Gỡ khó áp lực chi phí hạ tầng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp
Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gồng mình dưới áp lực chi phí giữa thời 'bão giá'. Điều mà họ mong muốn trong lúc này là có thể được hỗ trợ giảm một phần giá hạ tầng thuê đất, và ngay cả bất cập trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở Tp.HCM cũng cần được giải quyết rốt ráo.
Mới đây, tại buổi giao ban các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) khu vực Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh và Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai, một số DN kiến nghị được xem xét giảm giá hạ tầng thuê đất, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện tại để ổn định, phục hồi sản xuất sau giai đoạn dịch bệnh.
Tăng giá thuê đất làm khó doanh nghiệp
Trên thực tế, đây là cũng là mối băn khoăn của nhiều DN khi giá thuê đất trong các KCN được cho là vẫn duy trì ở mức cao. Như ghi nhận từ hồi quý 3 năm ngoái cho đến thời điểm tháng 6/2022, mặc dù giá đất bị kìm hãm do đại dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì ở mức "ngất ngưởng".
Theo đó, mặc dù nhiều lĩnh vực sản xuất và các nhà đầu tư chưa thể triển khai các hoạt động mở rộng kinh doanh nhưng giá đất tại KCN vẫn tiếp tục tăng. Trong quý 1/2022, các KCN phía Nam ghi nhận giá thuê đất trung bình 120 USD/m2 cho cả chu kỳ thuê, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng ở Tp.HCM, giá thuê đất KCN đạt mức trung bình 190 USD/m2 cho cả chu kỳ. Thậm chí như Khu chế xuất Tân Thuận (Tp.HCM), giá thuê đạt mức 270 USD/m2/kỳ hạn (tăng 15% so với thời điểm đầu quý 2/2021).
Theo số liệu của Colliers Việt Nam (công ty đa quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản), tính đến tháng 5/2022, giá thuê đất KCN khu vực phía Nam đã tăng mạnh. Tốc độ tăng giá thuê hàng năm của các "thủ phủ" công nghiệp phía Nam được cho là luôn đạt mức 8-9%/năm trong vài năm trở lại đây.
Với mức tăng như trên và duy trì cho đến thời điểm hiện tại, việc các DN kiến nghị giảm giá hạ tầng thuê đất và nhà xưởng xây sẵn trong các KCN là tất yếu, nhất là những DN vừa và nhỏ với điều kiện tài chính eo hẹp, vẫn đang chật vật phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 và trước những khó khăn do “bão giá” gây ra.
Giới chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư KCN nên xem xét để giảm một phần giá hạ tầng thuê đất trong KCN dành cho các DN vừa và nhỏ. Đơn cử như trong tháng 6/2022, UBND Tp. Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ giảm tiền hạ tầng năm 2021 cho các DN tại KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và KCN Hòa Cầm. Đây là một giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ các DN sớm ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
Thực ra, mặc dù giá hạ tầng thuê đất trong KCN chỉ chiếm một tỷ trọng không lớn trong suất đầu tư của DN, nhưng việc hỗ trợ giảm tiền hạ tầng như cách mà Đà Nẵng đang làm là giải pháp mà các địa phương khác có thể tham khảo nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho các DN trong lúc này.
Sớm điều chỉnh để gỡ khó
Còn đứng ở góc độ của nhà phát triển các KCN, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Phát triển DN thuộc CTCP Long Hậu (chuyên đầu tư phát triển KCN ở các tỉnh phía Nam) cho rằng, vấn đề mà những DN đầu tư mới vào các KCN quan tâm nhất là chi phí xây dựng, rồi mới tới giá hạ tầng thuê đất trong KCN. Bởi, chi phí xây dựng lớn hơn nhiều so với giá thuê đất.
Xét về chi phí xây dựng, trong 2 năm trở lại đây, giá nhiều loại vật liệu xây dựng phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng khá mạnh, đặc biệt là giá thép. Việc tăng giá thép và các loại vật liệu xây dựng làm gián đoạn tiến độ của các công trình xây dựng nhà xưởng trong KCN vì "đội" vốn.
Khi đó, chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thuê với nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.
Ngoài vấn đề về giá hạ tầng thuê đất, áp lực chi phí xây dựng cho đầu tư mới, DN trong KCN ở những địa phương tiếp giáp Tp.HCM vẫn đang bày tỏ sự bức bối về mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển của Tp.HCM.
Nhiều hiệp hội DN đề nghị cần sớm xem xét giảm mức thu phí này, vì với mức thu như hiện nay thì chi phí tăng cao ngoài những chi phí trực tiếp khác, làm "đội" giá thành sản xuất, DN thực sự gặp nhiều khó khăn.
Một DN ở KCN tại Tp. Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, họ nhập sợi theo loại hình nhập kinh doanh từ Trung Quốc, trong sợi có lõi nhựa, khi dùng hết sợi phải trả lại lõi nhựa này cho nhà sản xuất bên Trung Quốc. Thế nhưng khi làm tờ khai xuất trả lõi nhựa này, bằng 1 container loại 40 feet, phía công ty phải trả phí cơ sở hạ tầng cảng biển ở Tp.HCM là 4,4 triệu đồng. Điều này là rất phi lý và không thể hiểu được.
Liên quan chuyện này, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm việc với Tp.HCM và bộ ngành liên quan, vào giữa tháng 6/2022, Sở GTVT Tp.HCM đã phải làm công văn gửi UBND Tp.HCM, để trình Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh một số mức phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn, sau 2 tháng triển khai.
Cụ thể là đề xuất giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thủy; mức thu như nhau với DN ở thành phố và các địa phương. Sở GTVT Tp.HCM cũng đề nghị xem xét giảm mức thu với DN các tỉnh bằng với các tổ chức, cá nhân ở thành phố. Việc này cũng nhằm hỗ trợ các DN trước những khó khăn như hiện giờ.