Gỡ điểm nghẽn cao tốc

Mặc dù được xây dựng để tạo ra mạng lưới giao thông tốc độ cao nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một số đoạn cao tốc tại phía Nam đang trở thành điểm nghẽn kẹt xe. Việc giải quyết dứt điểm tình trạng này thời gian tới không chỉ giúp hệ thống cao tốc thông suốt, mà còn nâng cao năng lực khai thác các tuyến đường khác.

Cần nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc trên cao tốc phía Nam. Ảnh: Đ.Xá.

Cần nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc trên cao tốc phía Nam. Ảnh: Đ.Xá.

Cao tốc thường xuyên ùn tắc

Thường xuyên di chuyển từ An Giang lên TPHCM để chở hàng thủy sản bằng xe tải, anh Nguyễn Văn Hòa, 43 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn, TPHCM) cho biết, thời gian này tuyến đường cao tốc từ miền Tây lên TPHCM thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe, đặc biệt là khu vực địa bàn Long An, TPHCM gần nút Chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TPHCM).

“Tôi thường chở tôm, cá từ Long Xuyên lên trên Bình Chánh với quãng đường chừng hơn 200km. Có hôm đi từ dưới Long Xuyên lên tới nút Chợ Đệm mất gần 3 tiếng đồng hồ nhưng lại mất khoảng 1 tiếng để qua nút Chợ Đệm. Từ nút này tới chợ Bình Điền cũng chỉ 3km nhưng cũng mất thêm 1 tiếng nữa vì xe đông, nhích từng tí một” - anh Hòa cho biết.

Theo anh Hòa, trục cao tốc TPHCM đi các tỉnh miền Tây hiện liền mạch khoảng 150km, đi qua các địa phương như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ. Dù vậy, trục cao tốc này có một số điểm nghẽn thường xuyên xảy ra ùn tắc là cửa ngõ vào TPHCM. Nhiều lúc dòng phương tiện kéo dài tới vài cây số khu vực nút ra khỏi cao tốc có tín hiệu đèn giao thông, mất nhiều thời gian để di chuyển. Ngoài ra, việc ùn tắc còn xuất hiện tại thời điểm có tai nạn trên cao tốc, nhất là khu vực có 2 làn xe. Tùy từng vụ tai nạn nhưng tình trạng này xuất hiện khá nhiều và việc giải quyết hậu quả của mỗi vụ tai nạn cũng phải mất vài giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, nút giao ở TPHCM với trục cao tốc đi miền Tây chưa phải là điểm ùn tắc duy nhất, bởi tại nút An Phú (TP Thủ Đức), điểm đầu của trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng này còn khủng khiếp hơn. Do đường cao tốc liền mạch từ nút giao An Phú tới TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có khoảng cách hơn 400km nên rất nhiều tài xế lựa chọn con đường này, khiến nút An Phú ùn tắc gần như mỗi ngày, bởi tại đây đang thi công hầm chui, cầu vượt song song với khai thác giao thông.

Nhiều tài xế ở TPHCM cho biết trong năm qua, khi trục cao tốc từ TPHCM nối liền tới TP Nha Trang, nhiều người tính toán thời gian di chuyển giữa 2 thành phố chỉ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ nhưng vì ùn tắc, hầu hết thời gian đều lên tới 6 - 7 tiếng đồng hồ. Đặc biệt, trục cao tốc khu vực này có thể kết nối vào các địa điểm du lịch nổi tiếng phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt… khiến cho tình trạng ùn tắc cả chiều ngược lại vì lưu lượng phương tiện quá đông.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, không phải tới thời điểm này tình trạng quá tải trên cao tốc mới xuất hiện mà từ 2 - 3 năm trước, các đoạn cao tốc đã ùn tắc dịp cuối tuần, lễ tết. Tuy nhiên, thời gian trước các đoạn cao tốc phía Nam có chiều dài ngắn, chỉ từ vài chục cho tới trăm kilomet nên tài xế có thể lựa chọn đường thay thế (quốc lộ). Còn hiện nay, trục cao tốc đã được nối dài hơn nhiều nên rất ít người chấp nhận đi đường quốc lộ, bởi ưu thế của đường cao tốc là tốt hơn rất nhiều. Đó là nguyên nhân khiến áp lực tại các trục cao tốc gia tăng tỷ lệ thuận với chiều dài.

Hậu quả của tình trạng ùn tắc thường khó đo đếm một cách chính xác nhưng chắc chắn ảnh hưởng nhiều tới giao thông, chi phí vận chuyển, thời gian… Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, đường cao tốc quanh TPHCM có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp như hiện nay là chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên trên cao tốc là do việc lưu thông hỗn hợp, trong đó xe đời cũ, xe chở hàng quá tải trọng chạy chung làn với ô tô 4 chỗ, 7 chỗ. Những xe này chạy khá chậm, khiến những xe khác không thể chạy với tốc độ cao.

Những giải pháp đồng bộ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng các tuyến cao tốc, nhất là đoạn nối vào địa bàn TPHCM là cần thiết và cấp bách.

Thực tế thời gian qua, nhiều đề xuất mở rộng các đoạn cao tốc thường xuyên ùn tắc này đã được lên phương án. Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư với nguồn vốn khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn từ nút giao Vành đai 2 tới Vành đai 3 (trên địa bàn TPHCM) lên 8 làn xe. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 tới nút giao Long Thành (tỉnh Đồng Nai) lên 10 làn xe. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cầu Long Thành để đồng bộ khai thác. Dự án mở rộng sẽ bắt đầu khởi công cuối năm 2025 và hoàn thành sau đó 2 năm.

Trong khi đó, đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương đi các tỉnh miền Tây hiện mới chỉ được Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng, chưa quyết định phương án cụ thể. Tuy nhiên ưu tiên phương án đoạn từ TPHCM tới Trung Lương lên 8 làn xe, từ Trung Lương đi Mỹ Thuận lên 6 làn xe, tăng 2 làn so với hiện tại.

Có thể nói, việc mở rộng các đoạn cao tốc trên là cần thiết, nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng cần hoàn thành thêm các cao tốc trục ngang và đặc biệt là đường Vành đai 3 TPHCM. Theo ghi nhận, hiện nay các đoạn cao tốc hầu hết chỉ ùn tắc và quá tải tại khu vực tiếp giáp TPHCM. Bởi nhiều phương tiện di chuyển Bắc - Nam (và ngược lại) cũng bắt buộc phải qua TPHCM khiến áp lực tăng lên rất nhiều. Do đó, đường Vành đai 3 TPHCM (đi qua Long An, Bình Dương và Đồng Nai) sẽ phân luồng các phương tiện này, giúp giảm tải cho nút giao cao tốc nối với TPHCM.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/go-diem-nghen-cao-toc-10290539.html