Giúp thí sinh vượt vũ môn thành công
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày, 27 và 28/6. Toàn tỉnh có 10.170 thí sinh đăng ký dự thi. Nhằm giúp thí sinh vượt vũ môn thành công, các thầy cô là những giáo viên giàu kinh nghiệm trong chuyên môn giảng dạy và luyện thi THPT đã dành cho các em nhiều lời khuyên hữu ích, gợi mở những bí quyết để làm bài thi thật tốt; nhất là ở những môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ...
Cô Phan Thị Lê Hoa, Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn trường THPT Cà Mau: “Cần trình bày mạch lạc, rõ ràng, lấy dẫn chứng từ thực tiễn cuộc sống”
Cấu trúc đề thi Ngữ văn sẽ có 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm). Ðể các em có thể làm bài thi đạt kết quả cao nhất, cô Lê Hoa lưu ý, ở phần đọc hiểu, các em dành khoảng thời gian 15-20 phút cho 4 câu hỏi theo cấp độ tư duy nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
“Nguyên tắc thông hiểu, các em phải trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, nếu câu trả lời có nhiều ý thì trả lời bằng cách gạch đầu dòng. Ðối với câu nhận biết, trả lời chính xác theo kiến thức đã học, tránh dài dòng, lạc đề”, cô Lê Hoa nhấn mạnh.
Theo cô, ở câu vận dụng cũng phải trình bày mạch lạc, từng ý, từng câu, điều đặc biệt các em trả lời phải hướng tới phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, đúng với quan điểm của Ðảng, Nhà nước. Phần này không nên viết dài, chỉ cần 5-7 câu.
Phần làm văn, viết đoạn nghị luận xã hội, dành thời gian từ 20-25 phút. Bước đầu tiên là đọc kỹ đề để xác định yêu cầu của đề và hướng tới xác định đúng vấn đề. Các em phải viết đảm bảo dung lượng đoạn văn 200 chữ. Khi viết, chú ý liên kết mạch lạc giữa các câu trong các đoạn văn và dẫn chứng trong đoạn này phải là dẫn chứng tiêu biểu, lấy từ thực tế cuộc sống.
Phần nghị luận văn học đòi hỏi phải nắm vững kiến thức, như thông tin về tác giả; hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng chủ đạo của mỗi tác phẩm; chủ đề, giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm cũng như đặc sắc về nghệ thuật. Tiếp đến là phải nắm được kỹ năng phân tích một đoạn thơ, kỹ năng phân tích truyện ngắn, tùy bút, bút ký...
Cô Lê Hoa lưu ý thêm: “Khi ôn tập nên ghi lại các luận điểm chính của từng bài, hoặc sử dụng sơ đồ tư duy, gồm có những luận điểm, luận cứ; ôn tập theo chủ đề từng thể loại, như vậy sẽ giúp các em nhớ lâu hơn”.
Phần khó nhất là câu vận dụng cao, viết đoạn nghị luận xã hội và phần nghị luận văn học. Trong nghị luận văn học thông thường có 2 yêu cầu chính và phụ để phân hóa học sinh. Do đó, các em muốn đạt điểm giỏi để xét đại học nên bổ sung thêm những kiến thức về lý luận văn học, triển khai dựa theo yêu cầu, tránh viết chung chung.
Thầy Lê Hữu Ðức, Tổ trưởng Tổ Toán, trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: “Tự tin, bình tĩnh, quyết đoán khi làm bài thi Toán”
Ðể làm tốt các bài thi, đặc biệt là môn Toán, các em cần nắm vững một số kiến thức nền tảng để có thể đảm bảo làm được các câu mức độ vừa phải.
Cụ thể, về đại số, các em cần nắm các dạng toán cơ bản vận dụng các công thức, kỹ năng để giải quyết đề.
Về hàm số và đồ thị, các em cần nắm vững về hàm số, hàm đa thức, hàm phân thức bậc nhất, trên bậc nhất, hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số logic; các tính chất liên quan đến đồ thị như tính đồng biến, nghịch biến, tính cực trị, giá trị lớn nhất, nhỏ nhất và nhận dạng được đồ thị cũng như sự tương giao giữa các đồ thị.
Về nguyên hàm và tích phân, cần nắm vững các nguyên hàm cơ bản, cũng như các hàm nguyên hàm, hàm hợp, rồi ứng dụng của các tích phân vào tính diện tích hình phẳng, thể tích của cái khối tròn xoay.
Về số phức, các em cần nắm vững các phép toán trên tập số phức và các phương trình bậc 2 hệ số thực.
“Ðối với mảng hình học không gian, đây là mảng khá khó, đặc biệt là ở các câu vận dụng để tính góc khoảng cách, các em cần nắm vững các dạng bài tập về hình, các hình đặc biệt như hình chóp, hình lăng trụ cũng như các hình khối, khối nón, khối trụ và khối cầu”, thầy Ðức lưu ý.
Theo thầy Ðức, các em cần rèn luyện tính cẩn thận, kỹ năng tính toán chính xác được các dạng bài cơ bản để tiết kiệm thời gian, hướng tới các câu vận dụng cao hơn. Các em cần luyện tập nhiều đề thi thử để quen với cái format của đề thi và nâng cao tốc độ giải đề.
“Có phương pháp học tập hiệu quả, ôn luyện khoa học và hợp lý trong thời gian nước rút; với những kiến thức nền tảng và kỹ năng này, các em hoàn toàn có thể tự tin để giải quyết được những câu ở mức độ vừa phải”, thầy Ðức nhắc nhở.
Riêng những câu thuộc dạng điểm 8, 9, 10, ở mức độ vận dụng và vận dụng cao hơn, thầy Ðức khuyên các em nên sắp xếp thời gian làm bài hợp lý. Bởi môn Toán thi 90 phút, những câu hỏi thuộc dạng nhận biết và thông hiểu phải cố gắng thực hành làm nhiều để phân chia tốt thời gian. Ưu tiên làm những câu dễ, không nên dành nhiều thời gian cho một câu hỏi, nếu cảm thấy câu khó thì làm câu khác trước, còn thời gian sẽ quay lại.
“Nên đọc kỹ đề bài, tránh nhận dạng sai câu hỏi. Các em nên sử dụng phương pháp loại trừ đáp án, sử dụng máy tính để hỗ trợ tính toán, và điều đặc biệt quan trọng là nên giữ bình tĩnh, tự tin, quyết đoán khi làm bài”, thầy nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, trường THPT Hồ Thị Kỷ: “Các em cần có kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm làm bài cho 12 phần của bài thi Tiếng Anh”
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay là năm cuối cùng thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006; cũng là năm cuối cùng các em thi môn Tiếng Anh với tư cách là môn thi bắt buộc, vì từ năm 2025 trở đi, môn học này sẽ trở thành môn thi tự chọn theo nhu cầu lựa chọn ngành nghề và khối thi của các em.
Ðể đạt được kết quả tốt ở môn thi này, cô Mỹ Dung lưu ý, các em cần trang bị cho mình những kiến thức trọng tâm được rút ra từ đề tham khảo năm 2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo; tham khảo thêm ma trận và đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của 3 năm gần nhất. Kế đến là, cần rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng đọc, vì đây là kỹ năng có số câu chiếm khoảng 30% trong đề thi.
Theo cô Mỹ Dung, đối với môn Tiếng Anh, kỹ năng làm bài đóng vai trò rất quan trọng. Ðề thi môn Tiếng Anh khác với đề các môn khác ở chỗ đề có tới 12 yêu cầu, tương đương với 12 phần. Do đó, các em cần có kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm làm bài cho từng phần. Ví dụ như, kỹ năng để làm các dạng câu hỏi của bài đọc hiểu; kỹ năng để tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa; kỹ năng để nhận diện lỗi sai; cách chọn câu có nghĩa tương đương...
“Ðể làm tốt những điều này, các em cần phải nắm được ma trận của đề thi, phải biết được trong từng dạng bài có các chuyên đề nào, cấp độ ra sao... từ đó rút ra phương pháp làm bài cho từng câu hỏi một cách phù hợp nhất”, cô Mỹ Dung chia sẻ.
Một điều cô Mỹ Dung đặc biệt lưu ý là, hạn chế sửa tới sửa lui những câu đã chắc chắn tìm được đáp án. Trong lúc làm bài, câu nào cần suy nghĩ thêm thì các em đánh dấu lại, nếu dư thời gian sẽ quay lại những câu hỏi đó, còn những câu khác chỉ cần kiểm tra lại là đã tô đúng đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Ðiều quan trọng nữa là, các em cần phải thật bình tĩnh, tự tin, tinh thần luôn sáng suốt, minh mẫn để đưa ra được sự lựa chọn đúng đắn, tránh bị sao lãng, phân tâm trong lúc làm bài.
“Có sức khỏe mới có thể làm bài hiệu quả và đảm bảo phong độ làm bài; các em cần phải có thời gian biểu học phù hợp, tránh học dồn, thức quá khuya vào giai đoạn sát ngày thi, vì như vậy sẽ không đảm bảo được sức khỏe, dễ bị buồn ngủ trong lúc thi, ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi”, cô Mỹ Dung khuyên./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giup-thi-sinh-vuot-vu-mon-thanh-cong-a32956.html