Giúp học sinh tìm hiểu văn hóa, lịch sử thông qua các lễ hội xuân
Giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Thông qua các môn học tích hợp, hoạt động ngoại khóa và đặc biệt là việc tìm hiểu các lễ hội đầu xuân, học sinh không chỉ được tiếp cận với những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương mà còn nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
![Học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tham gia các hoạt động tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ năm 2024](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_437_51444624/28df6cf658b8b1e6e8a9.jpg)
Học sinh các trường học trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tham gia các hoạt động tại Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ năm 2024
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 trường phổ thông với trên 150.000 học sinh. Những năm qua, xác định được tầm quan trọng của việc bồi đắp tư tưởng, tình cảm của học sinh đối với lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tiến hành biên soạn bộ “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lạng Sơn” đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 280 lễ hội truyền thống đặc sắc được tổ chức gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa. Mỗi lễ hội mang một sắc thái riêng, nhưng tựu chung đều nhằm tôn vinh những nhân vật có công với quê hương, đất nước...
Theo đó, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm tại các lễ hội, không gian lễ hội trở thành một lớp học sinh động, nơi các em không chỉ nghe mà còn trực tiếp chứng kiến và cảm nhận những giá trị văn hóa, lịch sử. Tiêu biểu có thể kể đến như: Trường THPT Đình Lập đã phối hợp tổ chức tiết học trải nghiệm "Ngược dòng lịch sử" tìm hiểu về lễ hội đình Háng Slấp tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội gắn liền với di tích lịch sử đình Háng Slấp, nơi thờ Lý Quốc Công – một vị tướng tài ba có nhiều công lao với địa phương. Cô Vi Thị Khuyên, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: Chúng tôi mong muốn thông qua những buổi trải nghiệm thực tế, các em không chỉ tiếp nhận kiến thức mà còn nuôi dưỡng niềm tự hào và ý thức bảo tồn di sản văn hóa.
Cùng với việc tham gia lễ hội, nhiều trường học còn lồng ghép các hoạt động tham gia bảo tồn di sản cho học sinh. Tại huyện Tràng Định, hằng năm có 17 lễ hội truyền thống gắn liền với các di tích được tổ chức. Để giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh, một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa tại các điểm di tích, góp phần hình thành ý thức trách nhiệm đối với di sản quê hương. Em Nông Văn Khánh, học sinh lớp 8, Trường THCS I Đại Đồng, thị trấn Thất Khê chia sẻ: "Trước đây em chỉ nghĩ đi hội chỉ để vui chơi, dâng hương, đi lễ, nhưng sau khi được thầy cô hướng dẫn tìm hiểu, em hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa của lễ hội. Em thấy tự hào hơn về quê hương và thấy rằng bảo tồn lễ hội truyền thống là một việc làm rất quan trọng".
Ông Đặng Hồng Cường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Những hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về truyền thống quê hương mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản. Thông qua các tiết học trải nghiệm, tham gia lễ hội, tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách sinh động mà còn hình thành tình yêu đối với những giá trị văn hóa lâu đời. Sự kết hợp giữa giáo dục trong nhà trường và thực tiễn đời sống địa phương đã giúp các em học sinh thêm hiểu và yêu lịch sử hơn. Đây cũng chính là mục tiêu mà ngành giáo dục hướng đến.
Trong những ngày đầu xuân năm 2025 này, các trường học đặc biệt chú trọng đến việc lồng ghép giáo dục văn hóa, lịch sử vào các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Nhiều trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập thực tế tại các di tích; mời các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa nói chuyện chuyên đề; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lễ hội truyền thống. Qua đó, không chỉ giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế sinh động mà còn góp phần bồi đắp lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm trong học tập và gìn giữ di sản quê hương. Đây là hướng tuyên truyền, giáo dục cần thiết để thế hệ trẻ hiểu, càng thêm trân trọng và tích cực góp phần phát huy những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại.