Gõ cửa thành công thị trường Ý, nông dân Sơn La nối dài hành trình 'vươn biển lớn' cho trái thanh long

Mới đây, tại huyện Thuận Châu (Sơn La), 5 tấn thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha và 27 hộ dân ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái chính thức lên đường xuất khẩu theo diện 'visa chính ngạch' sang thị trường Ý.

Cây thanh long ruột đỏ “bén rễ” ở Thuận Châu mới khoảng hơn 1 thập kỷ, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng, cùng tư duy mới của các hộ sản xuất, đặc biệt là sự tham gia của các HTX trong vai trò dẫn dắt sản xuất, tiêu thụ, đang giúp loại “siêu trái cây” này liên tục cho hiệu quả cao.

Nối dài hành trình xuất khẩu

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, huyện Thuận Châu tiến hành xây dựng chuỗi cho sản phẩm thanh long ruột đỏ, tạo cơ chế để nông dân, HTX liên kết với HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (huyện Mai Sơn) cung ứng giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Chuỗi liên kết sản xuất thanh long là 1 trong 8 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện Thuận Châu. Đến nay, toàn huyện có 50 ha thanh long ruột đỏ, trong đó 44 ha được liên kết theo chuỗi, tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lăng, Mường É.

Thanh long Sơn La đang xuất khẩu thành công sang nhiều nước từ Á sang Âu.

Thanh long Sơn La đang xuất khẩu thành công sang nhiều nước từ Á sang Âu.

Theo UBND huyện Thuận Châu, năm 2024, sản lượng thanh long thu hoạch trên toàn huyện ước đạt trên 500 tấn, giá bán bình quân từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Thuận Châu là địa phương có diện tích trồng quả thanh long ruột đỏ lớn của tỉnh Sơn La, năng suất bình quân đạt từ 10 đến 15 tấn/ha.

Để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương, tập trung hướng dẫn người dân, HTX, tổ hợp tác chăm sóc thanh long theo hướng chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cánh cửa xuất khẩu.

Trước đó không lâu, tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu cũng xuất khẩu thành công 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga. Việc có “visa chính ngạch” sang châu Âu đang góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm, mở lối thoát nghèo, làm giàu cho nông dân Thuận Châu.

Không chỉ ở Thuận Châu, trái thanh long sau nhiều năm bén duyên với vùng đất Sơn La đang phát triển mạnh, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương.

Điển hình như tại Mai Sơn, cây thanh long ruột đỏ đã và đang khẳng định vị thế cây trồng chủ lực, được mở rộng liên kết trồng đến một số địa phương trong tỉnh, giúp nhiều hộ nông dân trở thành tỷ phú.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Hiện, trên địa bàn huyện Mai Sơn có hàng trăm ha trồng thanh long, trong đó hơn 50 ha đã cho thu hoạch. Mai Sơn đang là huyện đứng đầu về diện tích trồng thanh long của tỉnh Sơn La.

HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng tại xã Nà Bó đang là “lá cờ đầu” trong sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị tại Mai Sơn, với gần 100 ha canh tác. Để nâng cao giá trị, HTX đã liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu trồng thanh long theo hướng chất lượng cao, sản lượng mỗi năm đạt trên 2.500 tấn.

Các hộ trồng thanh long ở đây đã ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha/năm. Với giá bán trung bình 20.000-22.000 đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Thanh long đang trở thành cây kinh tế chủ lực, xóa nghèo, làm giàu cho nông dân Sơn La.

Thanh long đang trở thành cây kinh tế chủ lực, xóa nghèo, làm giàu cho nông dân Sơn La.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết để quả thanh long đủ điều kiện xuất khẩu, HTX đã tuyên truyền các thành viên kiểm soát toàn bộ quy trình, từ khâu chăm bón đến cắt tỉa cành để tạo nên sản phẩm tốt, an toàn, đồng thời lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm.

Quả thanh long của HTX Ngọc Hoàng nói riêng và của nông dân Sơn La nói chung khi xuất khẩu sang thị trường các nước từ châu Á sang châu Âu luôn đảm bảo các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng và được kiểm dịch thực vật, mẫu mã đẹp, đồng đều.

“Năm nay, niềm vui lớn của thành viên HTX là quả thanh long ruột đỏ tiếp tục tiêu thụ tốt tại thị trường truyền thống Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ... Cùng với đó, HTX thu mua thêm 2.000 tấn xoài, chế biến xoài sấy dẻo xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Vinh chia sẻ.

Có thể nói, cây thanh long trong những năm qua đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp các hộ dân Sơn La phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Theo thống kê, đến nay tỉnh Sơn La có 300 ha thanh long trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Mộc Châu..., với sản lượng trung bình đạt 5.000 tấn/năm.

Hình thành chuỗi giá trị bền vững

Sản phẩm thanh long Sơn La đã khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và chinh phục thành công nhiều thị trường quốc tế như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,... Đây chính là động lực để Sơn La tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long theo hướng bền vững.

Để tiếp tục mở rộng thị trường, Giám đốc HTX Ngọc Hoàng Nguyễn Quang Vinh cho hay, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, HTX sẽ chủ động kết nối, duy trì với các bạn hàng, thương lái, những người kinh doanh online trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa.

Sự chủ động, linh hoạt của HTX trong việc tiêu thụ sản phẩm giúp người dân yên tâm phát triển diện tích cây trồng này, thúc đẩy chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ quả thanh long, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Đáng chú ý, HTX đang đẩy mạnh chế biến sâu, trong đó đang thử nghiệm chế biến bột thanh long...

Cùng với thanh long, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La cũng chủ động phát triển bền vững các loại cây trồng khác. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 293 mã số vùng trồng xuất khẩu; duy trì, phát triển 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; công nhận 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 27 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp bằng bảo hộ đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.

Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước, 17 sản phẩm nông sản thế mạnh đã xuất khẩu thành công sang thị trường 21 nước. Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị sản phẩm quả tham gia xuất khẩu đạt 34,2 triệu USD, tăng 4,43% so với năm 2023.

Minh Khuê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/go-cua-thanh-cong-thi-truong-y-nong-dan-son-la-noi-dai-hanh-trinh-vuon-bien-lon-cho-trai-thanh-long-1101082.html