Gỡ khó cho công tác giải phóng mặt bằng
PTĐT - Những năm qua, tỉnh ta đã thu hút nhiều dự án đầu tư, trong đó có nhiều công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh được triển khai. Thành bại của các công trình, dự án phụ thuộc không nhỏ vào tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB). Trên thực tế, công tác GPMB lại hết sức phức tạp vì nó 'đụng chạm' trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người.
Kỳ I:Tìm tiếng nói chung cho lợi ích chung
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 nêu rõ: “...phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, quan tâm thu hút các dự án đầu tư có tính kết nối liên vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng các khu công nghiệp: Phú Hà, Cẩm Khê, Phù Ninh, Trung Hà. Đầu tư kết cấu hạ tầng thành phố Việt Trì cơ bản trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam...”. Khi triển khai thực hiện Nghị quyết, cùng với thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ có nhiều hộ gia đình phải di dời nhà cửa, cây cối, vật kiến trúc trên đất để nhường chỗ cho thực hiện dự án. Không ít dự án ở thời điểm ban đầu đã vấp phải sự phản đối của người dân do thiếu thông tin, cùng với sự biến đổi liên tục của giá bất động sản ngoài thị trường. Song với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, MTTQ, qua nhiều lần đối thoại, vận động thuyết phục cả trực tiếp, gián tiếp cùng với chính sách đền bù hỗ trợ GPMB đảm bảo theo quy định nên đa số các hộ dân đã đồng thuận bàn giao đất để thực hiện các công trình, dự án theo tiến độ.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ nút giao đường Hùng Vương đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện ở 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 9/2017, giai đoạn 2 tháng 3/2019 với quy mô đầu tư xây mới toàn tuyến có chiều dài 4,517km, đi qua 3 xã, phường: Vân Phú, Chu Hóa và Hy Cương, liên quan đến bồi thường GPMB cho 140 hộ dân... Tại điểm đầu nút giao với đường Hùng Vương, có 15 hộ thuộc diện phải di dời GPMB. Sau những vướng mắc kéo dài nhiều năm trong công tác GPMB, dự án chậm tiến độ, gây bức xúc trong dư luận. Trước tình hình đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, thành phố Việt Trì và các ngành liên quan khẩn trương tìm giải pháp tháo “nút thắt” làm chậm tiến độ dự án. Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với thành phố Việt Trì và các xã, phường có dự án đi qua đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của dự án; cử cán bộ có mặt thường xuyên tại hiện trường để giải đáp những thắc mắc của nhân dân ngay tại cơ sở và đề xuất cơ chế hỗ trợ. Đến thời điểm này, các hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.Chị Hán Thị Thúy Hường- phường Vân Phú, thành phố Việt Trì cho biết: “Mặc dù gia đình phải chuyển ra nơi ở mới, song chúng tôi rất vui vẻ bàn giao đất để tạo điều kiện cho nhà thầu thi công, sớm hoàn thành tuyến đường này”. Có được sự đồng thuận như vậy là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, vận dụng các điều khoản, các quy định hiện hành để hỗ trợ, bồi thường cho bà con trong vùng dự án hợp tình, hợp lý. Đồng chí Phạm Xuân Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: “Hiện trên toàn tuyến còn hơn 100 hộ dân, tới đây thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn phát sinh, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhằm đảm bảo dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- lễ hội Đền Hùng Canh Tý 2020”.
Không chỉ các dự án giao thông cần phải thu hồi đất, GPMB phục vụ cho sự phát triển chung của toàn xã hội mà các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng cần có mặt bằng sạch để thu hút đầu tư, đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Khu công nghiệp Cẩm Khê có diện tích theo quy hoạch 450ha nằm trên địa bàn 4 xã: Thanh Nga, Sai Nga, Sơn Nga, Xương Thịnh. Trước khi thực hiện xây dựng hạ tầng, huyện Cẩm Khê đã ra thông báo thu hồi hơn 234ha đất các loại. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư tiến hành xây dựng hạ tầng thì nhiều hộ dân đã tự ý cơi nới các công trình xây dựng để trục lợi tiền đền bù. Trước thực trạng đó, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập các tổ công tác đến từng khu dân cư, hộ gia đình tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ lợi ích mà Khu công nghiệp mang lại; từ đó người dân tự nguyện tháo dỡ những công trình cơi nới. Năm 2019 huyện đã thu hồi được trên 309ha của gần 1.400 hộ dân; tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư 62,9 tỷ đồng; bàn giao 130ha mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, Khu công nghiệp Cẩm Khê đã thu hút được 10 nhà đầu tư thứ cấp đăng ký sản xuất kinh doanh ở nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có 1 doanh nghiệp FDI đã đi vào hoạt động, bước đầu thu hút, tạo việc làm cho gần 100 lao động.Một trong những thành công của công tác GPMB là các cấp, ngành đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong vùng dự án. Tại đây, các đảng viên và quần chúng nhân dân bày tỏ nguyện vọng, thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị mong cấp ủy, chính quyền giải quyết những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân cùng những vấn đề mà người dân quan tâm. Qua đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã lắng nghe và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xử lý kịp thời những vấn đề nhân dân phản ánh, nhất là những vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định cuộc sống, ngăn chặn kịp thời các trường hợp cố tình cơi nới, lấn chiếm, xây dựng công trình, trồng cây trái phép trên đất quy hoạch. Có thể thấy, công tác GPMB không chỉ có chiều hướng thuận mà ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn gặp trở ngại và khó khăn; trong đó phải nói đến cơ chế, chính sách về thu hồi đất, đền bù, GPMB đôi khi chưa đồng bộ nên quá trình vận dụng vào thực tế còn bất cập. Một số cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB còn hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong xử lý các tình huống, có lúc chưa nhiệt tình dẫn đến chất lượng thực hiện công việc kém hiệu quả, phải điều chỉnh, sửa chữa nhiều lần, gây những nghi kỵ, thắc mắc trong nhân dân, thậm chí dẫn đến hiểu lầm và gây khó khăn cho công tác GPMB. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa một số chủ đầu tư với huyện, thị, thành có lúc có nơi thiếu chặt chẽ, một số chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thực hiện dự án. Công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc đạt hiệu quả chưa cao. Cá biệt còn có một số hộ dân trong phạm vi thu hồi đất tại một số dự án ý thức chấp hành pháp luật thấp, cố tình cản trở việc tổ chức thực hiện GPMB... Đây là những “nút thắt” cần tập trung tháo gỡ để công tác GPMB đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Kỳ II: Tạo nền để phát triển bền vững