Gỡ điểm nghẽn sát hạch môi giới bất động sản, khai thông thị trường

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đem đến kỳ vọng lớn trong việc chuẩn hóa đội ngũ hành nghề môi giới bất động sản và thúc đẩy ngành môi giới bất động sản phát triển. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia vào thị trường này đang đứng trước 'ngã ba đường' do quy định đã có nhưng hệ thống vận hành thì chưa được khơi thông.

Lực lượng môi giới đóng vai trò là "cầu nối" cung - cầu trên thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: S.T

Lực lượng môi giới đóng vai trò là "cầu nối" cung - cầu trên thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: S.T

Hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang bị “đứng hình”

Chia sẻ tại Hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu? Gỡ thế nào?”, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - cho biết, ngành môi giới bất động sản đang bước vào một giai đoạn thay đổi hoàn toàn rõ rệt, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đặt ra yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, chuẩn hóa và chuyên nghiệp trong việc hành nghề môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, trên thực tế đang có những điểm nghẽn đáng lo ngại trong quá trình triển khai. Cụ thể, theo quy định của Luật, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được giao cho chính quyền các địa phương, song kể từ khi Luật đi vào thực thi từ tháng 8/2024 đến nay, trên cả nước chưa có địa phương nào tổ chức thi và cấp chứng chỉ.

“Cho đến hiện tại, hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn “án binh bất động”, chưa có kế hoạch tổ chức thi, cũng chưa có hướng dẫn thống nhất hoặc chưa xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong việc tổ chức thi. Điều này đang gây tâm lý bất ổn, lo lắng trong cộng đồng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản” - ông Đính nói.

Đối với những người hành nghề, ông Đính cho biết, theo khảo sát của VARS, trên thị trường hiện có khoảng gần 30.000 nhà môi giới, đến nay đã có hơn 6.000 học viên hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn Thông tư số 04/2024/TT-BXD hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản, nhưng chưa thể tham gia kỳ thi sát hạch, do vướng mắc trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi ở các địa phương.

Về phía các sàn giao dịch bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực hợp pháp để vận hành sàn giao dịch kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản theo đúng quy định pháp luật.

Khảo sát sơ bộ của VARS thực hiện mới đây cho thấy, có đến 416 doanh nghiệp môi giới báo cáo thiếu hụt nhân sự đạt chuẩn, trong khi hiện tại doanh nghiệp không thể tuyển đủ nhân sự có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định. Hoạt động của các sàn môi giới bị đình trệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao dịch và quá trình phục hồi của thị trường bất động sản.

“Sự chậm trễ trên của các địa phương, cơ quan chức năng đang cản trở sự vận hành của một chính sách đúng đắn – gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định của thị trường bất động sản, cũng như quyền lợi của hàng nghìn doanh nghiệp, hàng vạn nhà môi giới bất động sản đang hoạt động trên thị trường. Thậm chí, có thể làm ách tắc dòng chảy kinh tế của thị trường bất động sản” – ông Đính nhấn mạnh.

Hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu? Gỡ thế nào?” do VARS tổ chức chiều 21/4, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

Hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu? Gỡ thế nào?” do VARS tổ chức chiều 21/4, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

Cần sớm gỡ vướng

Theo khảo sát của VARS, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực. Trong đó, 51,8% nhà môi giới chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo; 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ và 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực; chỉ có 11,3% nhà môi giới hiện đang sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực. Điều này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý của lực lượng môi giới khi hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Bên cạnh đó, 93% người được khảo sát bày tỏ mong muốn tham gia kỳ thi sát hạch, thể hiện mức độ quan tâm rất cao đến việc tuân thủ quy định pháp luật và nhu cầu được chuẩn hóa kiến thức hành nghề của lực lượng môi giới bất động sản.

Trước thực trạng trên, TS. Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản (VARS) thẳng thắn chỉ rõ, vấn đề không phải nằm ở năng lực tổ chức của các địa phương, mà ở sự thiếu đồng bộ trong chỉ đạo và thực thi. Nếu các địa phương tiếp tục chờ nhau hoặc lo ngại trách nhiệm, thì tình trạng “bế tắc pháp lý” sẽ kéo dài, kỳ thi sát hạch sẽ chỉ nằm trên giấy.

“Vai trò của lực lượng môi giới bất động sản như một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giao dịch và phân phối sản phẩm ra thị trường. Do đó, khơi thông hoạt động của ngành môi giới sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững trong thời gian tới” - ông Lượng nhấn mạnh.

Với vai trò đó của lực lượng môi giới, đưa kiến nghị để tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện được phối hợp tổ chức kỳ thi sát hạch; đồng thời đề xuất xây dựng hệ thống thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, nhằm giảm tải áp lực cho từng địa phương và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong toàn hệ thống./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/go-diem-nghen-sat-hach-moi-gioi-bat-dong-san-khai-thong-thi-truong-39679.html