Giúp nhau phát triển kinh tế

Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai rộng khắp thời gian qua đã góp phần làm đổi thay diện mạo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, một bộ phận đối tượng thụ hưởng vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại và rất dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo. Việc tham gia có trách nhiệm, trong đó tạo sinh kế ổn định được xem là giải pháp căn cơ giúp các hộ DTTS nhận thức đầy đủ về chủ trương để từ đó phấn đấu vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Thụ hưởng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, ngoài căn nhà đại đoàn kết, gia đình ông Lô Văn Thắng ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng còn được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, máy cắt cỏ để tạo sinh kế phát triển kinh tế lâu dài. Đặc biệt, chỉ sau thời gian ngắn tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế do địa phương vận động thành lập, công việc cắt cỏ, xịt thuốc, cắt cành, tạo tán cây trồng với các nông cụ hỗ trợ đã giúp ông có thu nhập tương đối ổn định.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Nhau có việc làm thường xuyên hơn với thu nhập khá ổn định nhờ tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Nhau có việc làm thường xuyên hơn với thu nhập khá ổn định nhờ tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế

Ông Thắng cho biết: Làm theo mô hình tập thể rất thuận tiện. Công ty, doanh nghiệp, bà con khi có nhu cầu, tùy số lượng tổ sẽ bố trí người hỗ trợ nên công việc hoàn thành nhanh hơn so với một người làm. Ngày công lao động cũng được 200-300 ngàn đồng, tùy theo công việc.

Mô hình giúp nhau phát triển kinh tế ở thôn Đắk Liên bước đầu thành lập có 10 thành viên là các hộ nghèo, cận nghèo DTTS của địa phương. Với các nông cụ máy cắt cỏ, xịt thuốc được Nhà nước hỗ trợ, các thành viên được hướng dẫn những kỹ thuật cần thiết, đồng thời giới thiệu công việc phù hợp mang tính thường xuyên để cải thiện thu nhập lâu dài.

Ông Hoàng Văn Nguyên ở thôn Đắk Liên chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Từ ngày được Nhà nước cấp bò, dụng cụ sản xuất, rồi giới thiệu việc làm, đời sống của gia đình đã đỡ hơn rất nhiều”.

Những hộ nghèo, cận nghèo trình độ văn hóa thấp, sau khi được hỗ trợ sinh kế, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế là nơi tập hợp, giới thiệu việc làm giúp bà con từng bước nâng cao chất lượng lao động, đời sống. Ví như trước đây thu nhập 5 triệu đồng/tháng thì nay nâng lên 6-7 triệu đồng/tháng, các hộ dân yên tâm gắn bó với mô hình.

Ông Nguyễn Văn Dần, Trưởng thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau

Năm 2023, thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh và từ nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Đắk Nhau đã giảm 142 hộ nghèo, trong đó có 110 hộ DTTS. Từ thành công bước đầu của mô hình vận dụng, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đang tiến hành nhân rộng, đồng thời, xây dựng thêm các mô hình chăn nuôi tập thể. Qua đó khơi dậy, phát huy nguồn nhân công nhàn rỗi còn khá lớn trong các hộ DTTS tại địa phương.

“Địa phương tích cực tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia mô hình kinh tế tập thể. Qua quá trình triển khai, mô hình nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên, phát huy sức lao động của từng cá nhân phục vụ phát triển kinh tế gia đình” - ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau thông tin thêm.

Đắk Nhau có tỷ lệ đồng bào DTTS hơn 50%. Trong năm 2023, với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành; sự cố gắng, nỗ lực của các hộ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 1,77%. Việc xây dựng những mô hình phù hợp không chỉ giúp tận dụng, phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ mà còn góp phần nâng cao nhận thức người dân, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ đó nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

T.Cảnh - T.Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/151745/giup-nhau-phat-trien-kinh-te