Gỡ khó cho phát triển công nghiệp
Thời gian qua, tỉnh chủ động gặp gỡ, đối thoại cũng như có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức đoàn thăm, gặp gỡ các DN hoạt động trên địa bàn và chủ động nắm bắt khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tiếp thêm niềm tin, động lực sản xuất, kinh doanh trong năm cũng như định hướng các chiến lược trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quang Hòa, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải. Cty chuyên mặt hàng nông sản (gạo) xuất khẩu, chiếm khoảng 80% thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Cty là Trung Quốc đang giảm lượng tiêu thụ nên Cty gặp khó khăn, phải tìm kiếm, mở rộng thị trường sang các nước khác. Cty mong muốn tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ kết nối thuận lợi trong vấn đề thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Cty hiện có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, rất cần tỉnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhất là hướng dẫn các thủ tục liên quan vấn đề đất đai.
“Điều phấn khởi là bên cạnh sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo các cấp, gần đây, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đến thăm, tìm hiểu, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của Cty. Những khó khăn, vướng mắc của Cty được lãnh đạo tỉnh chia sẻ, ghi nhận và giải đáp. Qua đó, giúp Cty có định hướng sản xuất, kinh doanh hợp lý, hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Quang Hòa cho biết.
Hoạt động tại Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc) từ năm 2009, những vướng mắc, khó khăn của Cty TNHH Túi xách Simone Việt Nam (100% vốn nước ngoài) được địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ nên yên tâm sản xuất.
Theo ông Matt Kim - đại diện Cty, đơn vị chuyên về túi xách xuất khẩu với 8-10 triệu mặt hàng mỗi năm. Những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó do tác động của tình hình thế giới, ngành hàng bị chậm, đơn hàng khó khăn. Hiện nay, thị trường các nước khởi động trở lại và hàng hóa, đơn hàng cơ bản ổn định. Cty rất biết ơn sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo địa phương khi tổ chức đoàn đến thăm, động viên và chủ động nắm bắt các khó khăn để tìm hướng tháo gỡ.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trần Văn Tươi, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành, địa phương đến một số DN hoạt động tại địa bàn các huyện: Cần Giuộc, Đức Hòa, Thủ Thừa, Cần Đước,... để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và có hướng tháo gỡ. Sở ghi nhận đầy đủ các ý kiến, kiến nghị để tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp giải quyết kịp thời cũng như phản hồi để DN theo dõi, nắm bắt. Bên cạnh đó, Sở cũng chia sẻ với những khó khăn và động viên DN vượt khó.
Thông tin từ Sở Công Thương, để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, Sở rà soát các thủ tục hành chính để giảm thời gian thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; kịp thời giải quyết nhanh, đầy đủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN.
Đồng thời, Sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phát triển DN, hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mại, công khai các thủ tục hành chính, quy hoạch của ngành giúp DN, người dân tiếp cận, thể hiện rõ tính công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Sở tập trung thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại định hướng tiêu thụ nội địa bằng cách tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu đối với từng mặt hàng cụ thể để có đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Sở sẽ rà soát, đánh giá ưu, nhược điểm của các chương trình xúc tiến thương mại nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất, giúp các DN tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ,...
Đến đầu tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh có 18.822 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 386.470 tỉ đồng. Tỉnh cấp mới 32 dự án (DA) trong nước với tổng vốn đầu tư 97.038 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 2.254 DA trong nước với số vốn đăng ký 491.574 tỉ đồng. Về đầu tư FDI, tỉnh cấp mới 76 DA, với vốn đầu tư cấp mới hơn 570 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 1.388 DA, vốn hơn 11,88 tỉ USD; trong đó có 635 DA đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỉ USD. Lũy kế chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8% so cùng kỳ năm 2023.
Thường xuyên tổ chức đối thoại
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ của vùng và cả nước, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. đồng hành cùng DN, xem “khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh” là thông điệp xuyên suốt của địa phương. Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản hồi của DN với tinh thần cầu thị, thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại để hoàn thiện hơn nữa năng lực và hệ thống quản lý, hỗ trợ ngày càng tốt hơn nhu cầu của DN.
Tỉnh áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo đúng quy định; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng - kỹ thuật bảo đảm các điều kiện cần thiết và sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư như quỹ đất công nghiệp sạch, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về lao động; cải cách hành chính và tăng cường hỗ trợ pháp lý liên quan đến thủ tục về đầu tư và hoạt động của DN; công khai, minh bạch quy trình thủ tục và các bản quy hoạch, bảo đảm một môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh, an toàn và hiệu quả;...
Đặc biệt, năm 2024, UBND tỉnh chọn nhiều đợt đối thoại, có sự phân cấp giữa tỉnh và huyện nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để chủ động có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.
Những ý kiến đóng góp của các DN giúp tỉnh thực hiện tốt hơn nhiệm vụ. Riêng từ tháng 5/2024 đến nay, tỉnh tổ chức 4 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các DN để kịp thời nắm biết khó khăn, tháo gỡ và lắng nghe những giải pháp mà DN đề xuất để cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út thông tin: Quan điểm đồng hành cùng DN là quan điểm thật sự, không chỉ là lời nói suông mà là hành động cụ thể. Tỉnh được cộng đồng DN ghi nhận, minh chứng PCI năm 2023 của tỉnh xếp vị trí thứ 2 cả nước, tăng 8 bậc so với năm 2022. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối của tỉnh tiếp nhận các thông tin, đề xuất, kiến nghị của DN, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và có phản hồi cho DN về kết quả giải quyết để nhà đầu tư thật sự an tâm khi đến đầu tư tại địa phương.
Tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp để cùng DN tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh; mong muốn cộng đồng DN chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH bảo đảm tính khả thi và hiệu quả. DN cần mạnh dạn và chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng mọi cơ hội để ổn định và phát triển.
“Tỉnh đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các kế hoạch, chương trình hành động phát triển KT-XH, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư một cách quyết liệt, thống nhất trên tất cả nội dung, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được các sáng kiến, hiến kế từ cộng đồng DN phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh ở từng giai đoạn, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các DN đầu tư hiệu quả và cùng tỉnh phát triển bền vững” - ông Nguyễn Văn Út nhấn mạnh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/go-kho-cho-phat-trien-cong-nghiep-a183118.html