Giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Những năm qua, huyện Thuận Châu luôn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, trong đó 24 xã vùng III đặc biệt khó khăn, có 6 dân tộc cùng sinh sống. Chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, huyện đã thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra mô hình thâm canh chè tại xã Chiềng Pha.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kiểm tra mô hình thâm canh chè tại xã Chiềng Pha.

Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân phát huy ý chí tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo. Với sự quan tâm đầu tư phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 23,77%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 12,94%.

Khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung, như: Vùng chè tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Mường É, Phổng Lập; vùng cây cà phê tại các xã Nậm Lầu, Bản Lầm, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Chiềng Pha; vùng xoài tại xã Mường Khiêng, Bó Mười, Liệp Tè; nhãn tại xã Chiềng Ngàm, Liệp Tè, Mường Khiêng; khoai sọ tại xã Chiềng Ly, Muổi Nọi, Nậm Lầu, Chiềng Bôm; sơn tra, cây dược liệu tại 6 xã vùng cao; nuôi thủy sản tại các xã vùng dọc sông Đà.

Bên cạnh đó, huyện còn lồng ghép các chương trình, dự án, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đề án 666, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương... Nhờ vậy, nhân dân trong huyện được cải thiện về đời sống, nhà ở và điều kiện sinh hoạt. Giai đoạn 2019-2023, huyện đã hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 390 hộ nghèo; hơn 900 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được vay vốn chuyển đổi nghề. Hỗ trợ cá giống, bê giống cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha ở 4 xã Nong Lay, Chiềng La, Chiềng Pha, Liệp Tè, tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phát triển sản xuất và sinh kế cho 504 hộ gia đình dân tộc La Ha. Có 5.959 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 822 tỷ đồng.

Người dân xã Liệp Tè ký nhận bàn giao giống bê.

Người dân xã Liệp Tè ký nhận bàn giao giống bê.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình ông Lò Văn Toán, bản Heo Trại, xã Chiềng Pha, đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả. Tháng 6/2023, ông Toán tiếp tục vay 100 triệu đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ông cho biết: Nhờ có vốn vay chính sách mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Với hơn 1 ha cà phê vụ vừa qua, gia đình thu lãi 40 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 1ha cây cà phê.

Tháng 5 vừa qua, 331 hộ đồng bào dân tộc La Ha tại xã Liệp Tè được hỗ trợ bê giống, cá giống, tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng. Bình quân hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, gồm: Chi phí mua giống, vật tư, thẩm định giá và các chi phí phát sinh trong đấu thầu. Bê giống có trọng lượng từ 84 kg trở lên, không bị dị tật, được bấm số tai để theo dõi, quản lý. Được hỗ trợ bê giống từ dự án, chị Quàng Thị Hương, bản Kia, xã Liệp Tè, chia sẻ: Đây là điều kiện để gia đình tôi phát triển kinh tế. Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc La Ha chúng tôi.

Người dân xã Liệp Tè nhận bê giống.

Người dân xã Liệp Tè nhận bê giống.

Là đơn vị cung ứng giống, ông Nguyễn Ngọc Tuân, cán bộ thú y, Công ty cổ phần Thương mại Duy Khánh, thành phố Sơn La, thông tin: Bê giống trước khi bàn giao đã được cách ly và tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Trong 30 ngày, kể từ ngày giao, nếu bê giống chết vì nguyên nhân mắc bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, nhà thầu sẽ có trách nhiệm bảo hành. Quá trình bàn giao, đơn vị cung ứng đã hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi.

Thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển, huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và các xã tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống đồng bào DTTS, xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Triển khai hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia; lựa chọn cây, con giống phù hợp hỗ trợ người dân xây dựng mô hình kinh tế... Phấn đấu năm 2025, huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

Hiền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te-Uhp5Fj8Ig.html