Gỡ điểm nghẽn tài chính cho các hợp tác xã nông nghiệp
Hiệu quả hoạt động của các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, như tổ hợp tác, hợp tác xã ở Kiên Giang không ngừng được nâng lên, song vẫn gặp không ít khó khăn, hạn chế cần được quan tâm tháo gỡ. Đặc biệt là vấn đề đầu tư tài chính nâng cao năng lực, vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã trong cung ứng vật tư đầu vào gắn với liên kết bao tiêu đầu ra nông sản để hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Thu hoạch lúa Hè Thu ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thuộc vùng dự án VnSAT. Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN
Ông Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp nông dân Đường Gỗ Lộ cho biết: Hợp tác xã được thành lập năm 2015 với 54 thành viên, diện tích canh tác lúa 78 ha, đến đầu năm hợp tác xã HTX sản xuất trên tổng diện tích 250ha, với 162 thành viên. Nông dân trong hợp tác xã sản xuất lúa chất lượng cao và phương pháp trồng lúa sạch, tập trung ở các giống lúa: Đài thơm 8, lúa ST 24, ST 25, lúa Nhật DS1. Hợp tác xã thực hiện các dịch vụ: Bơm tát, làm đất, ký hợp đồng cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, thu hoạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên.
Để giúp nông dân nâng cao lợi nhuận, gần đến mùa thu hoạch, ban lãnh đạo hợp tác xã mời gọi hơn chục công ty, doanh nghiệp tham gia đấu giá thu mua lúa, kèm theo thương thảo các điều kiện về ngày thu hoạch, phương tiện vận chuyển và phương thức thanh toán. Qua cách làm trên giúp cho hợp tác xã phát triển ổn định, đầu ra cho hạt lúa không còn bấp bênh như những năm trước đây.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp nông dân Đường Gỗ Lộ cũng cho hay, quá trình liên kết với doanh nghiệp, công ty trong cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ đầu ra còn gặp những khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, cũng như hiệu quả hoạt động của hợp tác xã và lợi nhuận cho các thành viên.
Cụ thể, do liên kết với doanh nghiệp ở xa địa phương nên giá đa phần các mặt hàng tương đối cao so với giá gốc khi đến tay nông dân. Cùng với đó, nông dân gieo sạ cùng thời điểm, thu hoạch cũng cùng thời gian dẫn đến tình trạng thiếu máy móc cải tạo đất, cày xới, máy gieo sạ và máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.
“Để giải quyết những hạn chế trên cần có cơ chế, chính sách để ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi, trả dần nhưng không phải thế chấp tài sản để hợp tác xã có khả năng tài chính đầu tư máy móc như: máy cày, xới, máy gặt đập liên hợp, máy sạ hàng, sạ cụm, đặc biệt là có nguồn vốn thu mua vật tư nông nghiệp từ nhà máy sản xuất với giá gốc để cung ứng cho các thành viên, giúp giảm chi phí trung gian, tăng lợi nhuận”, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp nông dân Đường Gỗ Lộ chia sẻ.
Hợp tác xã nông dân trồng dứa Vĩnh Phú, xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng có tổng diện tích sản xuất hơn 200ha. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã nông dân trồng dứa Vĩnh Phú cho biết, từ năm 2017 trở về trước, do giá dứa bấp bênh, đầu ra không ổn định nên đa số nông dân trong vùng không mặn mà với nghề trồng dứa, chủ yếu phát triển kinh tế từ nghề trồng lúa một 1 vụ/năm, hoặc trồng tràm cho lợi nhuận khá thấp.
Từ năm 2018 đến nay, sau khi hợp tác xã nông dân trồng dứa Vĩnh Phú được thành lập, liên kết với doanh nghiệp thu mua với mức giá ổn định; đặc biệt là nhận thấy một số nông dân trồng dứa đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân khác cũng đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, hoặc chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dứa với tổng diện tích hơn 1.000ha
Đến cuối năm 2023, dứa của hợp tác xã nông dân trồng dứa Vĩnh Phú được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được vào hệ thống siêu thị nên thương lái thu mua với giá khá cao, dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/trái, giúp người trồng có lãi khoảng 80 -100 triệu đồng/ha/năm.
Giám đốc Hợp tác xã nông dân trồng dứa Vĩnh Phú cũng cho hay, thời gian qua, nhiều thành viên hợp tác xã mong muốn hợp tác xã đứng ra cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bà con không phải tự túc đến mua ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp là đại lý cấp 3, cấp 4 với mức giá chênh lệch với đại lý cấp 1 từ 10-15%. Cùng với đó, hợp tác xã nghiên cứu đầu tư cơ sở chế biến một số sản phẩm từ dứa để nâng cao giá trị, giải quyết đầu ra khi thương lái không đến thu mua kịp thời…
Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang Phạm Thành Trăm, cho biết, tỉnh hiện có 516 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 473 hợp tác xã nông nghiệp; gần 2.360 Tổ hợp tác đang hoạt động. Khoảng 5 năm trở lại đây, hầu hết hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, không ít hợp tác xã hoạt động không ổn định, kém hiệu quả. Nguyên nhân do các thành viên hợp tác xã đa số là các hộ nông dân, quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế; lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp lợi nhuận thấp, chịu nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, thị trường giá cả tường xuyên biến động.
Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang cho biết: Liên minh hợp tác xã tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả, đồng thời tiếp tục tham mưu, đề xuất các quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các hợp tác xã, đặc biệt là các Hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ chưa/không đủ năng lực; chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
“Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn như: thủy lợi, giao thông nông thôn, điện phục vụ cho bơm tát, xây dựng cánh đồng lớn; chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhân lực đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đáp ứng sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng”, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang cho biết thêm.
Liên minh hợp tác xã tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu thị trường; tìm kiếm lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp có uy tín và năng lực tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã.