Gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực nông thôn mới ở Tây Nguyên

Với phương châm 'Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc', những thành tựu đạt được trong trong xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên sẽ là nền tảng quan trọng để tiếp tục công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì công cuộc xây dựng nông thôn mới phải vừa kế thừa thành quả đã đạt được vừa tháo gỡ khó khăn hiện tại, có giải pháp đột phá trong tương lai, từ đó góp phần đưa buôn làng Tây Nguyên tiến bước cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới dù đem lại những thành tựu nổi bật nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn. Ảnh (tư liệu) minh họa: Hoài Thu/TTXVN

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới dù đem lại những thành tựu nổi bật nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn. Ảnh (tư liệu) minh họa: Hoài Thu/TTXVN

Nhiều điểm nghẽn

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới dù đem lại những thành tựu nổi bật nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách và đặc thù khu vực.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, tỉnh Đắk Lắk có điểm xuất phát thấp; điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều vùng khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới từ Trung ương giai đoạn 2021- 2025 giảm bằng 2/3 so với giai đoạn trước.

Phải thẳng thắn thừa nhận, những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đa phần có đều có nền tảng tốt hơn. Đối với những xã đang xây dựng nông mới sau này là những địa phương gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, năm 2024, lũy kế toàn tỉnh có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm (có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới); quá trình xây dựng nông thôn mới vừa qua cũng gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách và chậm được tháo gỡ. Do đó, chặng đường xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới còn gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị.

Tính đến cuối tháng 11/2024, Kon Tum là một trong hai tỉnh của cả nước chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; cũng là tỉnh có huyện trắng xã nông thôn mới là huyện Tu Mơ Rông. Điều này cho thấy, công cuộc xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, thách thức khi giai đoạn 2021 - 2025 đã sắp kết thúc.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, mặc dù thời gian thực hiện chương trình đã bước sang năm thứ tư của giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên đến nay một số cơ chế, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa kịp thời và thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Hầu hết các xã còn lại của tỉnh chưa đạt chuẩn xã nông thôn mới là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp. Trong khi đối với xã thuộc khu vực III, khu vực II sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thì sẽ là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách an sinh xã hội gây khó khăn cho các địa phương, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong việc phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí cũ nên hiện không giữ vững và duy trì được các tiêu chí. Các địa phương chưa có các giải pháp thiết thực để huy động, tăng cường nguồn lực đầu tư. Một số địa phương, nhất là cấp xã chưa thật sự vào cuộc một cách quyết liệt, chỉ đạo còn chung chung, chưa phát huy sức mạnh của tập thể, hệ thống chính trị để vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới; đặc biệt có tâm lý chưa muốn xã đạt chuẩn nông thôn mới vì lo sợ ảnh hưởng đến chế độ hỗ trợ của Nhà nước.

Hướng đến giai đoạn mới

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Để khắc phục những khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới phải kiên định, kiên trì lan tỏa mô hình hay, các làm tốt, đồng thời tập trung vào nhiều giải pháp.

Trước hết, cả hệ thống chính trị cần ý thức cao về vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới và cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của hằng năm và cả giai đoạn; cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành của tỉnh là những đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới; tuyên truyền và phát huy vai trò chủ thể của người dân vùng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, với vai trò vừa tham gia trực tiếp vừa là đối tượng thụ hưởng.

Đầu tư kết cấu hạ tầng ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Do đó, các địa phương phải lựa chọn xây dựng các công trình phù hợp, mang tính lan tỏa, ngoài vốn Nhà nước phải huy động sức dân, doanh nghiệp… để góp phần có thêm nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nông thôn.

Phát triển kinh tế nông thôn là vấn đề cốt lõi để xây dựng nông thôn mới bền vững. Do đó, các địa phương cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp của vùng theo hướng chuyên canh, tập trung những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã để gắn kết người nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp. Từ đó có những sản phẩm chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp địa phương bền vững và hiệu quả, ông Nguyễn Hoài Dương nhận định.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, để tháo gỡ các điểm nghẽn của hiện tại và tạo thuận lợi trong giai đoạn mới, tỉnh cũng đưa ra một số giải pháp như: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì chương trình và các địa phương trong quá trình tổ chứcthực hiện; kịp thời có giải pháp xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn phải đảm bảo duy trì tiêu chí và hoàn thành các chỉ tiêu về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới…

Tỉnh kiến nghị Chính phủ có cơ chế linh động trong việc quy định ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình, nên quy định tỷ lệ đối ứng tối thiểu 10% bằng với tỷ lệ đối ứng của hai chương trình mục tiêu quốc gia còn lại; có cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn; đối với các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề cần bố trí kinh phí riêng cho từng mô hình…

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, để thuận lợi trong quá trình sử dụng nguồn vốn ngân sách của ba chương trình mục tiêu quốc gia cũng như huy động vốn đóng góp của người dân, doanh nghiệp, cần quy định chung một cơ chế quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tránh mỗi chương trình một cơ chế, quy định riêng như hiện nay.

Tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm rà soát sửa đổi, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng cường phân quyền, phân cấp đối với các tiêu chí mang tính đặc thù của địa phương; tích hợp, lượng hóa các tiêu chí để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện.

Các hộ dân tộc thiểu số tại xã Hơ Moong (Sa Thầy, Kon Tum) chuyển đổi từ cây kém hiệu quả sang trồng chanh dây mang lại thu nhập cao. Ảnh tư liệu: Khoa Chương/TTXVN

Các hộ dân tộc thiểu số tại xã Hơ Moong (Sa Thầy, Kon Tum) chuyển đổi từ cây kém hiệu quả sang trồng chanh dây mang lại thu nhập cao. Ảnh tư liệu: Khoa Chương/TTXVN

Đặc biệt, sớm tháo gỡ, hướng dẫn tỉnh các nội dung vướng mắc liên quan tới việc xây dựng, cải tạo các công trình cơ sở hạ tầng tại các khu vực quy hoạch mỏ bô xít. Tình trạng chồng lấn hiện nay đang khiến các dự án này không thể triển khai dù được thực hiện trên mặt bằng hiện hữu và gắn trực tiếp với khu dân cư. Đây đều là các dự án quy mô nhỏ, thuộc diện thiết yếu, như đường giao thông, nhà văn hóa, trường học… và có ý nghĩa lớn trong việc cải thiện đời sống người dân cũng như thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi của toàn Đảng, toàn dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo cũng như nâng cao đời sống nhân dân ở khắp các buôn làng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình cũng bộc lộ nhiều khó khăn trở thành những điểm nghẽn và chưa được khơi thông. Trước khi kết thúc giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình nhằm có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đồng thời đề ra giải pháp đột phá, phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu quả đầu tư của giai đoạn tiếp theo.

Hơn lúc nào hết, Tây Nguyên đang cần được khơi thông các điểm nghẽn để tạo sức bật mới cho toàn vùng trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tạo bước chuyển mình mạnh mẽ để Tây Nguyên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhóm PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/go-diem-nghen-khoi-thong-nguon-luc-nong-thon-moi-o-tay-nguyen-20250108080726229.htm