Gỡ khó cho hộ kinh doanh trong sử dụng hóa đơn điện tử
Việc áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế đang khiến nhiều hộ kinh doanh (HKD) lúng túng trong triển khai. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để HKD tuân thủ đúng nghĩa vụ thuế, từ đó phát huy hiệu quả của việc cải cách thuế cũng như tạo môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch.

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế là giải pháp nhằm tăng cường minh bạch doanh thu. Ảnh minh họa: S.T
Nhiều rào cản khiến hộ kinh doanh loay hoay…
Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ (Nghị định 70), trong đó có quy định mới yêu cầu các HKD đang nộp thuế theo phương pháp khoán và có doanh thu từ 01 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Các quy định của Nghị định 70 tác động lớn đến các chủ thể kinh doanh, trong đó có HKD, cá nhân kinh doanh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh.
Chia sẻ tại Hội thảo “Tham vấn kết quả khảo sát HKD về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, mới đây VCCI đã tiến hành một khảo sát các HKD trên quy mô toàn quốc để đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 70 của HKD, qua đó đưa ra các kiến nghị để đảm bảo chính sách được thực hiện hiệu quả.
Qua khảo sát gần 1.400 HKD, bức tranh hiện lên là một thực tế đan xen giữa kỳ vọng và không ít khó khăn, vướng mắc. Có tới 94% HKD cho biết đã biết đến Nghị định 70, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy chính sách đã bước đầu lan tỏa. Tuy nhiên, chỉ 11% HKD thực sự hiểu rõ nghĩa vụ của mình, trong khi 51% chưa từng được liên hệ hay hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế.
Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh, HKD là lực lượng kinh tế quan trọng, nhưng đồng thời cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi đột ngột. Nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, những rào cản trong giai đoạn chuyển đổi có thể ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của nhiều HKD vốn đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại địa phương. Nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho HKD ổn định phát triển cũng chính là một bước cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Chỉ rõ những khó khăn của HKD trong thực hiện nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế từ kết quả khảo sát của VCCI, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ là khó khăn có nhiều HKD phản ánh nhất, với tỷ lệ 73%. Hơn một nửa (53%) các HKD lo ngại về sự phức tạp của các thủ tục đăng ký và kê khai; 49% HKD gặp rào cản trong thay đổi thói quen kinh doanh; 37% không có đủ thời gian để tìm hiểu, triển khai các yêu cầu để tuân thủ nghĩa vụ này và 37% HKD không có đủ vốn đầu tư cho hóa đơn điện tử và thiết bị tính tiền. Ngoài ra, một bộ phận HKD cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu khi chuyển sang hệ thống điện tử.
Từ góc nhìn thực tiễn, ông Lương Xuân Dũng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, kể từ khi chính sách được triển khai, Hiệp hội ghi nhận những gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, biểu hiện là nhiều HKD có hành vi đóng cửa tạm thời không hoạt động, từ chối cung cấp thông tin mã số thuế, căn cước công dân, từ chối mua hàng, nhiều HKD hoang mang không rõ thực hiện như thế nào để không vi phạm, nhiều hộ lo lắng bị truy thu thuế... Điều này dẫn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất bị đình trệ, suy giảm hệ thống bán lẻ và doanh số bán hàng...
“Nguyên nhân của thực trạng trên có thể đến từ việc các HKD chưa có sự chuẩn bị kịp thời trong các vấn đề từ hạ tầng công nghệ tới kiến thức và tâm lý chấp hành các quy định mới…” - ông Dũng nói.
Theo ước tính của Cục Thuế, Bộ Tài chính, có khoảng 37.000 HKD đáp ứng tiêu chí của Nghị định 70/2025/NĐ-CP và do đó sẽ phải thực hiện nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Với tổng số hơn 5 triệu HKD, đối tượng áp dụng quy định chỉ chiếm chưa đến 1%, có thể coi là các HKD có doanh thu khoán rất lớn.

Hội thảo “Tham vấn kết quả khảo sát HKD về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế”, do VCCI tổ chức. Ảnh: D.T
Cần lộ trình phù hợp và hỗ trợ kịp thời
Từ thực trạng trên, để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, bền vững, cũng như giúp các HKD vượt qua thách thức, ổn định hoạt động và phát triển trong môi trường kinh doanh mới, ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, trước hết các cơ quan chức năng cần chủ động xác định và giải quyết các vướng mắc, khó khăn thực tế mà các HKD đang gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị định 70.
Đồng thời, tăng cường hỗ trợ của cơ quan thuế thông qua việc thông tin một cách toàn diện cho các HKD; chủ động ban hành các hướng dẫn chi tiết (chẳng hạn như sổ tay, inforgraphic…) để HKD, cá nhân kinh doanh nắm bắt, hiểu được các công việc cần chuẩn bị; hỗ trợ HKD tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường đối thoại và phối hợp với các hội, hiệp hội để hiểu rõ hơn các nguyên nhân gốc rễ của lo ngại, đồng thời thông qua các tổ chức này để truyền tải thông tin chính xác và giải pháp kịp thời tới cộng đồng kinh doanh, trong đó có các HKD.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp để hỗ trợ HKD an tâm chuyển đổi, cụ thể như bổ sung thời gian chuyển tiếp không áp dụng xử phạt hành chính với quy định áp dụng hóa đơn điện tử với HKD (có thể là 6 tháng); bổ sung quy định không hồi tố truy thu nghĩa vụ thuế, xử phạt hoặc tịch thu với giai đoạn trước khi áp dụng hóa đơn điện tử, nhằm tạo điều kiện để HKD yên tâm thực hiện chuyển đổi, hợp thức hóa hoạt động.
Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ HKD chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử. Việc chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử là sự thay đổi lớn, đặt ra yêu cầu về đầu tư trang thiết bị, phần mềm, cũng như thời gian, sức lực để học hỏi và tuân thủ quy định. Trong khi đó, phần lớn các HKD đều nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế. Do đó, cần cân nhắc áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế trong thời gian đầu (ví dụ từ 6 đến 12 tháng) để hỗ trợ HKD ổn định trong giai đoạn chuyển đổi, đồng thời tạo động lực khuyến khích tuân thủ và tham gia chính thức vào hệ thống thuế.
Đặc biệt, cần xây dựng quy định về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ phù hợp với thực tiễn kinh doanh của HKD; xây dựng lộ trình thực hiện sổ sách kế toán đầu vào phù hợp… để không tạo ra gánh nặng vượt quá năng lực và nguồn lực của các HKD.
Đưa thêm kiến nghị, ông Lương Xuân Dũng đề xuất, cơ quan chức năng cần nghiên cứu triển khai theo lộ trình phân tầng dựa trên quy mô và mức độ sẵn sàng của từng nhóm HKD; hộ lớn, đủ điều kiện thực hiện trước, hộ nhỏ và vùng sâu, vùng xa có thêm thời gian chuẩn bị.
Song song với đó là tăng cường truyền thông và đào tạo tại cơ sở với tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, kết hợp đường dây nóng và tổng đài hỗ trợ 24/7 để giải đáp vướng mắc.
Cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc gia hạn thời gian áp dụng Nghị định 70 thêm ít nhất 6 - 12 tháng cho HKD nhỏ, đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và chính sách trong giai đoạn chuyển tiếp./.
Theo Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, tất cả các HKD sẽ bỏ áp dụng phương pháp khoán từ ngày 01/01/2026, chuyển sang áp dụng chế độ hóa đơn, chứng từ.