Đề xuất dừng vốn ODA với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ xây 8 năm chưa xong
Cần Thơ đề xuất dừng vốn ODA Hungary và muốn Trung ương hỗ trợ hơn 1.300 tỉ đồng ngân sách để tiếp tục xây dựng Bệnh viện Ung bướu, sau khi dự án dừng thi công từ năm 2022 do vướng mắc hợp đồng và thủ tục vay.

Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ vẫn dang dở sau 8 năm khởi công. Ảnh: TL
Tại hội nghị sáng 13-7 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ở thành phố Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu báo cáo tình hình triển khai hai dự án trọng điểm trên địa bàn, trong đó có dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, chinhphu.vn đưa tin.
Theo ông Lâu, dự án được khởi công từ năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 1.727 tỉ đồng, gồm vốn ODA từ Chính phủ Hungary hơn 1.390 tỉ đồng và phần vốn đối ứng từ địa phương khoảng 334 tỉ đồng. Bệnh viện dự kiến hoàn thành cuối năm 2020, quy mô 500 giường bệnh.
Tuy nhiên, sau khi thi công đạt khoảng 80% phần xây dựng thô, dự án đã phải tạm dừng từ tháng 7-2022. Nguyên nhân là do hợp đồng EPC và hiệp định vay vốn ODA đã hết hiệu lực, trong khi liên danh nhà thầu Hungary liên tục đề nghị thay đổi thiết bị ngoài hợp đồng, không đảm bảo tỉ lệ 50% hàng hóa có xuất xứ từ Hungary, khiến dự án phải điều chỉnh và chậm tiến độ.
Đến nay, giá trị giải ngân mới đạt hơn 253 tỉ đồng, chiếm hơn 21% tổng giá trị hợp đồng. Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương dừng sử dụng vốn ODA từ Hungary và xem xét hỗ trợ hơn 1.300 tỉ đồng từ ngân sách để tiếp tục hoàn thành dự án. Thành phố cam kết sẽ hoàn tất các thủ tục và đưa bệnh viện vào sử dụng cuối năm 2026 nếu được phân bổ vốn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ và thành phố Cần Thơ đã thống nhất phương án kết thúc dự án sử dụng ODA, chuyển sang thực hiện dự án mới bằng nguồn ngân sách trong nước.
Ông Thắng cho biết có thể xử lý theo hai hướng, nếu cần gấp thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm nay, nếu không kịp thì đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, quy mô 500 giường bệnh, khởi công từ tháng 10-2017 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.
Tuy đã thi công xong phần thô, đạt khoảng 80% khối lượng xây dựng, nhưng dự án phải dừng từ năm 2022 do hợp đồng và hiệp định vay vốn ODA với Hungary hết hiệu lực.
Ngoài ra, nhà thầu Hungary liên tục đề xuất thay đổi thiết bị ngoài hợp đồng và không đáp ứng tỉ lệ hàng hóa có xuất xứ từ Hungary, khiến dự án phải điều chỉnh, chậm tiến độ. Hiện giá trị thực hiện mới đạt hơn 21% hợp đồng EPC.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu cũng cho biết, dự án nâng cấp 7km quốc lộ 91 có tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng. Trong đó, việc chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt hơn 5.500 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ cần khoảng 2.400 tỉ đồng.
Số tiền kết dư hơn 3.100 tỉ đồng, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đề xuất cho phép thành phố sử dụng để đầu tư các khu tái định cư và dự án động lực phát triển. Dự án này đã kéo dài hơn 15 năm và hiện vẫn chưa thể khởi công.