Gỡ khó cho xe buýt điện tại TP.HCM
Đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ đối với việc thí điểm xe buýt điện tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm xe buýt điện trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, báo cáo tình hình hoạt động xe buýt điện, tham mưu nội dung dự thảo để UBND Thành phố báo cáo Ban cán sự đảng UBND Thành phố xem xét, có ý kiến về việc triển khai thực hiện theo quy định.
Trong đó, UBND Thành phố yêu cầu Sở GTVT báo cáo rõ tình hình thực hiện đối với 5 tuyến xe buýt điện, đối với những tuyến chưa triển khai phải xác định rõ nguyên nhân và có phương hướng, lộ trình thực hiện cụ thể.
Phân tích, đánh giá các khoản mục chi phí và doanh thu thực tế của tuyến xe buýt điện D4, kết hợp tham khảo việc triển khai xe buýt điện tại Hà Nội để làm rõ về sự phù hợp của mức trợ giá đang áp dụng. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì nghiên cứu, tính toán kỹ để tham mưu UBND Thành phố phương án thực hiện, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, khả thi và đúng quy định.
Đồng thời báo cáo tình hình, tiến độ và dự kiến kế hoạch thực hiện sau khi các bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP.HCM được cấp thẩm quyền ban hành.
Trước đó Sở GTVT TP.HCM báo cáo và kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức tuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn. Tỷ lệ trợ giá/chi phí làm cơ sở đặt hàng được đề xuất áp dụng với tỷ lệ 64,8% theo đơn giá cố định đã được ban hành tại Quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 30/8/2019 của UBND Thành phố đối với loại xe CNG nhóm 4-CNG2 (chi phí là 24.224 đồng/km). Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025.
Đồng thời Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất UBND Thành phố cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn Thành phố đối với 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Kinh phí trợ giá từ nguồn vốn sự nghiệp (trợ giá xe buýt).
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay tại Thành phố xe buýt điện là loại phương tiên mới chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, do đó cần thời gian vận hành thí điểm để Sở GTVT phối hợp với với các sở, ngành và đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu UBND Thành phố ban hành định mức nói trên. Việc thí điểm 5 tuyến xe búy điện có chất lượng, hiện đại, thân thiện với môi trường để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo đề xuất của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus - Chi nhánh TP.HCM là cần thiết và phù hợp với chủ trương, chính sách về phát triển phương tiện sử dụng năng lượng điện tại Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành GTVT.
Tuy nhiên thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng thực hiện trên tuyến chỉ đạt 38,9% so với sản lượng tính trợ giá, doanh thu chỉ đạt khoảng 20,9% so với chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG) và tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài nên ảnh hưởng đến triển khai đưa vào vận hành 4 tuyến xe buýt điện còn lại.
Tỷ lệ trợ giá chi phí là 44,1% áp dụng cho tuyến D4 được xây dựng trên cơ sở thống kê tỷ lệ trợ giá bình quân trong 10 năm (từ năm 2009 – 2019) của hệ thống xe buýt có trợ giá. Trong khi đó, hiện nay theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng, giai đoạn 2020 - 2023 tỷ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống là 63,7%. Như vậy, tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống và với mức trợ giá 44,1% thì mức trợ giá của tuyến là 309.800 đồng/chuyến, phần doanh thu phải đảm bảo 55,9% chi phí là 392.696 đồng/chuyến (tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến). Trên thực tế, trong năm 2022 sản lượng tuyến D4 chỉ ở mức 22,5 hành khách/chuyến và 27,6 hành khách/chuyến trong 6 tháng đầu năm 2023. Cùng với đó các yếu tố biến động nhiên liệu, thay đối mức lương cơ sở lại không được áp dụng như các tuyến xe buýt có trợ giá như hiện nay.
Tuyến xe buýt điện D4 (lộ trình VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng nặng lượng điện thí điểm đầu tiên đưa vào hoạt động từ ngày 9/3/2023, được trang bị các tiện ích phục vụ tốt cho hành khách như sàn thấp và có thể nâng hạ phục vụ người khuyết tật, wifi, cổng sạc điện thoại, màn hình thông báo trạm dừng, camera giám sát an ninh và camera AI kiểm soát tình trạng tài xế khi điều khiển phương tiện. Đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe được phân công làm việc với 2 ca/ngày, nhằm đảm bảo thời gian làm việc đúng với quy định, hướng đến tiêu chí an toàn, đảm bảo yếu tố về chất lượng dịch vụ.
Công ty Vinbus xây dựng ứng dụng trên điện thoại giúp hành khách cập nhật thông tin tuyến cũng như các sự cố xảy ra trên tuyến (kẹt xe, phân luồng giao thông, xe đến trạm trễ) để chủ động thời gian đón xe. Tổ chức bộ phận chăm sóc khách hàng tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc, phản ảnh của hành khách 24/24h trong ngày. Sản lượng hành khách bình quân thực hiện năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và 6 tháng đầu năm 2023 bình quân đạt 27,6 hành khách/chuyến. Doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ 80,9 ngàn đồng/chuyến lên mức 154 ngàn đồng/chuyến. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động (tính theo đơn giá xe sử dụng khí CNG).
UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tổ chức 5 tuyến xe buýt điện, thời gian thí điểm là 24 tháng. Cụ thể là tuyến VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart), VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất), VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn), VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới), VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia).
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/go-kho-cho-xe-buyt-dien-tai-tphcm-161083.html