Giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách

Thiếu nhi tham gia các hoạt động về sách tại Thư viện tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Cha mẹ là những người có vai trò rất lớn trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách của con trẻ. Thế nhưng, việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều bậc phụ huynh chưa dành sự quan tâm đúng mức để hình thành thói quen đọc sách cho con.

Đừng để con trẻ phải sợ sách

Vợ chồng anh Đoàn Văn Thông ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) vào TP Hồ Chí Minh làm việc kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Vì vậy, vợ chồng anh không có nhiều thời gian ở bên đứa con trai mới học lớp 2 và giúp con hình thành thói quen đọc sách. Anh Thông lo lắng khi con mình có dấu hiệu sợ đọc sách, luôn lẩn tránh mỗi khi cha mẹ, ông bà yêu cầu.

Anh Thông chia sẻ: “Tôi vẫn biết, hình thành được thói quen đọc sách từ nhỏ sẽ rất tốt. Tuy nhiên, vợ chồng tôi bận rộn với công việc, lại ở xa nên không có thời gian tạo lập tình yêu sách cho con. Gần đây, tôi có đặt mua sách về cho con đọc, nhưng cứ lấy sách ra là con nước mắt ngắn, nước mắt dài...”.

Một thực tế hiện nay là trẻ em dành nhiều thời gian để xem điện thoại, chơi các trò chơi điện tử, xem ti vi hơn là ngồi đọc sách. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, trăn trở, trong đó có vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa). Hiện vợ chồng chị Linh có 2 đứa con. Con trai lớn học lớp 8, con gái nhỏ học lớp 3. Vì hai vợ chồng tất bật với công việc, ít có thời gian kèm cặp con cái nên hai đứa con của họ phải tự giác bảo nhau học hành. “Có lần vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với các con, chúng nói rằng, đọc sách không thú vị như xem ti vi, chơi điện thoại. Vì vậy, tôi muốn tách con khỏi các thiết bị điện tử qua việc cho con tiếp cận với sách. Tuy nhiên, do chúng tôi không hình thành thói quen đọc sách cho các con từ nhỏ nên cả hai con đều không thích đọc sách. Đây là điều mà vợ chồng tôi rất trăn trở”.

Với những trẻ đã có thói quen đọc sách, ba mẹ cũng không vơi bớt được nỗi lo. Anh Trần Ngọc Quý ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) luôn băn khoăn với chất lượng sách. Anh kể không ít lần con lựa trúng sách có nội dung sai lệch, không đúng với lứa tuổi các con. “Các thành viên trong gia đình tôi rất thích đọc những cuốn sách như Đắc nhân tâm, Hạt giống tâm hồn... Nhưng hiện nay trên thị trường, sách bị làm giả rất nhiều. Những quyển sách giả thường chất lượng giấy kém, chữ nhòe và sai chính tả, gây ra hiểu lầm về nội dung và người đọc sẽ bị sai lệch trong việc thu nhận thông tin. Lâu dần khiến người đọc cảm thấy không còn hào hứng với sách”, anh Quý thổ lộ.

Chơi mà học, học mà chơi

Các nghiên cứu giáo dục cho rằng, lười đọc sách khiến tâm hồn trẻ dần khô cứng với thế giới xung quanh. Vì vậy, cha mẹ nên xem việc cho trẻ chơi với sách và đọc sách cùng con là một thói quen. Đừng quá áp lực, coi đọc sách là một phương pháp giáo dục. Cha mẹ hãy nghĩ rằng đọc sách là một điều bình thường và đương nhiên phải có trong cuộc sống của trẻ. Nếu con không thích đọc thì cha mẹ sẽ đọc cho con nghe, dần dần tạo thói quen và trẻ sẽ thích thú với sách.

Theo bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người; ở mỗi lứa tuổi, lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Ở lứa tuổi học sinh, việc hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách rất bổ ích, lý thú sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cần đọc sách để cập nhật kiến thức, thông tin nhằm trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp tránh bị lạc hậu trong thời đại hiện nay.

Vì vậy, để giúp trẻ tiếp cận với nhiều sách hay trong mùa hè một cách thoải mái, Thư viện tỉnh đã tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm và hội thi Gia đình đọc sách với chủ đề Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương. Đặc biệt là chương trình Trang sách mùa hè năm 2022 với chủ đề Hè vui khỏe - An toàn với COVID-19 từ nay cho đến ngày 20/8/2022. “Các hoạt động của thư viện nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong thanh thiếu niên và học sinh; tạo môi trường thuận lợi để các em tiếp cận với sách báo, củng cố, mở rộng kiến thức, giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương đất nước; nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tổ chức một cách đa dạng, phù hợp, sinh động, hấp dẫn nhằm để lại ấn tượng tốt cho thiếu nhi và cộng đồng”, bà Huệ cho biết.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/280266/giup-tre-hinh-thanh-thoi-quen-doc-sach.html