Giữa 'mùa đông khắc nghiệt' của ngành thép, thù lao của các sếp Hòa Phát tăng đột biến
Ngành thép thế giới đang trong 'mùa đông khắc nghiệt' và Hòa Phát cùng các nhà sản xuất thép trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Mặc dù vậy, mức thù lao, lương thưởng của các lãnh đạo Hòa Phát trong nửa đầu năm 2024 tăng đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ.
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Ngoài những chỉ tiêu chính về tình hình kinh doanh, mức thù lao chi trả cho ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng là điểm khiến nhiều người bất ngờ.
Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2024, Hòa Phát đã chi tổng cộng 112 tỷ đồng cho các sếp và cán bộ chủ chốt, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, gần như toàn bộ số tiền này tập trung chi trả thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Cụ thể, tổng số tiền chi cho HĐQT trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 106 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại, Hòa Phát có 9 thành viên trong HĐQT, bao gồm ông Trần Đình Long, ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Doãn Gia Cường, ông Hoàng Quang Việt, ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Nguyễn Việt Thắng, ông Chu Quang Vũ và ông Đặng Ngọc Khánh.
Trong khi các thành viên HĐQT nhận được khoản thù lao lớn, lương thưởng của Ban Giám đốc lại khá khiêm tốn. Cụ thể, tổng số tiền chi cho Ban Giám đốc chỉ khoảng 2,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Ban Kiểm soát cũng nhận được số tiền lương và thù lao khiêm tốn, với tổng chi phí chưa đến 2 tỷ đồng.
Đối với nhân viên, tính đến hết quý II/2024, Hòa Phát có 31.643 nhân viên, tăng 2.692 người so với đầu năm. Trong nửa đầu năm 2024, Tập đoàn đã chi gần 97 tỷ đồng cho nhân viên bán hàng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi phí cho nhân viên quản lý doanh nghiệp đạt hơn 207 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Nửa đầu năm 2024, Hòa Phát đạt 70.408 tỷ đồng doanh thu, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 6.188 tỷ đồng, gần gấp 3,4 lần so với số lãi 1.831 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm 2023.
HPG từ lâu đã được giới đầu tư gọi với biệt danh “cổ phiếu quốc dân” do sở hữu lượng cổ đông đông đảo nhất trên sàn chứng khoán. Điều này minh chứng cho tầm ảnh hưởng lớn của Hòa Phát trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán tính từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu HPG lại liên tiếp bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất và chiếm quá nửa giá trị bán ròng trên thị trường với 2.500 tỷ đồng.
Trong tháng 8, HPG liên tục đứng đầu trong danh sách bị đẩy bán mạnh, đây cũng là tháng mà HPG chứng kiến việc khối ngoại "xả hàng" nhiều nhất kể từ khi niêm yết. Trước đó trong tháng 3/2022, khối ngoại xả bán ròng nhiều nhất với gần 2.000 tỷ đồng.
Sang phiên giao dịch đầu tháng 9, khối ngoại vẫn tiếp đà bán ròng cổ phiếu HPG với giá trị 108 tỷ đồng. Đến phiên sáng 5/9, mã này tiếp tục bị bán ròng nhưng đã hạ nhiệt với giá trị hơn 52 tỷ đồng, qua đó kéo dài chuỗi bán ròng 22 phiên liên tiếp.
Áp lực từ khối ngoại cũng đẩy giá cổ phiếu HPG lùi về vùng giá thấp nhất từ đầu năm. So với đỉnh 28 tháng đạt được hồi tháng 6, thị giá mã này đã giảm 15% xuống 25.250 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 5/9.
Vốn hóa thị trường theo đó cũng giảm hơn 27.000 tỷ đồng xuống 161.500 tỷ đồng (tương đương 6,5 tỷ USD). Điều này đồng nghĩa với việc Hòa Phát không còn trong top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành thép thế giới đang trong "mùa đông khắc nghiệt" và Hòa Phát cùng các nhà sản xuất thép trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Giá thép thanh tương lai giảm về quanh mức 3.000 CNY/tấn, vùng giá thấp nhất trong vòng 8 năm, kể từ năm 2016. Tương tự, giá thép tấm cuộn cán nóng (HRC) cũng rơi xuống vùng đáy 4 năm, dưới 700 USD/tấn.
Giá thép thế giới giảm mạnh sau khi chỉ số PMI sản xuất chính thức của Trung Quốc bất ngờ giảm xuống 49,1 vào tháng 8, ghi nhận mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, chỉ số PMI xây dựng của Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cũng đã giảm xuống 50,6 qua đó ghi nhận mức tăng trưởng hoạt động yếu nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2020.
Các chỉ số cho thấy sự suy giảm triển vọng về nhu cầu thép tại Trung Quốc. Các nhà máy tại Trung Quốc đã chuyển sang khách hàng nước ngoài để bù đắp nhu cầu trong nước. Điều này làm tăng thêm áp lực giảm giá đối với mặt hàng thép.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước như Hòa Phát đang chờ đợi quyết định của Bộ Công thương liên quan đến các cuộc điều tra chống bán phá giá để kỳ vọng làm giảm bớt phần nào áp lực lên thị trường nội địa. Trọng tâm của các cuộc điều tra là HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, tôn mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam lại nhận thông tin không vui khi Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Mặc dù vậy, các công ty chứng khoán vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh của HPG sẽ tiếp tục hồi phục nhờ động lực từ thị trường bất động sản trong nước và đẩy mạnh đầu tư công.
Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), dựa trên cơ sở kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HPG tiếp tục được cải thiện với đóng góp từ thép xây dựng trong nước và biên lợi nhuận gộp dự được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm.
Theo bảng xếp hạng Profit 500 - Top doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2024 do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây, cũng cho thấy Hòa Phát đạt lợi nhuận trước thuế năm 2023 ở mức 7.800 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức gần 10.000 tỷ đồng năm 2022 và Hòa Phát không còn nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.