 10% trong 90 ngày có ý nghĩa tích cực đối với các doanh nghiệp.
Trước mắt, các doanh nghiệp đang duy trì xuất khẩu các đơn hàng đã thỏa thuận từ trước. Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục tìm cách gia tăng lợi thế cạnh tranh về giá, về năng lực đáp ứng đơn hàng lớn và sản xuất nhanh để giữ thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ.
Thanh Hóa hiện có 304 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ở 68 thị trường với 55 nhóm ngành, lĩnh vực như giày dép, may mặc, nông sản, vật liệu xây dựng... Đơn hàng xuất khẩu cho năm 2025 của nhiều nhóm ngành hàng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết các đơn hàng hết quý II, quý III, thậm chí có doanh nghiệp đã ký hết quý IV/2025.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa dự báo quý II/2025 hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc Mỹ áp thuế đối ứng. Nhằm đảm bảo mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 8 tỷ USD trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Hiện ngành công thương đang theo dõi diễn biến thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam, nhằm kịp thời tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Trong lúc chờ đợi đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, ngành công thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu.
Công ty cổ phần Dụng cụ thể thao Delta ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất bóng thể thao và gia công hàng may mặc chủ yếu quần áo thể thao xuất đi 32 nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hungari, Braxin, Đan Mạch, Pháp..., trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 60%.
Theo đại diện công ty cho biết, để ứng phó với tình trạng Mỹ áp thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, hiện công ty cùng với phía đối tác vẫn đang trong quá trình đàm phán dựa vào tình hình của hai quốc gia. Công ty cũng đang xúc tiến, mở rộng sang các thị trường khác. Bởi ngoài thị trường Mỹ, công ty còn nhiều đối tác khác ở 30 nước trên thế giới.
Ngoài ra, để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan, nhiều doanh nghiệp chọn phương án đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán để chia sẻ rủi ro về thuế có thể xảy ra sau thời hạn 90 ngày. Đồng thời chú trọng khâu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chủ động chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một thị trường.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình, cho biết: "Hàng dệt may có những quy định, tiêu chí rất cụ thể đối với từng mặt hàng, trong đó các doanh nghiệp khi nhập nguyên liệu tốt nhất nên nhập nguyên liệu thô, ví dụ như vải xúc rồi các công đoạn cắt, ghép phải thực hiện ở Việt Nam. Nếu nhập bán thành phẩm cần phải cảnh giác và liên hệ trước với cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ để hướng dẫn tiêu chí xuất xứ để tạo điều kiện tốt hơn trước".