Gỡ khó cho giao thông Hà Nội từ mô hình TOD

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) là quy định hoàn toàn mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Với những cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình TOD đang được kỳ vọng sẽ giúp thành phố Hà Nội giải được bài toán ùn tắc giao thông.

Phân cấp, phân quyền cho HĐND, UBND Thành phố

Luật Thủ đô 2024 quy định rõ, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khỏe cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Với mô hình TOD, việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị sẽ có nhiều thuận lợi. Ảnh PV

Với mô hình TOD, việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị sẽ có nhiều thuận lợi. Ảnh PV

Khu vực TOD là khu vực bao gồm nhà ga, đề-pô đường sắt đô thị, điểm đón, trả khách của các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác và vùng phụ cận được xác định theo quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết có liên quan để xây dựng tuyến giao thông, đường sắt đô thị kết hợp cải tạo, chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển đô thị.

Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban nhân dân Thành phố được điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất, phát triển các tuyến đường sắt đô thị, các phương thức vận tải hành khách công cộng khác, phát triển đô thị trong khu vực TOD; quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.

Đối với khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt nhưng khi lập phương án tuyến đường sắt đô thị, tuyến giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác hoặc khi lập quy hoạch khu vực TOD, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ lập phương án tuyến, quy hoạch có đề xuất mới, khác nội dung quy hoạch đã được phê duyệt thì trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định...

Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD, quyết định đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thành phần, quyết định đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Kích thích nguồn vốn đầu tư tư nhân

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Ecomonica Việt Nam cho rằng, mô hình TOD là một cơ chế mà ông tin rằng sẽ giải được bài toán rất lớn về nguồn lực, sẽ huy động được nguồn lực rất lớn từ đất đai, không gian ngầm, giúp cho Thủ đô có diện mạo đô thị mới, có nguồn lực để hình thành các cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới.

Việc huy động và sử dụng nguồn lực, cả về con người, tài chính, được nhấn mạnh xuyên suốt trong Luật, trong đó, về tài chính không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, mà còn dựa vào nguồn lực của khu vực tư nhân.

TS Lê Duy Bình cũng cho biết, theo tính toán, tổng nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển Thủ đô trong vòng 3 - 4 năm tới sẽ vào khoảng 780 nghìn tỷ đồng, là con số rất lớn. Để có nguồn vốn này, một mặt sử dụng ngân sách Nhà nước, phân dịnh lại các khoản thu, tăng quyền vay vốn ODA, phát hành trái phiếu địa phương... còn phải huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, kích thích nguồn vốn đầu tư tư nhân. Đặc biệt là phát huy nguồn lực đất đai qua mô hình BT, mô hình TOD.

Cũng theo TS Lê Duy Bình, trước đây chúng ta thu hút nhân tài dựa trên bằng cấp, nhưng Luật Thủ đô 2024 đã khác đi, là dựa trên những người có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình trên thực tế, có những kết quả đã được thực tiễn chứng minh. Cách tiếp cận mới không đơn thuần là thu hút nhân tài, mà hình thành các cơ sở giáo dục, đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Điều này sẽ tạo tiền đề rất quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.

TS Lê Duy Bình cũng mong mốn quá trình thực hiện Luật Thủ đô sẽ được thực hiện quyết liệt, cơ chế đặc thù sẽ biến thành các dự án cụ thể, được triển khai đúng thời hạn, sẽ chuyển hóa thành những thay đổi về giao thông đô thị, chất lượng không khí, môi trường sống, môi trường kinh doanh tốt hơn...

Nguồn lực lớn được khai thác

Nhiều chuyên gia giao thông nhìn nhận, theo cơ chế TOD, trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết đường sắt đô thị và khu vực TOD, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng công trình ngầm, công trình trên cao trong khu vực TOD... Như vậy, một nguồn lực rất lớn từ đất đai, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao của Thành phố Hà Nội sẽ được khai thác.

Phát biểu tại tọa đàm về Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch, tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá rất cao các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đã được đề cập trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo ông Thành, đây thực sự là những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô Hà Nội, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây.

Luật Thủ đô trong quá trình được xây dựng đã rà soát, kế thừa các kinh nghiệm từ một loạt các thành phố lớn, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh, để tổng hợp, đưa vào những chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô. Đặc biệt, trong Luật có nguyên một điều tạo ra 7 - 8 nhóm chính sách để huy động nguồn lực cho Thủ đô. Điều này góp phần khắc phục những hạn chế, như trong lĩnh vực giao thông, hiện nguồn ngân sách của Trung ương cũng như thành phố hỗ trợ cho Hà Nội mới đạt ở mức khiêm tốn.

Hiện nay, theo ông Thành, mô hình TOD đang được nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như là một giải pháp căn cơ và dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như: quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nhà ở xã hội, thiếu hụt nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng…

Luật Thủ đô 2024 đã dành nguyên 1 điều (Điều 31) để cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo các cơ chế chính sách đặc thù. Thạc sỹ Phan Trường Thành cũng nhìn nhận, việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư các tuyến đường sắt đô thị hiện rất cần thiết và TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết bài toán khó cho giao thông đô thị của Thủ đô.

Trong khu vực TOD, thành phố Hà Nội được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau đây để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng: Tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác của khu vực TOD; Tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; Phí cải thiện hạ tầng.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/go-kho-cho-giao-thong-ha-noi-tu-mo-hinh-tod-176083.html