Giữa đồn đoán Trung Quốc-Pakistan mời gọi nước thứ 3 tham gia CPEC, Ấn Độ cảnh báo
Ngày 26/7, Ấn Độ ra tuyên bố phản đối sự tham gia của bên thứ ba vào dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Trong tuyên bố chính thức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nêu rõ: "Chúng tôi đã chứng kiến những thông tin về việc khuyến khích sự tham gia của các bên thứ ba vào cái được gọi là các dự án CPEC. Bất kỳ hành động nào như vậy của bất kỳ bên nào đều trực tiếp xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ".
Theo quan chức ngoại giao trên, "Ấn Độ kiên quyết và nhất quán phản đối các dự án trong cái gọi là CPEC, vốn nằm trong lãnh thổ Ấn Độ đã bị Pakistan chiếm đóng bất hợp pháp. Những hoạt động như vậy vốn dĩ là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được và sẽ bị Ấn Độ xử lý tương ứng".
Trung Quốc và Pakistan hiện chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Ấn Độ. Đối với New Dehli, mối quan hệ hợp tác song phương giữa Bắc Kinh và Islamabad thông qua CPEC - một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - là mối đe dọa cho thương mại và an ninh của Ấn Độ.
Trước đó vào ngày 23/7, có thông tin cho rằng, Pakistan và Trung Quốc đã khuyến khích các bên thứ ba giam gia vào các dự án CPEC.
Nhóm công tác chung của CPEC về hợp tác và điều phối quốc tế đã tổ chức cuộc họp vào ngày 22/7. Tại đây, văn phòng đối ngoại đã ra tuyên bố nêu rõ: "Là một nền tảng mở và bao trùm, hai bên hoan nghênh các nước thứ ba quan tâm hưởng lợi từ các kênh hợp tác cùng có lợi do CPEC mở ra".
CPEC được thành lập vào năm 2013 nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và năng lượng của Pakistan bên cạnh việc kết nối cảng biển nước sâu Gwadar với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
CPEC là trọng tâm chính của BRI đầy tham vọng của Trung Quốc, nhằm mục đích giới thiệu lại các mạng lưới thương mại lịch sử bằng cách tạo ra Con đường Tơ lụa ngày nay nối với Nam và Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.