Gỡ điểm nghẽn đầu tư công
Sau hơn 1 năm, các vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam, dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ. Từ đó, việc triển khai các dự án đầu tư công sẽ được đẩy nhanh hơn. Đặc biệt, Công điện số 194 của Thủ tướng Chính phủ được coi là cứu cánh khi đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Giá cả leo thang khiến nhiều nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam lâm vào tình trạng khó khăn. Với ngành Giao thông vận tải, “bão giá” đã và đang trở thành rào cản lớn cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó có dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.
Đơn giá không sát thực tế
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đơn giá ban hành không sát thực tế, đặc biệt là các đơn giá có áp dụng thuế môi trường thì giá bán thực tế rất cao so với giá công bố tại địa phương hoặc là có chênh lệch cao giữa giá có thuế với giá chưa thuế.
Ông Hiệp dẫn số liệu cụ thể như địa bàn Đà Nẵng, Sở Xây dựng công bố giá mua đất đồi san lấp tại mỏ đất là: 31.600 đồng/m3 (giá sau thuế từ năm 2019 đến nay), trong khi thực tế giá bán tại mỏ đất san lấp K85 dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/m3, chênh lệch gần 100% so với giá công bố, giá bán đất đắp nền đường K95, K98 còn đắt hơn (gần 100.000 đồng/m3). Hay đơn giá ván khuôn dầm sàn áp dụng tính dự toán từ 110.000 đồng đến 130.000 đồng/m2, thực tế có giá từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/m2, chênh lệch hơn 60%.
Năm 2022, theo thống kê việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 80% dù trong năm này Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ra rất nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị cùng nhiều văn bản để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (3 nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, 5 công điện, 1 chỉ thị).
Vậy năm 2023 này thì sao? Đã có nhiều phương án “giải cứu” các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam khỏi cơn “bão giá”. Đặc biệt, Công điện số 194/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản, đã nêu rõ phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc. Lãnh đạo địa phương tổ chức tuyên truyền tới các chủ đầu tư dự án, nhà thầu, tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ vật liệu về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, pháp luật liên quan, các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng để khai thác khoáng sản đúng quy định, đáp ứng tiến độ, khối lượng của các dự án trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn, thiếu nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.
Tiến độ giải ngân chậm
Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động, tăng cường kết nối vùng, tăng năng lực sản xuất thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Khối lượng giải ngân của năm 2023 rất lớn, tạo nhiều sức ép cho công tác thực hiện đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới có thể phấn đấu giải ngân ít nhất 95% vốn kế hoạch cả năm.
Vậy nhưng theo báo cáo mới nhất, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 3 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đến hiện tại, có tới 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm 2023 chưa cao là do các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán, đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn. Đối với vốn nước ngoài, do nhiều dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm. Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Hóa giải những điểm nghẽn
Theo giới chuyên gia, năm 2023 là năm bản lề rất quan trọng, nếu không có sự đột phá sẽ ảnh hưởng đến kết quả mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2023, tổng vốn từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển được bố trí ở mức rất cao, lên đến 726.700 tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, nhiều giải pháp nhằm hóa giải những điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư công đã được hệ thống lại một cách đầy đủ thành 3 nhóm liên quan đến thể chế, chính sách; công tác tổ chức thực hiện và nhóm khó khăn đặc thù của năm 2022. Trong đó, nút thắt đầu tiên có thể tháo gỡ là nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án.
Về vấn đề này, TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công. Vì quy mô vốn ngân sách nhà nước năm nay có quy mô lớn nhất, nhiều dự án quan trọng đã cơ bản hoàn thành khâu thủ tục và được phân bổ vốn, hiện chỉ còn tập trung vào khâu thực hiện nên có thể hy vọng tốc độ giải ngân sẽ tích cực hơn các năm trước.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng thông tin về đầu tư công phải được công khai minh bạch, công bố thường xuyên. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, bàn giao sớm mặt bằng cho nhà thầu thi công và kiên quyết thu hồi vốn đối với những dự án chậm triển khai để bố trí phân bổ vốn cho những dự án có khả năng thực hiện và thu hút được đầu tư.
Giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Có tới 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Riêng đối với vốn nước ngoài, do nhiều dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Đầu tư công là động lực để thúc đẩy tăng trưởng
Việc triển khai các chương trình phục hồi kinh tế có độ trễ, nhưng đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nhờ vào đầu tư công khi chúng ta đang có tiền trong tay nhưng vẫn chưa tiêu được. Nhìn nhận ở dài hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn sẽ phải ở câu chuyện của thị trường trong nước. Nếu các thủ tục hành chính sớm được tháo gỡ sẽ giúp tạo nguồn lực, khơi dậy hoạt động doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho việc huy động vốn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/go-diem-nghen-dau-tu-cong-5714240.html