Giúp người trẻ hiểu đúng về truyền thống thờ cúng

Đúc kết từ hơn 20 năm trực tiếp hướng dẫn nghi thức thờ cúng và những việc liên quan đến văn hóa tâm linh, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã đưa ra những hướng dẫn thực hành nghi lễ dễ hiểu, dễ làm mà vẫn đảm bảo ý nghĩa và giá trị cốt lõi cổ truyền trong cuốn sách 'Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành'.

 Cuốn sách "Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành"

Cuốn sách "Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành"

Cuốn sách Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - Nghi lễ và thực hành do NXB Thế giới ấn hành. Sách gồm 5 chương: Khái quát về đặc điểm, tính chất nghi lễ thờ cúng cổ truyền Việt Nam, Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, Nghi lễ tại gia theo lễ tiết trong năm, Nghi lễ thờ cúng vòng đời người, Một số nghi lễ thờ cúng quan trọng khác.

Trong đó, ở chương 1, tác giả đưa ra định nghĩa, nguồn gốc, phân loại hoạt động thờ cúng, đồng thời tổng kết nên những nguyên tắc và tính chất cơ bản của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền. Tại đây, các lời hỏi - đáp tuy vắn tắt nhưng giúp làm sáng tỏ những cách hiểu sai thường thấy về hoạt động thờ cúng.

Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng gây không ít sai lầm, lúng túng với nhiều người: Thờ là gì? Cúng là gì? Cúng và thờ khác nhau thế nào? Một bài văn lễ cần đảm bảo những nội dung gì? Đồ lễ gồm những gì? Có thể cúng hoa khô, hoa giả được không? Nên dùng hoa gì để cúng lễ? Thắp hương nên thắp mấy nén? Đốt vàng mã sao cho đúng?...

Trả lời được những câu hỏi này giúp người trẻ hiểu đúng về truyền thống thờ cúng, tránh tình trạng giản lược hóa hoặc "tam sao thất bản", dẫn đến những mất mát hoặc sai lệch về nội dung, ý nghĩa mà các thế hệ cha anh đã gây dựng.

Hình ảnh trong cuốn sách

Hình ảnh trong cuốn sách

Ở các chương sau đó, khi giới thiệu về từng hoạt động nghi lễ cụ thể, tác giả nhấn mạnh lý giải từ nguồn gốc, đặc điểm, tính chất của nghi lễ, qua đó làm cơ sở đi đến hướng dẫn thực hành sao cho phù hợp nhất, có ý nghĩa nhất.

Chẳng hạn, bàn về lễ dâng sao giải hạn, một nghi lễ rất phổ biến và tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt, không ít người cho rằng đây là một hình thức có tính chất lạc hậu, phi khoa học. Tuy nhiên, thông qua giải thích về nguồn gốc có trong quan niệm dân gian và chỉ ra giá trị cốt lõi về tâm linh, tinh thần vốn in sâu trong tâm thức người Việt, tác giả đã làm nổi bật ý nghĩa nhân văn của nghi lễ này. Qua đó hướng dẫn mỗi người, mỗi gia đình có thể tự thực hiện một cách chân tâm, giản dị và tiết kiệm nhất.

Một điểm đặc biệt của các bài văn khấn, văn lễ trong cuốn sách này là, dựa trên văn khấn cổ truyền của cha ông (vốn là các bài đã có từ lâu, sử dụng nhiều từ cũ, từ Hán Việt có phần trúc trắc, khó hiểu), tác giả soạn lại văn khấn với lối hành văn hiện đại, thuần Việt nhưng vẫn đảm bảo được sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt lẫn nội dung cốt lõi của các bài khấn. Qua đó, cuốn sách giúp cho bạn đọc, nhất là giới trẻ, biết sử dụng các bài văn khấn bằng tiếng mẹ đẻ một cách nhuần nhụy và trong sáng, làm tăng thêm phần trịnh trọng và thành tâm khi tự mình dâng lễ tổ tiên, ông bà.

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giup-nguoi-tre-hieu-dung-ve-truyen-thong-tho-cung-20250125123928298.htm