Giữa 'hoạn nạn', Huawei Việt Nam thay Giám đốc mảng smartphone

Huawei Việt Nam vừa bất ngờ thông báo đã thay đổi Tổng giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng (CBG)...

 Tân Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam chụp ảnh cùng ca sĩ Chi Pu tại sự kiện khai trương cửa hàng mới của Huawei.

Tân Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam chụp ảnh cùng ca sĩ Chi Pu tại sự kiện khai trương cửa hàng mới của Huawei.

Huawei Việt Nam vừa bất ngờ thông báo đã thay đổi Tổng giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng (CBG), theo đó ông Cheng Jiangfei trở thành tân Tổng giám đốc, thay cho ông Henry Liu.

Tân Tổng giám đốc Cheng Jiangfei được giới thiệu là người có nhiều kinh nghiệm tại Huawei với tổng thời gian làm việc tại tập đoàn này là 12 năm. Gần đây nhất ông Cheng Jiangfei có ba năm làm việc tại Singapore với vị trí tương đương. Trước đó ông cũng có thời gian làm việc tại Pháp, Maroc.

Nhóm kinh doanh tiêu dùng (CBG) của Huawei Việt Nam chuyên phụ trách kinh doanh các sản phẩm smartphone, máy tính bảng và các sản phẩm tiêu dùng của Huawei.

Khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Huawei CBG Việt Nam vào khoảng tháng 9/2017, ông Henry Liu từng tuyên bố Huawei đặt mục tiêu vào top 2 hãng di động lớn nhất tại Việt Nam vào năm 2020. Nhưng nay, tham vọng này của Huawei có lẽ khó hơn gấp nhiều lần.

Hiện tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang gặp khó chưa từng có trong lịch sử khi trở thành "tâm bão" trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Huawei bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc là làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc để thực hiện tham vọng trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu, điều mà hãng luôn phủ nhận. Nhiều năm qua, Huawei bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ trong những vụ kiện bởi các công ty Mỹ như Cisco Systems, Motorola và T-Mobile.

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh được cho là sẽ cấm Huawei và một nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông Trung Quốc khác là ZTE bán thiết bị cho Mỹ. Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đã đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm cấm công ty này giao dịch kinh doanh với các công ty Mỹ.

Phản ứng trước động thái trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhiều công ty đã tuyên bố cắt quan hệ với Huawei dù có thêm thời hạn 3 tháng trước khi chấm dứt giao dịch với tập đoàn này.

Theo thống kê của Business Insider, hiện đã có tới hơn 10 công ty lớn đã và chuẩn bị (có khả năng) ngừng hợp tác với Huawei, gồm Google, Facebook, Qualcomm, Intel, Panasonic, Arm (hãng thiết kế con chip của Anh), Vodafone, EE (nhà mạng di động của Anh), Telefonica, Three (đang xem xét), và Microsoft.

Tại Việt Nam, thị phần của điện thoại của Huawei vẫn còn chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn, tuy nhiên lệnh cấm trên ngay lập tức cũng đã ảnh hưởng tới hoạt động của thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

Bởi theo hai hệ thống bán lẻ lớn nhất là Thế Giới Di Động và FPT Shop, doanh số bán hàng của Huawei tại hai hệ thống này đã bị suy giảm, tuy nhiên theo Thế Giới Di Động và FPT Shop, mức độ là không quá nghiêm trọng.

Công ty Chứng khoán VNDirect thậm chí trong một báo cáo còn cho rằng, FPT Shop và Thế Giới Di Động (MWG) có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho lô hàng smartphone hiện tại của Huawei với quy mô tối đa khoảng 110 tỷ đồng cho MWG và 40 tỷ đồng cho FPTshop (lượng tồn kho ước tính của các sản phẩm Huawei đối với mỗi nhà bán lẻ với giả định 30 ngày tồn kho).

Thủy Diệu

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/giua-hoan-nan-huawei-viet-nam-thay-giam-doc-mang-smartphone-20190623160346131.htm